Hỏi: Vì sao nên lồng ghép giới trong truyền thông về phòng chống HIV/AIDS? Lồng ghép như thế nào? Nguyễn Thị Hà Thu (tuyên truyền viên HIV/AIDS, Q.Tân Phú)
ThS Đinh Thị Thu Trang – giảng viên Khoa Dân vận Trường Cán bộ TP.HCM trả lời:
Hiện nay, một số vấn đề về giới và bất bình đẳng giới ở VN có liên quan đến hiệu quả phòng chống HIV/AIDS. Việc lồng ghép giới vào các chương trình phòng chống AIDS là do một số đặc điểm khác biệt liên quan đến giới, như tính dễ bị tổn thương về mặt sinh học, về kinh tế, văn hóa, xã hội, về tinh thần, sức khỏe và đời sống tình dục của phụ nữ (PN) so với nam giới.
Về mặt sinh học, do đặc điểm giải phẫu và sinh lý, nữ giới có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hai lần nam giới khi có quan hệ tình dục. Nữ giới cũng có nhiều khả năng bị xâm hại tình dục. Về kinh tế, văn hóa và xã hội, PN thường phụ thuộc về kinh tế, về hành vi của bạn tình, thiếu quyền quyết định trong việc có sử dụng bao cao su hay không; mại dâm nữ phổ biến hơn mại dâm nam…
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS VN, đến cuối năm 2008 số người nhiễm HIV/AIDS đang sống trên thế giới tiếp tục gia tăng và đã lên đến con số 33,4 triệu người (dao động trong khoảng từ 31,1 triệu đến 35,8 triệu), tăng 20% so với năm 2000 và tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS ước tính cao gấp ba lần năm 1990. Từ năm 1985, tỷ lệ PN trong tổng số người lớn bị nhiễm HIV tăng từ 35% lên 50%. Như vậy, đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm HIV ở PN.
Tại VN, tỷ lệ PN nhiễm HIV/AIDS cũng đang có chiều hướng tăng. Năm 2003, tỷ lệ là 2,3 nam/một nữ, năm 2005 là hai nam/một nữ. Một hiện tượng cũng rất đáng báo động là đã xuất hiện một tỷ lệ không nhỏ người nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam.
|
Lồng ghép giới vào chương trình phòng chống AIDS được Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn triển khai theo bốn giai đoạn (VN cũng đang áp dụng). Giai đoạn một hướng tới mục đích: xóa bỏ định kiến giới, bảo đảm cho những PN tiêm chích ma túy được tiếp cận bao cao su và kim tiêm sạch, đảm bảo cho PN tham gia chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Giai đoạn hai (gọi là chương trình nhạy cảm về giới): phát triển và phổ biến các biện pháp do PN kiểm soát như bao cao su nữ và chất diệt tinh trùng; lồng ghép việc tầm soát HIV với dịch vụ sức khỏe sinh sản như làm mẹ an toàn, nạo thai an toàn…; các chương trình đề cập tính dễ tổn thương và hành vi của nam giới (chẳng hạn chương trình tình dục an toàn cho lái xe đường dài). Giai đoạn ba là giai đoạn can thiệp tạo thay đổi, với các chương trình giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên. Giai đoạn bốn được gọi là can thiệp tạo quyền: bảo đảm quyền bình đẳng giới trong tiếp cận thông tin, giáo dục và dịch vụ, tiếp cận các nguồn lực, bình đẳng trong tham gia lãnh đạo tại cộng đồng và cấp cao hơn, bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền của PN theo pháp luật.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại VN đã đạt nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về giới, sự bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Khi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, cần lồng ghép truyền thông về giới với các nội dung và thông điệp chính như sau: PN và nam giới nói chung đều dễ bị tổn thương với HIV qua nhiều cách khác nhau; chương trình phòng chống HIV/AIDS cần chú ý đến nhu cầu khác nhau của nữ giới và nam giới; bình đẳng giới và trao quyền cho PN là những thành tố chính trong sự ứng phó hiệu quả với HIV/AIDS.
Ngọc Hồ (ghi)
▪ Phác đồ bậc một thuốc kháng retrovirus (ARV) được sử dụng tại Việt Nam ? (28/05/2010)
▪ Sợ bị nhiễm HIV vì quan hệ với gái mại dâm (08/05/2010)
▪ Dùng thuốc điều trị HIV thế nào ? (09/04/2010)
▪ Cha mẹ nhiễm HIV: Có nên sinh con bằng mọi giá? (22/03/2010)
▪ Lây nhiễm HIV trong cơ sở y tế có thể xảy ra (19/01/2010)
▪ Hỗ trợ tâm lý cho người có HIV/AIDS (18/11/2009)
▪ Người sống với HIV có thể đi đắp, nâng cơ được không ? (24/10/2009)
▪ HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào? (12/09/2009)
▪ Xét nghiệm HIV sớm (09/09/2009)
▪ Thắc mắc của “công dân đường phố” (20/08/2009)