![]() |
Mạnh dạn đặt câu hỏi... - Ảnh: Như Lịch |
“Em không có giấy tờ tùy thân, sống lang thang lúc vỉa hè lúc công viên. Vậy, có chỗ nào cho em khám bệnh HIV/AIDS không?”.
Đó là câu hỏi của nhiều thanh thiếu niên đường phố đặt ra tại diễn đàn “Vì cuộc sống mạnh khỏe cho thanh thiếu niên đường phố” do Trung tâm Thực hành công tác xã hội (thuộc khoa Xã hội học, trường ĐH Mở TP.HCM) và Quỹ Cứu trợ trẻ em tổ chức tại TP.HCM vào ngày 14.8.
Diễn đàn đặc biệt
Theo anh Vương Quốc Sang, đồng đẳng viên Trung tâm Thực hành công tác xã hội, trường ĐH Mở TP.HCM, có khoảng 50 thanh thiếu niên đường phố tham dự diễn đàn này. Sang bộc bạch: “Tụi mình mời được những bạn đó bước vô phòng họp còn khó hơn... lên trời! Họ quen ăn nói bỗ bã, quen sống ngoài trời, giờ vô đây thấy gò bó...”.
“Hầu hết các quận, huyện đều có trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng điều trị miễn phí cho bệnh nhân AIDS. Thế nhưng, do công tác tuyên truyền chưa sâu sát nên có khá nhiều thanh thiếu niên đường phố không hề biết đến điều sơ đẳng này” - Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn |
Tham gia diễn đàn, chị Nguyễn Thị Lê, tư vấn viên, phụ trách công tác tiếp nhận bệnh nhân Bệnh viện Nhân ái - huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, cũng đã trình bày chi tiết những thủ tục chuyển gửi, chữa trị cho những người có HIV.
Theo ông Lê Chí An, thành viên dự án “Giáo dục truyền thông phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong thanh thiếu niên đường phố” (do Trung tâm Thực hành công tác xã hội thực hiện từ tháng 9.2008 đến 9.2009), mục đích của buổi hội thảo là nhằm cung cấp những kiến tức cần thiết cho thanh thiếu niên đường phố. Qua đó, các bạn này có thể chủ động phòng tránh hoặc điều trị những căn bệnh liên quan đến HIV, việc dùng chung kim tiêm...
Không giấy tờ, không chỗ ở
Tại diễn đàn, N., 23 tuổi, trước nay sống vật vạ trên những hè phố ở Q.1 (TP.HCM) cho biết mình “làm gái” dù cô đang có thai hơn 6 tháng rồi. N. thành thật kể: “Một số anh chị giáo dục viên hỏi em sao không về nhà sống? Em có nhà đâu mà về chứ!”. Rồi N. ưu tư: “Lúc em có thai, em được chỉ dẫn đến khám những chỗ miễn phí. Nhưng em lo không biết sau khi sanh, mẹ con sẽ ở đâu, cuộc sống như thế nào...”.
Khuôn mặt sạm đen, gầy gò, đầu đội chiếc mũ sùm sụp, thỉnh thoảng theo thói quen gác một chân lên ghế, H. (Q.5) dè dặt hỏi: “Tui biết một bạn gái bị AIDS lỡ dính bầu. Vậy bạn nữ đó có nên giữ bào thai lại không?”. Mặc dù được giới thiệu một số địa chỉ có thể tiếp nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, H. vẫn day dứt và lặp lại: “Bạn gái đó phát hiện mình có thai khi bản thân bị bệnh AIDS giai đoạn cuối. Bạn ấy có nên để em bé ra đời không? Vì nếu cha mẹ em bị bệnh AIDS chết hết, em bé ra đời càng tội nghiệp hơn!”.
Ngày 15.8, trong khuôn viên khách sạn Công đoàn Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hơn 150 trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV tại TP.HCM đã hào hứng tham gia hội trại “Vui hè cùng bè bạn năm 2009”. Tại đây, các em được tham gia nhiều trò chơi kéo dài suốt cả ngày, như: xé giấy dán tranh, biểu diễn thời trang, ảo thuật, tiểu phẩm hài, đố vui, múa tập thể... Các em này còn được nhận quà tặng sau mỗi trò chơi và lúc bế mạc hội trại. Được biết, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng các quận: 3, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức đã phối hợp với Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức trại hè trên. |
Một số ý kiến băn khoăn rằng, sau khi kết thúc chương trình thí điểm điều trị cai nghiện thay thế bằng thuốc Methadone, liệu họ có được tiếp tục dùng thuốc miễn phí để cai nghiện nữa hay không? Nhiều bạn khác thì thắc mắc, đến khi nào những người “không giấy tờ, không chỗ ở” như họ được phát Methadone?...
P., 20 tuổi, sống trôi nổi trong những công viên ở Q.5 thăm dò: “Bệnh nhân HIV/AIDS đến khám bệnh có bị phân biệt không?”. Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn - Phòng khám đa khoa Xóm Mới (P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Về phương diện lý thuyết là không ai phân biệt bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số bác sĩ, y tá cảm thấy sợ khi phải phẫu thuật cho những bệnh nhân này”. Bác sĩ Phấn nói tiếp: “Bản thân tôi đã mổ cho rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS và tôi thấy không có vấn đề gì. Nhưng nếu có người nào sờ sợ khi điều trị cho các em thì các em cũng hãy tha thứ cho họ, vì dù sao họ cũng là con người. Hãy tìm đến những bác sĩ, y tá thương các em...”.
Một bạn nam khác hỏi: “Ngoài điều trị HIV, người nhiễm nên đến đâu để chữa trị những căn bệnh khác?”. Bác sĩ Phấn cho chiếu lên màn hình những hình ảnh “rùng rợn” về những bệnh lây qua đường quan hệ tình dục đồng thời tư vấn cách thức, nơi chốn chữa bệnh.
Như Lịch
▪ Hội chứng ỉa chảy ở người nhiễm HIV (25/04/2009)
▪ Quan hệ với người đang sống với HIV có an toàn không ? (11/08/2009)
▪ Làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ nếu bị dương tính với HIV (11/08/2008)
▪ Người sống với HIV nghèo thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng ? (06/08/2009)
▪ Tràn dịch màng phổi do nhiễm HIV (10/06/2009)
▪ Quan hệ đồng tính nữ liệu có bị nhiễm HIV/AIDS? (29/07/2009)
▪ Bệnh nhân HIV có thể đi đắp, nâng cơ được không? (11/07/2009)
▪ Tư vấn trực tuyến: Phòng chống HIV/AIDS ở nơi làm việc (05/03/2009)
▪ Muốn kết hôn với người nhiễm HIV (27/02/2009)
▪ Chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con họ (26/02/2009)