Mặc dù phim Tết chưa ra quân nhưng khán giả đã bắt đầu chộn rộn tìm mua vé. Phim Việt Tết năm nay hứa hẹn thắng đậm. Các phim đều có những "món lạ" để lôi kéo người xem. Chuyện tình Sài Gòn được dư luận chú ý bằng... Yến Vy (quay trước thời điểm cô bị tai tiếng phim sex); 2 trong 1 gây tò mò màn "giả gái" của nghệ sĩ thành Lộc; Đẻ mướn, Hồn Trương Ba da hàng thịt hấp dẫn bởi dàn diễn viên "sao" người mẫu, ca sĩ... Mỗi phim mỗi kiểu "bày món" khác nhau nhưng hầu hết phim chiếu Tết đều có "pha" tươi mát, gợi cảm. Tính nghệ thuật của những cảnh phim này vẫn còn nhiều cự ly đánh giá khác nhau. Thế nhưng việc xuất hiện các cảnh tươi mát với mức độ ngày càng "tăng đô" đang khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng xấu đến một bộ phận khán giả trẻ chưa thành niên. Hở, tắm và... trên giường Trong Đẻ mướn, ngoài cảnh thân mật của Hà Kiều Anh với Chi Bảo từ khi yêu nhau cho đến lúc thành vợ chồng còn cực "nóng" bởi màn "thực hiện hợp đồng" của Chi Bảo và Kim Thư. Khán giả đã từng quen mắt với Chi Bảo "nho nhã" trong phim truyền hình chắc chắn sẽ "sốc". Hồn Trương Ba da hàng thịt tạo xung đột bằng những cảnh mát mẻ của diễn viên Việt kiều Minh Trí trong một vai đồng tính và màn sinh hoạt của vợ chồng anh hàng thịt (Anh Thư, Phước Sang đóng). Chuyện tình Sài Gòn thì quay cận cảnh các"vùng cấm" trên người cô ca sĩ Tâm trong trang phục "nóng" đến mức có tờ báo đã gọi là... đồ lót. "Nguội" hơn những phim trên, 2 trong 1 chỉ có... hai cảnh tắm của Ngô Thanh Vân, vài đoạn hôn nhau mùi mẫn của nhân vật chính và vài lần... vô tình khoe "hàng dỏm" của nghệ sĩ Thành Lộc. "Nóng" để thể hiện nội dung? Thật ra đưa sinh hoạt mát mẻ lên phim chẳng phải là chuyện mới. Trong phim Tết các năm trước khán giả cũng đã được rửa mắt với Gái nhảy, Khi đàn ông có bầu... hay như gần đây nhất là bộ phim "Sống trong sợ hãi". Trả lời báo chí tại buổi chiếu ra mắt phim Tết, các đạo diễn đều cho rằng những cảnh phim ở trên là nghệ thuật, không phải dung tục để câu khách. Đạo diễn Lê Bảo Trung (đạo diễn kiêm tác giả phim Đẻ mướn) đã giải thích chuyện phim nói về nỗi đau vô sinh của một đôi vợ chồng. Phim có những cảnh thân mật để làm rõ chủ đề là hoàn toàn hợp lý, miễn cảnh phim đó "sạch", không xấu xí, không bê nguyên xi thực tế. "Chính những cảnh phim này sẽ giúp khán giả cảm nhận được tính chân thật trong nghệ thuật" - đạo diễn Bảo Trung khẳng định. Một thành viên của phim 2 trong 1 cho rằng báo chí đã phê bình cảnh tắm trong phim này là hơi "khó tính", "Phim càng chân thực thì càng gần với cuộc sống, nếu quá khắt khe sẽ biến các tác phẩm điện ảnh thành những vở tuồng. Điều quan trọng là phải xem những cảnh ấy có gượng ép, chắp vá, có để lồ lộ những nơi cần che kín của diễn viên không. Nên có cái nhìn thoáng...". Nghệ thuật hay câu khách? Chi tiết người vợ chứng kiến cảnh chồng ăn nằm với một phụ nữ khác do chính mình đưa về để tìm kiếm một đứa con là cần thiết giúp khán giả thấy xung đột tâm lý nhân vật. Nhưng có nhất thiết phải "đặc tả" người ta làm gì để sinh được em bé? Theo bà Ngô Ngọc Ngũ Long, thành viên của nhiều hội đồng tư vấn nghệ thuật phim (Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM), lý giải của các đạo diễn chưa thuyết phục: "Những cảnh nóng bỏng trong phim thực chất là nhằm mục đích câu khách. Làm sao có thể chấp nhận kiểu tư duy cứ phim về vợ chồng thì phải có cảnh ân ái. Đúng là chuyện đó tất yếu của đời sống vợ chồng nhưng không phải tất yếu để khán giả hiểu được hai nhân vật nào đó là vợ chồng". Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn thì cho rằng trình độ làm phim trong nước chưa thể tạo ra được những cảnh đẹp, không gợn chút dục tính như một số tác phẩm điện ảnh thế giới. Nếu không nhằm mục đích câu khách thì những cảnh ân ái cũng khơi gợi suy nghĩ dung tục ở người xem. Tuy nhiên, ông Tuấn nhìn nhận rất khó đưa ra tiêu chí phân biệt giữa "nóng" nghệ thuật và "nóng" đồi trụy vì phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Chỉ có thể trông chờ vào sự công tâm của các hội đồng duyệt phim, "Với trình độ của các thành viên trong hội đồng, họ thừa khả năng để nhận ra cảnh ân ái nào là nghệ thuật (dù chưa đạt) và cảnh nào được đưa vào phim để câu khách. Quan trọng là có muốn cắt hay không!". Chiều 13/1, chúng tôi cũng đã thử gõ cửa một cán bộ quản lý của Cục Điện ảnh. Vị này đã từ chối trả lời vì "nhạy cảm quá, biết nói sao". Phân loại phim theo tuổi Khi Đẻ mướn khởi quay, nhiều tờ báo đã từng đăng ý kiến đạo diễn Bảo Trung phát biểu rằng phim này sẽ cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, chiều ngày 12/1, đạo diễn này phủ nhận đã nói như vậy: "Tôi chỉ nói với một người bạn là không nên dẫn con đi xem phim này mà hãy đợi đến sang năm tôi làm phim thiếu nhi rối đưa đi xem. Không ngờ báo lại đăng lên thành như vậy!...". Theo nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, treo bảng "Cấm trẻ dưới 18 tuổi" chỉ thêm một "chiêu" câu khách, làm khán giả tò mò đi xem nhiều hơn. Chẳng hãng phim nào "khờ" đến mức đi hạn chế khán giả vào xem. "Ở các nước khác, họ vẫn cho phép chiếu công khai những bộ phim có cảnh ân ái nóng bỏng nhưng họ có quy định rất cụ thể về các rạp chỉ dành riêng để chiếu những loại phim này với những tiêu chí giám sát độ tuổi khán giả rất nghiêm ngặt. Ở ta cũng có thể quy định như vậy", ông Tuấn đề xuất. Bà Ngọc Long cũng cho rằng quy định giới hạn độ tuổi khán giả với một số bộ phim là cần thiết, phù hợp với quan điểm điện ảnh thế giới. Để tránh mang tính hình thức và bị các rạp lạm dụng gây tò mò cho khán giả, bà Long đề nghị phải chuẩn hóa những điều này thành luật và quy định chế tài xử phạt vi phạm thật nặng. "Chúng ta không bảo thủ đến mức cấm cảnh nóng bỏng trên phim nhưng cũng không thể chấp nhận sự lạm dụng để câu khách gây ra phản giáo dục. Càng không thể để một bộ phận khán giả chưa thành niên bị ảnh hưởng xấu. Phim ảnh dù có vì mục đích gì thì cũng phải hướng người xem đến những suy nghĩ lành mạnh, hướng thiện..." - bà Long nói |
▪ Go Hyun Jung - Cô diễn viên có nụ cười đẹp nhất trong “lịch sử” (23/01/2006)
▪ Nỗi lòng ông Táo (21/01/2006)
▪ Triệu đôla của Hữu Nghĩa (21/01/2006)
▪ Thúy Nga tiếp tục đi tìm bạn đời (19/01/2006)
▪ Khai mạc Tết Việt 2006 (20/01/2006)
▪ Nhộn nhịp trao giải trò chơi “Đi chợ tết” (19/01/2006)
▪ Hồ Ngọc Hà: 'Đấu tranh bằng đầu chứ không bằng miệng' (19/01/2006)
▪ "Tết Việt 2006": Một nét dân gian giữa lòng Hà Nội (18/01/2006)
▪ Brokeback Mountain thống trị giải Quả Cầu Vàng (17/01/2006)
▪ Các hoa hậu đón Tết (17/01/2006)