6 tháng đầu năm, gần 500 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại
Báo Tiếng chuông - 12/07/2016
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, đã có 485 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng.

Trong đó: 224 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 153 lượt người được tư vấn trợ giúp pháp lý, 37 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, 71 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh 456 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ kinh phí trong và ngoài nước.

 

Phụ nữ mại dâm được tư vấn học nghề tại trung tâm Reach. Ảnh Nhật Thy

 

Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP của các địa phương đã kiểm tra 8.577 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 3.068 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 616 cơ sở, phạt tiền 1.899 cơ sở với số tiền hơn 18 tỷ 823 triệu đồng. Lực lượng chức năng ở địa phương đã đấu tranh, truy quét 732 lượt tại các địa điểm công cộng, triệt phá các điểm nóng về mại dâm, phát hiện, bắt giữ 377 vụ với 1.432 đối tượng liên quan đến mại dâm.

Về công tác cai nghiện ma túy, đến nay, cả nước có 142 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 79 cơ sở cai nghiện đa chức năng, 39 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện, 02 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội và 22 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập. Tính đến hết tháng 6/2016, các cơ sở cai nghiện ma túy trong cả nước đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 24.123 người, trong đó, cai nghiện bắt buộc 12.258 người, cai nghiện tự nguyện 3.301 người, quản lý sau cai tại cơ sở là 3.334 người và cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tư nhân là 5.230 người. Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 5.513 người, quản lý sau cai tại cộng đồng là 19.884 người.

Về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, đến nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định số 2596/QĐ- TTg, tăng 16 tỉnh, thành phố so với năm 2015, trong đó, 11 tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội sang cơ sở cai nghiện tự nguyện. Có 23 tỉnh, thành phố thành lập được 35 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng và tổ chức tư vấn, điều trị cho 1.635 lượt người.

6 tháng cuối năm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình hình tệ nạn mại dâm theo các chuyên đề, lĩnh vực làm cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm trong thời gian tới; thực hiện thí điểm 3 mô hình thử nghiệm theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội; đào tạo, nâng cao năng lực cho cơ quan chuyên trách về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Về công tác phòng, chống ma túy, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện và thông tư hướng dẫn thi hành; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện trong tình hình mới. Chỉ đạo địa phương tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 98/NQ- CP. Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/2005/NQLT- BLĐTBXH- BCA-BVHTTDL-UBTWMTTQVN về quy định và hướng dẫn phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.