Mỹ Khanh - người khơi dậy những tấm lòng qua phim
Các Website khác - 17/02/2006

Trong những tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn, ngẫu nhiên người già và trẻ em luôn là tâm điểm. Chị không cố tình nhào nặn những nhân vật của mình bi lụy, đáng thương, nhưng số phận của họ luôn làm cho người xem phải chạnh lòng.

Lang thang tìm tứ làm phim giữa hàng nghìn việc xảy ra trong cuộc sống, Mỹ Khanh thích dừng lại ở những ngóc ngách ít ai nghĩ đến, nơi chứa toàn những chuyện không vui: trẻ em lang thang, thất học, người già cô đơn... Có người cảm nhận cách làm phim của chị vừa "nóng" giống một nhà báo, vừa nhạy cảm giống một nhà văn.

Từ năm đầu của khóa học đạo diễn điện ảnh, khi thực hiện bài thi học kỳ, Mỹ Khanh đã chọn ngay đề tài trẻ thơ để tiếp cận. Chị cùng nhà quay phim Nguyễn Nam rong ruổi trên đường phố Sài Gòn để ghi lại hình ảnh những đứa trẻ bị buộc phải đi ăn xin kiếm tiền nuôi người lớn. Nhờ chiếc máy quay giấu trong cốp xe mà những thước phim ghi lại được nhiều cảnh đời không thể thực hơn.

Đạo diễn Mỹ Khanh. Ảnh: Đ.N.T.

Không dựng thành một câu chuyện thương tâm, không gào thét đòi quyền lợi cho các em, chị quyết định làm 5 phút phim ngắn thật cô đọng, khắc họa những gương mặt ngây thơ, nhiều cảm xúc chìm vào tiếng gọi, những câu nói cụt ngủn của đám trẻ bụi đời. Bộ phim đã giúp nữ đạo diễn giành được giải Nhì tại Liên hoan phim ngắn toàn quốc 2003, ngay sau khi vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh.

Sang đến năm thứ 2, cũng dịp làm bài thi học kỳ, Mỹ Khanh lại có "mối duyên" với cô gánh đậu hũ thường đi ngang qua nhà. Day dứt với việc đưa tiền chứ không mua hàng khi "bị" mời quá nhiệt tình, chị đã tìm gặp "đối tượng" để xin lỗi. Cũng từ đây mà nữ đạo diễn được nghe thêm nhiều chuyện khác về nghề gánh hàng rong từ người bạn mới. Vậy là Gánh ra đời. Cảm xúc dày đến nỗi chị viết kịch bản của bộ phim 30 phút chỉ trong một đêm. Phim được dựng, có diễn viên đóng, nhưng hoàn toàn dựa trên nguyên mẫu mà nữ đạo diễn đã gặp.

Gia tài kinh nghiệm làm phim của Mỹ Khanh chỉ có những bài thi ở trường, nhưng niềm đam mê của chị với điện ảnh thì được đạo diễn Lê Bảo Trung gọi vui là "đồ sộ". Chị quyết định gác lại luôn công việc kinh doanh, dấn thân vào nghiệp phim.

Mở đầu, Mỹ Khanh bôn ba làm phó đạo diễn cho Lê Bảo Trung trong Một chuyến phiêu lưu với tất cả tâm ý, cùng người bạn thân dựng nên một bộ phim thiếu nhi thật hấp dẫn, màu sắc. Chỉ sau một lần theo đoàn, sự hóm hỉnh, xốc vác và tinh thần yêu nghề của Mỹ Khanh đã giúp chị được nhận phim truyện đầu tay từ TFS. Với Xóm cào cào, như một mối duyên, nữ đạo diễn lại có cơ hội "quay về ngày xưa" với trẻ thơ.

Một cảnh trong Xóm cào cào. (Ảnh do TFS cung cấp).

Lần này, Mỹ Khanh vẫn giữ một gu, đồng cảm, sẻ chia chứ không thương cảm. Thế giới trẻ thơ đang đi học thiếu thốn trăm bề trong bộ phim chẳng những không gợn chút nỗi buồn mà còn đẹp và nên thơ đến lạ thường. Tâm tư tình cảm của những nhân vật nhí cứ tuôn chảy mà không cần một sự gắng gượng nào.

Điều này có được rất tự nhiên và đơn giản, Mỹ Khanh đã trở thành thành viên của băng nhóm U12 trên phim trước khi bộ phim bấm máy hơn một tháng. Từng khung hình, ý tưởng trong phim có thể nói là sự vắt cạn ý tưởng của chị. Cũng từ Xóm cào cào mà Mỹ Khanh mở một lối đi mới rất lặng lẽ, tiết tấu của phim nhanh đến chóng mặt, không rề rà, màu mè, cảm xúc thì cô đặc và được bật ra thật nhẹ nhàng sau khi phim kết thúc.

