Giá của Hoa hậu
Các Website khác - 01/12/2008
 
        

Danh hiệu Hoa hậu là một nấc thang lên “thiên đường” đối với các cô gái, vì vậy thay bằng giấc mơ trở thành công chúa họ sẽ mơ ước thực tế hơn: được trở thành Hoa hậu.

Chưa lúc nào sắc đẹp lại cao giá như hiện nay, cứ nhìn vào giá trị giải thưởng mỗi ngày mỗi được đội lên thì biết, nhất là khi các cuộc thi “cháy người đẹp” đến nỗi mà hễ cô gái nào sở hữu chiều cao trên 1,62m đều nhận được vô số lời mời dự thi hoa hậu cùng với rất nhiều hứa hẹn hấp dẫn. nhưng ngôi hậu hiện nay thật ra lại mất giá thảm hại, tỉ lệ nghịch với số lượng.

Hoa hậu nhiều đến mức bội thực, các cuộc thi liên tiếp được phát sóng khiến nhiều người tưởng hoa hậu là chương trình gameshow mới của nhà đài! Những cuộc thi hoa hậu mang tính chất chụp giật, như những cơn "bão" hoành hành tâm trí người xem.



Có nhiều hoa hậu đến nỗi khó có thể nhớ mặt, nhớ tên (Ảnh minh họa)

Trả lại tên cho em

Sau khi dẹp loạn danh xưng Hoa hậu, Người đẹp, Nữ hoàng, Hoa khôi,… bằng Quy chế tổ chức thi Hoa hậu với việc thống nhất dùng danh hiệu hoa hậu cho mọi cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, từ địa phương đến trung ương, Người đẹp Đền Hùng thành Hoa hậu Đền Hùng, Hoa khôi Thể thao thành Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Trang sức thay cho Nữ hoàng Trang sức, Hoa hậu Du lịch thay cho Nữ hoàng Du lịch… (Chỉ duy nhất cuộc thi “Hoa hậu bò sữa…“ là nằm ngoài đợt cưỡng ép đổi tên này).

Vậy là chỉ trong thoáng chốc, tất thảy các người đẹp đều được “nâng cấp” thành… hoa hậu. Từ hoa hậu cấp phường, đến các cuộc thi nữ sinh thanh lịch ở trường đại học, rất nhiều trong số họ không ai nhớ mặt, biết tên. Sau hai năm thực hiện Quy chế, loạn danh xưng đã được thay thế bằng loạn danh hiệu. Theo nhiều chuyên gia, việc ép đổi tên đã không tính đến nét đặc trưng của từng cuộc thi, khiến loạn vẫn hoàn loạn mà còn vô tình hạ giá danh hiệu Hoa hậu.

Chứng chỉ sắc đẹp

Danh hiệu Hoa hậu là một nấc thang lên “thiên đường” đối với các cô gái, vì vậy thay bằng giấc mơ trở thành công chúa họ sẽ mơ ước thực tế hơn: được trở thành Hoa hậu. Nhiều cuộc thi được mở ra với tần suất ngày càng dày đặc tạo cơ hội hiện thực hoá những ước vọng chính đáng đó. Dù chỉ sở hữu chiếc vương miện trong một thời gian ngắn, nhưng họ được mang danh hiệu đến suốt đời. Thật khó có tấm bằng chứng chỉ nào có hiệu lực thi hành so được với danh hiệu Hoa hậu.

Ảnh minh họa

Với Thùy Dung, danh hiệu Hoa hậu có lẽ đã trở thành một gánh nặng.

Nhưng xem ra chứng chỉ này ở Việt Nam khá rẻ, bằng chứng là có cô hoa hậu nhờ tấm bằng để lấy chồng danh giá, có cô đạt danh hiệu là nhanh chân ôm suất học bổng đi du học, cô khác thì dùng làm giấy thông hành để lao vào thương trường hay hoạt động nghệ thuật… Với đa số, ngoài 20% tiền thưởng trích vào quỹ từ thiện, nhiều hoa hậu không có đóng góp gì với xã hội. Có chăng chỉ là những tấm ảnh lịch được in đầy rẫy vào năm đăng quang…

Lợi anh, lợi ả...

Cùng với công nghệ lăng xê theo sự phát triển của truyền thông, tổ chức thi hoa hậu được coi là hoạt động hái ra tiền. Rất nhiều doanh nghiệp muốn được gắn thương hiệu của mình với hình ảnh người đẹp. Như cuộc thi Hoa hậu Tây Đô, Hoa hậu Trang sức… mà báo chí tốn nhiều giấy mực để luận bàn thời gian vừa qua. Sự cố xảy ra tại cuộc thi Hoa hậu Trang sức: Thí sinh đoạt giải Mặc áo dài đẹp nhất không có hồ sơ dự thi, thành viên ban tổ chức bị tố cáo "gạ tiền", trưởng ban tổ chức bị tố cáo "gạ tình", hoa hậu bị nợ giải thưởng. Á hậu của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc khó thuyết phục mọi người về nguồn gốc Chăm của mình… Và mới đây nhất là chuyện Hoa hậu chưa tốt nghiệp phổ thông…

