Nhạc cổ điển và sinh viên: rất dễ gần!
Các Website khác - 11/03/2006

Kasper Thaarup "ảo thuật" với tiếng kèn - Ảnh: TR.N.
TT - Khác hẳn không khí trang nghiêm của một buổi hòa nhạc cổ điển bình thường, những tràng vỗ tay và cả nụ cười rộ lên suốt chương trình giao lưu và biểu diễn nhạc cổ điển do nhạc trưởng người Đan Mạch Frans Rasmussen chỉ huy tại ĐH Bách khoa TP.HCM chiều qua 10-3.

Hơn 800 SV đã đến hội trường ĐH Bách khoa để nghe nhạc cổ điển. Công đầu phải kể chính là sức hút của "ngôi sao" Frans Rasmussen. Người nhạc trưởng kết bạn với giới SV bằng nụ cười hiền hậu và tài dẫn chuyện duyên dáng, hóm hỉnh. "Tôi rất vui được gặp đông đảo các bạn trẻ trong một khán phòng đẹp như thế này".

Ông vào đề và từ đó lôi cuốn SV bằng hàng loạt câu chuyện thú vị về nhạc cổ điển, các nhạc sĩ trứ danh trên thế giới, những âm điệu quí phái như valse hay có thể chinh phục mọi tầng lớp công chúng như tango. Trước mỗi khi bắt nhịp cho dàn nhạc biểu diễn tác phẩm mới, Rasmussen không quên dặn dò: "Mời các bạn hãy cùng tưởng tượng mình sẽ khiêu vũ với bản nhạc này", hay: "Mời các bạn hãy nhắm mắt và đắm mình vào một giấc mơ cùng với dàn nhạc"...

Gần hai tiếng đồng hồ, giới SV không lặng lẽ nghe Frans Rasmussen nói hay ngồi im thưởng thức ông cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng minh họa nhiều tác phẩm hay sau mỗi lời ông nói. Các bạn SV đã vỗ tay liên tục mỗi khi nghe xong một tổ khúc hay một trích đoạn giao hưởng.

SV hào hứng với nhạc cổ điển
Họ cười không ngớt như bày tỏ sự thán phục nghệ sĩ kèn trombone Kasper Thaarup đã biến đổi những thanh âm khác nhau từ cây kèn như một "thầy phù thủy". Thú vị nhất là Frans Rasmussen còn giúp Kasper Thaarup thổi kèn với... một đoạn ống nước và chiếc ấm nhôm để tạo ra những âm điệu độc đáo. Thì ra, nhạc cổ điển cũng song hành với sự hài hước được quá đi chứ!

Tác phẩm chính của buổi giao lưu chính là Young person's guide to the orchestra của B.Britten, một bản nhạc giúp Frans Rasmussen và dàn nhạc giao hưởng lần lượt trình tấu những nhạc cụ của dàn nhạc (bộ đàn dây, kèn gỗ, kèn đồng và bộ gõ). Có thể hiểu ngay dụng ý của Rasmussen qua tác phẩm này: ông muốn các bạn SV dễ dàng làm quen với sự khác nhau và sự hữu ích của từng loại nhạc cụ trong dàn nhạc, cũng như khả năng kết hợp của chúng trong một tác phẩm.

Bạn Nguyễn Nhật Tân, SV khoa cơ khí, cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được xem một buổi hòa nhạc cổ điển trực tiếp. Tôi rất bất ngờ vì nhạc cổ điển lại có thể dễ nghe, dễ cảm nhận và quá thú vị khi thưởng thức như vậy".

Chị Trần Nguyệt Sa (phòng tổ chức biểu diễn Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP) cho biết sau chương trình nhạc cổ điển tại Trường ĐH Bách khoa, nhà hát sẽ tiếp tục mang chương trình đến với SV các trường ĐH Kinh tế, Y dược, Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM... Và như vậy, nhạc cổ điển đang đứng trước nhiều dịp để đến với giới SV TP. Thật dễ gần!

TRUNG NGHĨA