Người sống với HIV có thể đi đắp, nâng cơ được không ?
Các Website khác - 24/10/2009
 
PNO - * Tôi 26 tuổi, bị HIV do lây nhiễm từ bạn trai đã 8 năm. Hiện tại tôi đang được điều trị bằng thuốc ARV tại Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, thời gian bắt đầu điều trị từ năm 2006, TCD4 là 102 mm3, cân nặng 48 kg, cao 1m62.

Lúc đầu tôi được điều trị bằng phác đồ D4T-3TC-NVP, sau hơn một năm điều trị tôi đổi phác đồ D4T-3TC-EFV do bị phát bệnh lao phổi. Từ tháng 10/2008 tôi được chỉ định đổi phác đồ ZDV-3TC-EFV, lý do teo mô mỡ.

Từ ngày tôi uống thuốc ARV đến thời điểm tháng 5/2009 tôi còn 42,5 kg, TCD4 của tôi được là 339 mm3, cùng với kết quả xét nghiệm tải lượng virus là dưới ngưỡng phát hiện. Tuy nhiên về mặt thẩm mỹ, các cơ bắp tay, chân, phần mông và hai bên má của tôi dần teo đến mức tôi không thể mặc được những chiếc áo ngắn tay hay những chiếc quần lửng trong thời tiết nóng bức ở Sài Gòn. Và từ khi chuyển đổi phác đồ cũng không thấy dấu hiệu phục hồi.

Hiện nay tôi có nghe báo chí quảng cáo dịch vụ đắp, nâng cơ. Xin được hỏi bác sĩ: bệnh nhân HIV như tôi có thể thực hiện những phương pháp này không? Nếu có thì thực hiện tại đâu (bệnh viện hay dịch vụ thẩm mỹ) và chi phí bao nhiêu? Nếu không thì có cách nào giúp tôi cải thiện được dáng vóc? (D.A)

- Trả lời:

HIV là một bệnh mạn tính, người bệnh cần được điều trị liên tục và lâu dài. Bệnh nhân không được ngưng thuốc, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn (vài tuần), vì retrovirus có khả năng kháng thuốc rất nhanh.

Sự tuân thủ của bệnh nhân kết hợp với sự chăm sóc của cơ quan y tế là yếu tố quyết định cho việc thành công trong điều trị bệnh HIV. Nhưng thật đáng tiếc, các thuốc điều trị HIV đều có những phản ứng phụ như: viêm gan, viêm thần kinh ngoại biên, dị ứng da, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa mỡ và nhiều phản ứng khác.

Hiện tại bạn đang có phản ứng phụ là bị rối loạn chuyển hóa mỡ, đặc biệt phản ứng này thường xảy ra ở các mô mỡ trên mặt, tạo cho người bệnh có một khuôn mặt không được dễ coi lắm. Khi có những dấu hiệu này, thông thường bác sĩ điều trị sẽ đổi sang thuốc khác. Nhưng việc phục hồi lại thường xảy ra sau 3-6 tháng, đôi khi còn lâu hơn.

Bạn định đi thẩm mỹ cho cơ thể dễ nhìn hơn là một điều tốt, nhưng chỉ dành cho những người có cơ thể khỏe mạnh, không có một bệnh mạn tính nào, vì nguy cơ tai biến xảy ra sau khi phẫu thuật rất cao, đặc biệt đối với người bị HIV. Sức đề kháng của người bệnh HIV rất thấp, chính vì vậy mọi tổn thương trên cơ thể là một nguy cơ cao cho việc bị nhiễm trùng.

Chúng tôi khuyên bạn nên ăn uống đầy đủ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì sau một thời gian bạn sẽ khỏe hơn, và tất cả những khiếm khuyết về ngoại hình do thuốc gây ra cũng sẽ được cải thiện.

BS Lê Thanh Toàn
(Trung tâm Đào tạo Bác sĩ Gia đình - ĐH Y Dược TP.HCM)