Nếu mọi con đường trên mặt đất đều dẫn tới La Mã thì mọi con đường trong phim đều dẫn tới... yêu. Dù mở đầu phim có căm thù, giữa phim có là chết chóc thì kết phim ai cũng phải yêu ai hoặc cũng phải li dị ai đó để chuẩn bị yêu người mới...
Các cảnh yêu trong phim Việt (Ảnh minh họa) |
Dân châu Á chúng mình, cái gì thì thiếu chứ trong sáng thì…thừa. Trong khi "Tây" hay Mỹ phải ôm, phải hôn, thậm chí phải điên cuồng xé này xé kia thì mới có vẻ yêu mãnh liệt, thì chúng ta cứ thật thong thả, thật run run nắm tay, nhìn vào mắt nhau rồi quay đi và…chạy!
Chạy trong tình yêu là trạng thái phổ biến nhất của Điện ảnh Việt Nam. Trí thức chạy, bộ đội chạy, nông thôn chạy, thành phố chạy…
Lãng mạn thì chạy trên đồi thông Đà Lạt, kém lãng mạn một tý thì chạy trên bãi biển, đơn giản nhất là chạy trên đê còn lười biếng nhất thì chạy ở ngoại thành (chạy trong đêm trăng rất ít khi làm vì khó quay, hay nói đúng hơn khó chiếu sáng).
Lạ là luôn luôn con gái yếu ớt chạy trước, con trai khoẻ hơn không đuổi kịp. Cao trào thì cứ sắp kịp lại… tóm trượt. Lạ hơn nữa là họ đuổi không biết mệt, không khi nào mồ hôi nhễ nhại mà cứ cười khanh khách.
Cuối cùng thì ngã đè lên nhau, nhưng ngay lập tức cô gái vùng ra sau chạy lần nữa. Mặc kệ nhà khí tượng học dự báo thế nào, họ yêu nhau trong mùa gì và mưa thì luôn luôn đổ đúng lúc, đúng chỗ.
Không chỉ vậy, mưa dứt khoát phải ướt cô gái rồi mới ướt chàng trai, mà cả hai lại không có áo mưa hoặc có dù thì luôn luôn chỉ có một đã thế chỗ đứng lại nhỏ và hẹp nên không có cách nào khác phải nép vào nhau.
Nếu hai người nép vào mái tranh thì càng tuyệt, mưa sẽ nhỏ từng giọt và phải quay đặc tả để chiếu sáng long lanh, mưa nhỏ từng giọt kèm theo tiếng nhạc.
(Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, khi nam nữ chia tay thì tuyệt nhất là ở bến đò. Anh con trai bao giờ cũng phải lên thuyền, còn cô gái chạy đuổi theo. Kỳ lạ là thuyền đi rất chậm nhưng cô gái không khi nào đuổi kịp.
Nếu cô vừa chạy, vừa khóc, vừa bế con nữa thì tuyệt vô cùng. Phim Việt Nam cũng chẳng mấy khi cho nhân vật gặp nhau bất thình lình, vì như thế quá nhanh mà nhanh sẽ không xúc động. Cô gái phải đang làm gì đó (thái rau càng tốt) bỗng nghe tin người yêu đã về đến đầu làng, đang đi trên đê.
Cô phải sững sờ buông dao, vừa chạy ra đón vừa ngã dúi ngã dụi mới thực sự yêu và mới thực sự não lòng. Cô mà khoẻ mạnh, mà thuộc đường và chạy vụt một cái ra tới nơi thì hỏng bét.
Chỉ có phim Mỹ mới nói “yes/no” khi hỏi nhau chuyện yêu đương, còn ta đâu thô lỗ như thế. Ta trước khi hỏi phải ngần ngừ 15 phút, hỏi xong chưa kịp nghe câu trả lời đã vùng chạy ngay, cứ như nghe được tiếng trả lời là lăn quay ra…chết!
Một số tác phẩm hiện đại đã táo bạo hơn, khi nam nữ yêu nhau, cô gái vừa đấm vào anh con trai vừa…khóc. Tất nhiên là không đau. Nhưng giải pháp này chỉ dùng được trong trường hợp tình yêu trước đó đã có hiểu nhầm.
Tất cả các thủ pháp đấy, nói cho cùng không phải là dở nhưng nó lặp đi lặp lại đến mức nghèo nàn. Trong khi cuộc sống ngoài đời các cô cậu đã yêu tới đâu, đã “cải tiến” và “hiện đại hoá, cơ khí hoá” tới mức độ nào thì trên màn ảnh họ vẫn nhút nhát, vẫn ngây ngô và vẫn…chạy. Nhiều khán giả khi xem phim đã phán Điện ảnh mình cũ nhất là yêu!.
Theo Lê Thị Liên Hoan
▪ "Khám phá" bộ mặt “thật” của Michael Jackson (27/08/2008)
▪ Những bãi biển nóng bỏng nhất hành tinh (27/08/2008)
▪ Thư Kỳ cảnh cáo giới truyền thông (27/08/2008)
▪ Diễn viên VN đóng phim Hollywood? (27/08/2008)
▪ Diễn viên phim “Ngôi nhà có nhiều cửa sổ” thi Hoa hậu (23/08/2008)
▪ Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc: Không có giải vàng (23/08/2008)
▪ Hồ sơ chết: Bài học về niềm tin (23/08/2008)
▪ Mai Phương Thúy: Không sợ bị lãng quên (23/08/2008)
▪ Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng? (22/08/2008)
▪ “The X - files” phiên bản 2008 ra mắt (22/08/2008)