Cuộc đua tổ chức thi Hoa hậu hoàn vũ 2006
Theo tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện có bốn đơn vị đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2006, đó là: Quỹ Văn hóa Hà Nội, Công ty Cát Tiên Sa, Công ty Hồng Thiên Định và một công ty T.N.H.H của TP Hồ Chí Minh. Nếu không phải là đơn vị nhà nước thì sẽ không có đơn vị tư nhân nào dám bỏ ra một số lượng tiền khổng lồ để tổ chức một cuộc thi hoa hậu trong nước như hoa hậu hoàn vũ để rồi không đi dự thi quốc tế.
Qua trao đổi, hóa ra cả bốn đơn vị này đều trông chờ vào lời hứa hẹn của đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ thế giới mà chưa hề có trong tay giấy mời chính thức.
Bộ Văn hóa - Thông tin vẫn chưa quyết định cho đơn vị nào đăng cai để chờ Quy chế hoạt động tổ chức thi hoa hậu ban hành.
Trong quy chế quy định rõ ràng hồ sơ xin phép cho thí sinh Việt Nam dự thi Hoa hậu quốc tế phải có giấy mời của ban tổ chức mới được quyền đi thi. Theo tin từ một đơn vị đăng ký thì khoảng tháng 5-2005, đơn vị tổ chức hoa hậu hoàn vũ thế giới 2006 mới chính thức phát giấy mời. Như vậy cuộc đua để được lựa chọn giữa các đơn vị tổ chức hoa hậu vẫn tiếp tục.
Trước đây, để đưa một người đẹp đến với các đấu trường sắc đẹp quốc tế, đơn vị tổ chức phải thông qua những ban, bộ, ngành liên quan và cuối cùng phải được sự đồng ý, cấp phép của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng nghệ thuật Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh: Nhu cầu tổ chức các hoạt động thi người đẹp, người mẫu ở TP Hồ Chí Minh rất lớn, nhiều đơn vị đã trực tiếp tới đặt vấn đề với cơ quan quản lý để xin cấp phép. Hiện nay chúng tôi chưa có một quy chế trong tay để có thể trả lời họ chính thức. Chính vì vậy mà những sai sót của một số đơn vi khi đưa thí sinh đi thi quốc tế chúng ta chưa thể xử phạt được. Ngay như việc một số đơn vị, cá nhân trong nước và nước ngoài trao những giải cho thí sinh tại một số cuộc thi mà không hề hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên môn đã dẫn tới giải được trao tùy tiện không đúng người. Chúng tôi đang rất cần một văn bản hướng dẫn cụ thể đi kèm khi quy chế ban hành.
|
Đơn cử để đưa người đẹp Hương Giang đến với cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế 2003, Công ty Elite - đơn vị trực tiếp đưa thí sinh dự thi đã phải làm đơn xin phép Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thông tin... mới có được sự đồng ý cho Hương Giang lên đường.
Theo dự thảo quy chế thi hoa hậu mới thì chỉ cần có công văn xin phép của đơn vị Việt Nam đưa thí sinh đi dự thi, đơn xin phép của thí sinh và giấy mời và thể lệ của Ban tổ chức. Thời gian cấp phép của cơ quan quản lý cũng rất nhanh gọn, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét ra quyết định cho phép tổ chức thi hoa hậu trong nước và đưa thí sinh ra nước ngoài dự thi Hoa hậu quốc tế.
Sát thực tiễn để tránh sai sót
Về việc người đẹp Hồng Hà có vết xăm trên mình khi đi thi Hoa hậu châu Á vừa qua, bà Thúy Hạnh - Giám đốc chuyên môn Elite Vietnam cho biết: Việc xăm hình là chuyện riêng của Hồng Hà và theo tôi không phải là vấn đề đáng ầm ĩ, ở các cuộc thi quốc tế khác cũng đã có trường hợp thí sinh xăm mình. Tuy nhiên, nếu có một quy đinh cụ thể không cho thí sinh xăm hình thì chúng tôi sẽ thực hiện! Trong dự thảo quy chế thi hoa hậu chưa có quy định chi tiết như vậy nhưng khi đề cập tới chuyện người đẹp xăm hình mà lại đi thi đoạt danh hiệu là điều mà nhiều đơn vị có tổ chức hoạt động này đều thấy không thể chấp nhận!
Ông Lê Nam - Trưởng phòng quản lý băng địa hình ca nhạc - sân khấu Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: Con rồng là biểu tượng rất thiêng liêng thường ở những nơi chùa chiền, thờ cúng lại bị Hồng Hà đưa vào thắt lưng là điều đáng trách lắm rồi. Cô lại có ý tưởng mang cả Vạn lý trường thành - niềm tự hào và kiêu hãnh của người Trung Hoa để xăm vào cơ thể mình thì quả thật là quá đáng! Điều này thể hiện rất rõ về. trình độ hiểu biết xã hội, văn hóa của các người đẹp của ta còn quá hổng!
