Sách điện ảnh: Bổ sung cái thiếu của điện ảnh Việt Nam
Các Website khác - 09/08/2008

 

 
Charlie Chaplin trong The Kid.

“Sau này, khi có điều kiện được tiếp xúc, thực hiện nhiều bộ phim, tôi thấy một điều đặc biệt mà phải nói thẳng ra đây dù có thể mất lòng, đó là những người làm đạo diễn VN gần như quá yếu về hình ảnh…”

Đó là một phần tâm sự của nhà quay phim Đinh Anh Dũng trong cuốn 10 bí quyết hình ảnh vừa ra mắt bạn đọc.

10 nhà quay phim tên tuổi của điện ảnh Việt Nam như Đường Tuấn Ba, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Hữu Tuấn, Phạm Việt Thanh, Phi Tiến Sơn, Lý Thái Dũng… đã tâm sự gan ruột về nghề trong cuốn này.

Đến hẹn lại lên, Cty Fahasa và NXB Văn hóa Sài Gòn vừa giới thiệu ba ấn phẩm Đóng phim là thế nào? (tác giả Lê Dân), 10 bí quyết hình ảnh (Lê Minh thực hiện) và Nghệ thuật đạo diễn (tác giả David Mamet) trong lần ra mắt Tủ sách điện ảnh lần 3. Khởi xướng từ năm 2006, đến nay dự án này đã xuất bản được 6 đầu sách:

Dạo chơi vườn điện ảnh, Lời hay trong phim, Ý tưởng nghề nghiệp, Từ vựng điện ảnh Anh- Pháp- Việt, Làm sao viết kịch bản phim, 20 bài học điện ảnh. Và có 2 cuốn sách đã nhận được giải thưởng: Lời hay trong phim nhận giải Bạc sách đẹp của Hội xuất bản Việt Nam, 20 bài học điện ảnh được trao Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Trong cuốn Đóng phim là thế nào?, tác giả Lê Dân tỉ mỉ từ Kỷ luật phim trường (đúng giờ, giữ yên tĩnh phim trường…) tới Quan hệ với đạo diễn, bạn đồng diễn… Đạo diễn Lê Dân khẳng định mọi người đều có thể là diễn viên nhưng thực tế không dễ gì thực hiện, ví như  vai trẻ em “Các nhà làm phim phải giúp các em coi việc đóng phim giống như một trò chơi, không thể gò ép, tập luyện như diễn viên người lớn, diễn viên chuyên nghiệp…

Người đầu tiên đưa trẻ em lên phim rất thành công là đạo diễn Charlie Chaplin với phim The Kid năm 1921. Vai chính trong phim bên cạnh Charlot là đứa bé do Jackie Coogan đóng lúc mới 5 tuổi”.

Cuốn Ý tưởng nghề nghiệp cho độc giả gặp nhiều chân dung và cùng chiêm nghiệm với các nhân vật nổi tiếng như Catherine Deneuve: “Người diễn viên không sợ hết tuổi trẻ, chỉ sợ hết cảm xúc.

Để hiểu thấu và làm nên được một điều thú vị, cần phải đủ thời gian nhìn ngắm nó”; Leonardo DiCaprio: “Tôi chưa bao giờ muốn trở thành ngôi sao. Tôi chỉ muốn trở thành diễn viên”.

Với khán giả, điện ảnh còn là sự chia sẻ những điều đọng lại. Ở trường hợp này, muốn có một bộ sưu tập những phim với thông điệp “biết yêu thương” có thể tìm đọc cuốn Tình yêu ở quanh ta của nhà báo Trung Nghĩa vừa được Sahara phát hành.

Mỗi trang sách là một hồ sơ về những bộ phim mà tác giả yêu thích và có lẽ nhiều độc giả cũng cảm mến, từ phim điện ảnh tới phim truyền hình Đứa trẻ triệu đô, Alfie, Troy, Ngôi nhà hạnh phúc, Vua Arthur, Anh hùng, Vô gian đạo…

Sách điện ảnh là một trong những cái thiếu rõ rệt nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Tủ sách điện ảnh nhận được nhiều  hỗ trợ của các đơn vị văn hóa, đặc biệt Phòng văn hóa lãnh sự Mỹ và Cty Galaxy hứa sẽ tài trợ xuất bản một số sách dịch có bản quyền từ Mỹ. Bên cạnh đạo diễn Việt Linh, kể từ lần xuất bản này Ban chủ biên được bổ sung thêm đạo diễn Vinh Sơn, nhà báo Lê Hồng Lâm và đạo diễn trẻ Lê Minh.

Theo TPO