Sản phẩm phim truyện đầu tay của Mỹ Khanh được bạn bè đồng nghiệp và khán giả liên tục chúc mừng vì tiếng vang, phim thiếu nhi nhưng hiệu ứng với cả người lớn. Nhiều người cho rằng đây là bức tranh thực sự sinh động về mặt trái của thực trạng giáo dục ở những làng quê nghèo, một tiếng nói thống thiết và cũng rất chân thành.

Về nhà sau hơn một tháng trời sống với đoàn phim, Mỹ Khanh day dứt vì đã bỏ bê nghĩa vụ làm vợ làm mẹ. "Nhìn cảnh bà nội bà ngoại thay nhau chăm sóc cho cháu đầy đủ không thua ở với mẹ chút nào, cảm động vô cùng", Mỹ Khanh tâm sự. Vậy là, món quà mà chị quyết định tặng cho mẹ ruột và mẹ chồng được thai nghén - kịch bản về những người già.

Có lẽ hơn ai hết, Mỹ Khanh cảm nhận được nỗi cô đơn của mẹ trong căn nhà thiếu ba. "Tình thương của mình dù có nhiều đến mấy thì cũng không thể nào bù đắp lại tình cảm của người chồng", chị nói. Nhìn rộng hơn, Mỹ Khanh thấy đâu đó trong xã hội khái niệm an hưởng tuổi già còn lạnh lùng, khép kín. "Tại sao người già thì không có quyền có một cuộc sống màu sắc tươi vui. Tại sao chỉ là những chiếc áo màu nâu, màu lam...", Mỹ Khanh tự hỏi. Chị quyết định xây dựng một mô tuýp phim hài với mong mỏi thay đổi quan niệm cũ kỹ của xã hội hiện nay về cách nhìn đời sống của những người già.

Phim của chị đã diễn ra đúng như vậy. U6 & U7 không buồn, không có dấu hiệu của sự xế chiều mà là chuỗi mùa xuân. Những khán giả từng mến Mỹ Khanh trong vai trò diễn viên kịch có thể tìm thấy cái chất tưng tửng của chị trong cách thể hiện bộ phim. Thế giới người già là sự năng động của công việc, của tình yêu không thua kém gì giới trẻ. Trong đó có cả điều mà hiếm người quan tâm xưa nay: thời trang dành riêng cho người lớn tuổi.

Một bức tranh mới về thế giới những người già. (TFS)

Người nữ đạo diễn này có thói quen tích góp những mẩu chuyện trái khoáy, lạ lùng trong một quyển sổ tay để làm tư liệu cho nghề. Những ai đã xem serie tiểu phẩm hài mang tên Cây chổi chà của HTV trong chương trình Tạp chí Văn nghệ mới thấy được Mỹ Khanh "quét" đẹp thế nào. Những câu chuyện không mới nhưng cách nhìn của chị thì "không đụng hàng", hài hước và nóng bỏng. Không cay cú, không lên án, thậm chí chị còn sử dụng cách diễn đạt thậm xưng. Chuyện đào đường, chuyện ngập nước... cứ tưng tửng lên phim, nhẹ nhàng mà đau.

Nhiều người nhìn sự chỉn chu của Mỹ Khanh trong phong cách giao tiếp đời thường cứ nghĩ chị là một người phụ nữ của xã hội. Nhưng không, Mỹ Khanh ước là một người phụ nữ của gia đình và bản thân chị cũng đã chứng minh được điều này bằng hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà của mình. Mỗi lần chuẩn bị cho phim, chị thường phải đánh vật với hàng trăm chuyện trong cuộc sống: thu xếp chuyện kịch bản đến diễn viên, rồi quay sang chuẩn bị cho chồng con tủ lạnh đầy đồ ăn trong thời gian chị lên đường cùng đoàn làm phim.

Sau những vất vả trong công việc, chị tự tạo niềm vui bằng cách thưởng cho mình những ngày thật đầm ấm bên gia đình. Mỹ Khanh cho hay đó chính là động lực để chị tiếp tục bước vào công việc mới hiệu quả hơn. Ở tuổi 30, chị nhìn chặng đường điện ảnh còn mênh mông trước mặt mình với cả niềm hứng thú. Nghe Mỹ Khanh kêu mệt, than căng thẳng chứ chưa bao giờ nghe chị than chán nghề. Dường như càng làm, những tác phẩm điện ảnh càng thôi thúc chị vì "cuộc sống luôn cuồn cuộn chảy, không lẽ mình dừng lại", nữ đạo diễn quan niệm một cách đơn giản.

Đỗ Duy