Không làm vì chưa có quy chế là lý do bao biện của Elite Vietnam. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi hoa hậu phải đảm bảo tính thuần phong mỹ tục là khái niệm quá chung chung, cần có quy định cụ thể hơn. Một quan chức của Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh cho rằng quy chế quy định cụ thể là không chấp nhận thí sinh xăm mình đi thi hoa hậu.
Việc Hồng Hà được trao danh hiệu bốn năm rồi mà vẫn đại diện đi thi quốc tế cho thấy dự thảo quy chế cũng cần quy định thời hạn cho danh hiệu hoa hậu.
Theo ông Lê Nam những người đẹp đoạt danh hiệu lâu như kiểu như Hồng Hà vẫn có thể đi thi quốc tế nhưng chỉ được xếp vào diện thí sinh tự do chứ không thể đại diện cho quốc gia.
Quy chế mở rộng cửa cho người đẹp nhưng để tham gia các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới thì cũng cần đưa một gương mặt đại diện cho quốc gia tham gia tranh tài.
Người mẫu Xuân Lan - Giám đốc công ty thời trang Stylish Center cho rằng: "Nếu thí sinh tự do muốn đi là đi, tôi nghĩ cần phải kiểm tra mục đích của sự tham gia ấy. Không ngoại trừ trường hợp thí sinh lợi dụng danh nghĩa quốc gia để thực hiện mục đích riêng".
Trong quy chế đã quy định thí sinh tự do muốn đi thi phải thông qua một đơn vị quản lý trong nước, dĩ nhiên những sai sót và xử lý vi phạm sẽ không chỉ dừng ở thí sinh mà cần đặt trách nhiệm ở đơn vị chịu trách nhiệm đưa thí sinh đi thi.
Phá bỏ tình trạng "độc quyền" đưa người đẹp ra nước ngoài
Giản tiện thủ tục hồ sơ trong dự thảo quy chế nhằm tạo mọi điều kiện đưa người đẹp Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người" miễn là có xin phép đàng hoàng là cơ chế rất thoáng của ngành Văn hóa - Thông tin.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cát Tiên Sa: Đừng nghĩ rằng chỉ có Elite Vietnam mới có đủ tài ngoại giao để độc quyền đưa người đẹp ra quốc tế. Nếu các đơn vị tổ chức chịu khó cập nhật các thông tin trên các trang web của một số công ty giữ bản quyền tổ chức cuộc thi người đẹp quốc tế thì việc đưa thí sinh đại diện cho Việt Nam tham gia là chuyện không khó. Nước ngoài dễ chấp nhận vì họ cần thí sinh. Tuy nhiên phải xác định là mình đi thi với mục đích gì và tổ chức như thế nào.
|
Tuy nhiên, hiện tại hầu hết việc đưa người đẹp ra nước ngoài dự thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn đã được Elite Vietnam mua độc quyền. Có bốn cuộc thi lớn: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái Đất, Hoa hậu Quốc tế thì có tới ba cuộc thi do Elite nắm giữ. Vì vậy mới xảy ra chuyện hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền gặp nhiều sự cố trong việc "xuất ngoại" đi thi hoa hậu thế giới.
Bộ Văn hóa - Thông tin phải là đơn vị trọng tài để lựa chọn đưa ra đơn vị có đủ tư cách và năng lực tổ chức đưa người đẹp ra nước ngoài với tư cách quốc gia.
Một vấn đề đặt ra là các đơn vị tổ chức thi hoa hậu và ngay cả Elite Vietnam - đơn vị đã đưa tới hơn 40 người đẹp đi thi quốc tế vẫn chưa có một trường lớp đào tạo nghiêm túc cho người đẹp.
Đã tới lúc các nhà tổ chức cần có cái nhìn nghiêm túc và đầu tư hơn về sắc đẹp đại diện cho Việt Nam tham dự các giải của thế giới vì lợi ích của đất nước bên cạnh lợi ích kinh doanh của mình.
Cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2005 có nét mới là giành tới 15 ngày để Ban giám khảo ăn ở, sinh hoạt bên cạnh các người đẹp vào chung kết để có thể lựa chọn những người mẫu không chỉ đạt tiêu chuẩn về trình diễn mà còn đạt tiêu chuẩn cả về phong cách ứng xử, sinh hoạt đời thường. Đây là một nỗ lực lớn của nhà tổ chức, nhưng giá như các người đẹp của ta được đào tạo cơ bản ngay từ khi chưa đi thi thì chắc chắn hiệu quả sẽ lớn hơn.
Hy vọng khi quy chế thi hoa hậu và quy chế người mẫu ban hành, các đơn vị tổ chức thi và đưa người đẹp ra nước ngoài cần có những chiến lược đào tạo dài hơi hơn là những "cua" tập huấn vội vàng theo kiểu "ăn xổi ở thì" như hiện nay. Có như vậy mới tạo được những người đẹp thực sự.
|