Giảm thiểu tác hại trong mại dâm: Bảo đảm an toàn, sức khỏe và quyền con người
Báo Tiếng chuông - 19/09/2016
Sáng nay 16/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo chính sách “Giảm thiểu tác hại trong mại dâm- Bảo đảm an toàn, sức khỏe và quyền con người”.

Mục đích của Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin từ các hoạt động nghiên cứu và rà soát chính sách, các hoạt động của Chính phủ đã và đang thực hiện để tăng cường đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; vai trò của các tổ chức đại diện của người lao động/người bán dâm, các tổ chức xã hội trong vấn đề bảo vệ quyền của người lao động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí nhạy cảm.

 

Tư vấn tâm lý cho phụ nữ bán dâm. Ảnh Nhật Thy

 

Theo Bộ LĐ-TBXH, Việt Nam có khoảng 161 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, với hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết các lao động này đang làm trong khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao bị vi phạm quyền của người lao động. Một nghiên cứu gần đây do ILO thực hiện cho thấy lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, đặc biệt những cơ sở có khả năng liên quan đến mại dâm, thường đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền của người lao động, như không có hợp đồng lao động, giữ lương, ép uống rượu bia và thậm chí là bạo lực từ nhiều đối tượng khác nhau. Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là những người có khả năng kinh tế kém và bán dâm.

Do nhiều người lao động và cơ sở kinh doanh dịch vụ có thể tham gia vào hoạt động mua bán dâm, nên việc giải quyết các vi phạm về an toàn, sức khỏe và các quyền khác tại nơi làm việc cần được xem là một phần chính sách trong chương trình giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm.

Bộ LĐTBXH cho biết, từ năm 2003, việc bảo đảm quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có nhiều hoạt động được thể hiện vì nhiều lý do. Nhưng hiện tại mọi thứ đang thay đổi. Bảo vệ quyền cho người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đã được đưa vào Chương trình Hành động Phòng, chống mại dâm giai đoạn 5 năm 2016-2020. Đây là việc làm có ý nghĩa của Chính phủ để bảo vệ quyền của lực lượng lao động thường bị "lãng quên" này.

Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Quốc gia ILO tại Việt Nam đã nhấn mạnh 3 thông điệp quan trọng trong công tác phòng, chống mại dâm,

Thứ nhất, cần đảm bảo rằng người sử dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo an toàn và sức khỏe cũng như các quyền lao động cho người lao động của mình. Vì vậy vai trò của các cơ quan thanh tra lao động và y tế tại địa phương rất quan trọng. Cán bộ thanh tra lao động và y tế cần được biết và được đào tạo về chủ đề này và cần đưa các vấn đề về an toàn, sức khỏe và quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vào kế hoạch thanh tra của mình

Thứ hai, tầm quan trọng của việc hợp tác với tổ chức xã hội dân sự. Vì nhóm lao động này không có tổ chức chính thức nào đại diện cho tiếng nói của họ, nên các nhóm tự lực của người lao động tình dục hoặc những lao động từng làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có thể đóng vai tròn quan trọng. Do đó cần có chính sách hoặc cơ chế để có sự tham gia của các nhóm tự lực của người lao động tình dục hoặc người từng làm việc tại các cơ sở dịch vụ giải trí, làm sao để họ có thể làm việc cùng các cơ quan chính quyền địa phương trong việc theo dõi và báo cáo việc tuân thủ pháp luật.

Thứ ba, cần thường xuyên thu thập và sử dụng bằng chứng và thông tin để hỗ trợ cho hoạt động chính sách và quản lý để đảm bảo sự đáp ứng một cách kịp thời và hiệu quả.