Tại sao bình đẳng giới là một vấn đề trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai?
Báo Tiếng chuông - 17/05/2016
Bà Roberta Clarke, Giám đốc Khu vực châu Á -Thái Bình Dương, UN Women cho biết, phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với sự phân biệt đối xử rộng khắp thường xuất hiện ngay từ trước khi họ chào đời, như việc bỏ thai nhi nữ do sự coi trọng con trai hơn con gái. Trong thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người tử vong. 78% số người thiệt mạng trong trận sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004 là phụ nữ và trẻ em gái; 55% số người thiệt mạng trong 2 trận động đất ở Nepal là phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Roberta Clarke, Giám đốc Khu vực châu Á –Thái Bình Dương, UN Women phát biểu tại Hội nghị Giới và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ảnh Huyền Linh

 

Phụ nữ, trẻ em gái và người già chiếm 80% số người sống với dưới 2 đô la Mỹ mỗi ngày ở châu Á. Hơn nữa, phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quyền ra quyết định và quyền lực chính trị thấp nhất trên thế giới. Điều này hạn chế vai trò tác nhân của họ trong việc tác động đến các quá trình ra quyết định chính sách về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Phụ nữ không dễ dàng tiếp cận nguồn lực cần thiết để tồn tại và ứng phó với thảm hoạ. Ví dụ, ở Trung Quốc, 70% số lao động nông nghiệp không có đất đai là phụ nữ. Trong khi thiếu khả năng kiểm soát các nguồn lực này, phụ nữ vẫn phải phụ thuộc vào chúng để có sinh kế. Những nguồn lực này đặc biệt dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu, do đó làm giảm khả năng của phụ nữ trong việc ứng phó với tác động của thiên tai.

Tác động lên nguồn nước và an ninh lương thực cũng có nghĩa là phụ nữ và trẻ em gái thường phải dành rất nhiều thời gian đi lấy nước, và điều này lại làm giảm thời gian mà họ có để thực hiện các hoạt động kinh tế. Ngày càng nhiều nam giới rời bỏ khu vực nông thôn và di cư ra thành thị do những yếu tố lực đẩy như biến đổi khí hậu và sự khó khăn về kinh tế, do vậy, phụ nữ đang bị bỏ lại phía sau, và điều này làm tăng số hộ gia đình do phụ nữ làm chủ, cũng như sự phụ thuộc ngày càng lớn của phụ nữ vào nông nghiệp.

Theo bà Roberta Clarke, phụ nữ và trẻ em gái thường phải gánh chịu tác động kép của thiên tai. Họ không chỉ mất đi tính mạng, nhà cửa và sinh kế mà còn phải chịu bạo lực trên cơ sở giới với mức độ cao hơn. Tại Vanuatu, Trung tâm Khủng hoảng dành cho Phụ nữ cho biết bạo lực trên cơ sở giới đã tăng 300% sau khi cơn bão nhiệt đới Lusi xảy ra. Phụ nữ trẻ và trẻ em gái thường bị ép tảo hôn hoặc trở thành nạn nhân mua bán người do các gia đình không còn cách nào khác để tồn tại và đối phó với tái động của thiên tai. Ở Tây Bengal, Ấn Độ, những kẻ mua bán người xuất hiện sau khi lũ lụt xảy ra, khi mà các gia đình trở nên tuyệt vọng và không còn sinh kế nào khác.

Giám đốc Khu vực châu Á –Thái Bình Dương, UN Women cho rằng, những yếu tố này kết hợp lại với nhau ảnh hưởng đến cách mà phụ nữ trải nghiệm thiên tai, và có tác động vô cùng tiêu cực đến khả năng ứng phó, giải quyết và khôi phục sau thiên tai của họ. Hậu quả là thiên tai và biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục hạn chế một cách sâu sắc sự thụ hưởng các quyền kinh tế và xã hội của phụ nữ, và thậm chí sẽ tiếp tục củng cố những bất bình đẳng giới đang tồn tại.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nhìn phụ nữ qua lăng kính là ‘đối tượng dễ bị tổn thương và nạn nhân’ của thiên tai thì chúng ta chỉ càng làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ. Phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục vượt qua ranh giới ‘truyền thống’ của sự phân chia theo giới về lao động và các quy phạm văn hoá xã hội”, bà Roberta Clarke nói.

Người dân ở mọi nơi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật, nói rằng họ cảm thấy bị loại trừ khỏi nhiều diễn đàn ra quyết định và nhiều hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc sống họ. Trong khi đó, những quyết định tốt nhất luôn được đưa ra khi những người bị ảnh hưởng có thể góp phần vào quá trình ra quyết định đó.

“Trong khi bàn tính về tương lai, các cuộc thảo luận của chúng ta cần luôn đặt ở vị trí trung tâm nhận thức rằng phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có khả năng và năng lực chuẩn bị, ứng phó và chung sống với thiên tai. Họ là nhân tố mấu chốt cho việc giải quyết rủi ro thiên tai nhằm xây dựng khả năng chống chịu cho bản thân họ và cho cộng đồng. Trong khi xây dựng lộ trình triển khai các ưu tiên về giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương, chúng ta cần bảo đảm rằng phụ nữ có không gian để làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe, để lãnh đạo và tham gia vào quá trình ra quyết định và để các ưu tiên của họ được giải quyết”, bà Roberta Clarke nhấn mạnh.