Cũng theo Quy chế tổ chức thi hoa hậu, việc độc quyền bị xoá bỏ, thi hoa hậu giờ được xã hội hoá mạnh mẽ. Các cuộc thi sắc đẹp đã thành một hoạt động mang tính trình diễn với mục đích kinh doanh thu lãi của nhiều tổ chức khác nhau. Tần suất thi trở nên dầy đặc, chỉ trong tháng 8. 2008: Hoa hậu những miền đất võ, Hoa hậu Du lịch, Người đẹp hoa anh đào và Hoa hậu Việt Nam 2008. Với tần suất này, việc “cháy người đẹp” là điều dễ hiểu. Đã có tình trạng nhiều người đẹp ứng thí vài cuộc thi một năm, quyết chiếm ngôi đầu.

Thi hoa hậu cũng là máy ngốn tiền, Hoa hậu Việt Nam 2006 tiêu tốn trên 7 tỷ đồng, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 - 9 tỷ đồng, đòi hỏi nhà tổ chức phải có tiềm lực kinh tế rất lớn. Nhiều đơn vị quyết phất lên nhờ hoa hậu bằng cách “chạy” giấy phép tổ chức thi hoa hậu, rồi lại “chạy” tài trợ… đến nỗi mà khi vương miện đã tìm được chủ nhân, ban tổ chức vẫn chưa huy động được… tiền thưởng. Có cuộc thi, thí sinh “tố cáo” với báo chí, ban tổ chức hứa giải thưởng một đằng nhưng khi trao lại trừ rất nhiều tiền quà của nhà tài trợ nên giải thưởng của danh hiệu thực chất là quà khuyến mãi của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Hoa hậu Thùy Dung

Sau phút đăng quang, hoa hậu đi về đâu?

Với mục đích kinh doanh lấy lãi là chính như ông chủ doanh nghiệp kim hoàn, đơn vị tổ chức một cuộc thi hoa hậu nhiều điều tiếng đã công nhận, thì hậu hoa hậu luôn là những vụ scandal khiến công chúng không thể không đặt câu hỏi: liệu có đúng là có chuyện gạ tình lấy giải, gạ tiền lấy danh hiệu hay không?

Khi danh hiệu tỉ lệ nghịch với số lượng cuộc thi, lượng người đẹp đến với các cuộc thi ít hơn, đến độ có những cuộc thi gương mặt cũ chiếm tới một nửa, có cuộc thi phải huỷ bỏ vì số lượng người đăng ký quá èo uột. Do sự “khan hiếm” người đẹp nên nhiều BTC phải “cầu cứu” đến những công ty, CLB người mẫu. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã phải gửi công văn đến các công ty người mẫu như PL, Venus, LaLa, trường John Robert Powers... để thu hút thí sinh tham dự. Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam đang diễn ra, vì quá "hẻo" thí sinh, đã phải đến các trường ĐH, CĐ để huy động những thiếu nữ từ 1m62 trở lên tham dự. Cuộc thi Hoa hậu Tài năng Việt cũng bị huỷ bỏ vì không đủ người thi.

Quyết chí làm hoa hậu nên nhiều người đẹp không tiếc sức, không lo tốn công chạy theo các cuộc thi "tàn phá" sức khoẻ. Bên lề cuộc thi là những danh sách thí sinh bị té xỉu vì say nắng, té ngã do đứng đi quá lâu trên giày cao gót, vì suốt ngày, suốt tuần phải giữ nụ cười thường trực trên môi, phải lo hóp bụng trong trang phục bó sát… Thương cho người ngọc sa chân chốn đấu trường, dù là đấu trường nhan sắc.

Nhiều cô gái tham gia chỉ cốt lấy giấy chứng nhận đã tham gia cuộc thi hoa hậu X, Y, Z. Dù hoa hậu đã là danh hiệu bị mất giá trong mắt mọi người bình thường, nhưng các cô khó có thể sống cuộc sống bình thường được nữa.

Ông Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong, người khởi xướng cuộc thi nhan sắc phụ nữ Việt Nam 20 năm qua thấy rằng: “Tìm người đẹp trong nhân gian thật khó - Rất tiếc là chưa hề có một hoa hậu nào được như mong muốn của tôi. Có thể những người đẹp giành vương miện so với người đẹp dự thi có tổng điểm cao nhất và thực tế họ cũng được mặt này mặt kia, song để tìm được một người đẹp hoàn thiện trong nhân gian, một bậc “quốc sắc thiên hương” thật là khó”.

Trong khi ông trưởng ban giám khảo thừa nhận sự non tay của nghề tay trái ở ban tổ chức thì các người đẹp do máu mê chuyện ăn thua đã tự đánh mất cái nết của mình. Họ ra đòn bằng tay, khủng bố nhau bằng blog “bẩn”, tra tấn bạn cùng phòng bằng âm thanh và ánh đèn chói gắt, giấu lẹm đồ trang điểm, phá hủy những bộ trang phục biểu diễn…, đấy là những tiểu xảo thường gặp ở các cuộc thi hoa hậu lớn bé.

                                                                                                                                             Theo Việt báo