Tự truyện của người đồng tính
Các Website khác - 06/08/2008

 

Lê Khánh Duy (ảnh do nhân vật cung cấp)

Bóng là tên cuốn tự truyện của người đồng tính do nhóm tác giả Domino thực hiện (Công ty Domino liên kết với Nhà xuất bản Văn học phát hành). Thanh Niên đã trao đổi với anh Lê Khánh Duy, Giám đốc Công ty Domino.

*  Thị trường sách đã có một số tác phẩm viết về đề tài đồng tính, điển hình nhất là Một thế giới không có đàn bà. Vậy Bóng có gì khác biệt?

Bóng là tự truyện chứ không phải là tác phẩm hư cấu. Chúng tôi quan niệm phải là sự thật mới hấp dẫn và chỉ sự thật thôi đã hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên một người đồng tính đứng lên nói thật tất cả khía cạnh xung quanh cuộc sống và thế giới nội tâm của mình.

* Cha đẻ của Bóng không phải là một tác giả mà là một nhóm tác giả Domino. Tại sao lại là nhóm và quá trình chuẩn bị, hoàn tất, ra đời cuốn này như thế nào?

Tôi muốn thí điểm một mô hình khác biệt hơn trong xuất bản. Từ trước tới nay, với sách trong nước, thường là tác giả tự giới thiệu bản thảo với đơn vị xuất bản hoặc đơn vị xuất bản đặt vấn đề xin bản thảo đã có của tác giả. Với sách nước ngoài, thường là đơn vị xuất bản nắm trong tay tác phẩm trước, rồi mới xin tác quyền để dịch và phát hành. Nhưng với Bóng, chúng tôi đi theo một quy trình khác. Khởi đầu của Bóng bắt nguồn từ một ý tưởng của đơn vị xuất bản. Sau đó, biên tập viên của công ty tự tổ chức tìm nhân vật, thuyết phục nhân vật kể chuyện, ghi âm, rồi cùng phối hợp viết và biên tập. Nên có thể nói rằng, cuốn sách ra đời hoàn toàn từ con số không.

* Anh nói rằng cuốn sách xuất phát từ một ý tưởng. Vậy phải chăng công ty anh chọn đề tài đồng tính nhằm mục đích giật gân, câu khách như không ít cuốn sách "lá cải" khác trên thị trường?

Chúng tôi là một công ty, tất nhiên, chúng tôi cần lợi nhuận. Chọn một đề tài "ăn khách" để tạo ra lợi nhuận không có gì là xấu. Nhưng "ăn khách" không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với văn hóa thấp, với lá cải. Bóng khác gì so với những cuốn sách khai thác các đề tài giật gân ngoài kia, điều đó  người đọc sẽ thẩm định. Tôi chỉ có thể nói thế này, một  số bạn hữu đã đọc bản thảo Bóng khi nó còn ở dạng thô, và đều cảm động. Tôi tin rằng hấp dẫn, câu khách không tỷ lệ nghịch với giá trị nhân văn của tác phẩm.

*  Một tự truyện của người đồng tính liệu sẽ có giá trị như thế nào?

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Joseph Stiglitz, có nói, đại ý rằng: "Một cuốn sách hay là một cuốn sách giúp ta nhìn nhận thế giới này theo một nhãn quan mới. Giá trị của một cuốn sách nằm ở chỗ nó giúp bạn nhận ra một cái gì đó mới so với suy nghĩ vốn đã sáo mòn trong đầu bạn". Nếu quy chiếu theo ý đó, tôi thấy Bóng có giá trị. Cuốn tự truyện giúp ta nhìn nhận về người đồng tính, về hiện tượng đồng tính luyến ái, về giới tính nói chung dưới những góc nhìn rất khác so với trước khi đọc sách. Chính chúng tôi cũng đã "ngộ" ra rất nhiều điều sau quá trình tìm gặp nhân vật, nghe nhân vật kể chuyện và viết lại câu chuyện ấy. Tôi tin là độc giả cũng vậy.

* Tự truyện muốn gây sự chú ý thường phải của các nhân vật nổi tiếng. Nhân vật của anh không nổi tiếng, thậm chí là vô danh. Liệu nó có tạo được sức hút như mong đợi trên thị trường?

Chúng tôi chỉ có thể làm hết sức mình còn thị trường có chấp nhận hay không lại là một câu chuyện khác. Nhưng chúng tôi tin là cuốn sách sẽ gây ảnh hưởng tốt. Yếu tố kết dính cuốn sách với người đọc không nằm ở chỗ nhân vật có nổi tiếng hay không mà nằm ở nội dung, cách viết cũng như thông điệp mạnh mẽ của nó.

* Câu hỏi cuối cùng, tại sao tên tự truyện lại là Bóng?

Có những người đàn ông luôn muốn trở thành người phụ nữ thực sự nhưng họ mãi mãi không được toại nguyện. Cố gắng lắm, họ cũng chỉ có thể là "cái bóng" của một người phụ nữ mà thôi. Cũng có những người phụ nữ muốn trở thành đàn ông nhưng rồi họ cũng chỉ là một "cái bóng". Đó là sự trớ trêu của số phận. Chúng tôi đặt tên cuốn sách là bởi thế.

Hạ Vũ (thực hiện)