![]() |
Dạy nghề cho học viên cai nghiện. Ảnh minh hoạ |
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và bố trí các nguồn lực từ ngân sách tỉnh (khoảng 0,3% trong tổng chi thường xuyên, tương đương 15-20 tỷ đồng/năm) để nâng cao chất lượng công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có quản lý, cai nghiện ma tuý.
Ông Nguyễn Văn Đang, Phó Giám đốc Trung tâm GDLĐXH tỉnh Quảng Ninh (Sở LĐTB&XH) cho biết: Tính đến tháng 3/2017, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận và cắt cơn an toàn cho 996 người nghiện ma tuý vào cai nghiện, bàn giao gần 1.300 đối tượng hoàn thành chương trình về quản lý sau cai tại nơi cư trú theo quy định.
Hiện số đối tượng đang được quản lý tại Trung tâm là gần 600 người, trong đó cai nghiện bắt buộc 112 người, còn lại là cai nghiện tự nguyện. Trung tâm đã chủ động phối hợp với Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần Quảng Ninh đưa ra phác đồ điều trị loạn thần riêng cho các đối tượng nghiện ma tuý tổng hợp trên cơ sở phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bước đầu cho kết quả tốt. Trung tâm cũng quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp cho các đối tượng; tổ chức thăm gặp định kỳ giữa thân nhân với đối tượng, giữa gia đình người nghiện đang điều trị tại Trung tâm với Trung tâm..., nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
Song song với việc cai nghiện ma tuý tập trung, công tác quản lý, cai nghiện tại cộng đồng đã và đang được các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chú trọng triển khai. Giai đoạn 2014-2016, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cai nghiện cho gần 1.000 người tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời, duy trì mô hình CLB hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng; các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý.
Điển hình như mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý và tái hoà nhập cộng đồng” tại phường Cẩm Sơn (TP. Cẩm Phả). Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn, cho biết: Từ tháng 9/2014, phường được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH) và Phòng LĐTB&XH thành phố lựa chọn làm điểm mô hình tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý và tái hoà nhập cộng đồng. Đến nay, Ban chủ nhiệm mô hình đã hỗ trợ, tư vấn cho hàng trăm lượt người về dự phòng tái nghiện, kiến thức HIV, chăm sóc và điều trị ARV; chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho 23 người bằng thuốc Methadone, hỗ trợ tạo việc làm cho 6 trường hợp... Phường cũng vận động được 12 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm GDLĐXH tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo bà Vân, trong quá trình triển khai mô hình nói riêng và việc quản lý, cai nghiện tại cộng đồng nói chung gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều người nghiện và gia đình người nghiện mặc cảm, tự ti, không tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện. Điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự cho công tác quản lý, cai nghiện tại cộng đồng chưa đảm bảo, đặc biệt là giường bệnh, thuốc trị bệnh, không có lực lượng chuyên trách đủ trình độ chuyên môn, kiến thức cơ bản về cắt cơn, cai nghiện. Trong khi đó, việc cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma tuý tại trạm y tế cấp xã hiện vượt quá khả năng và rủi ro cao, vì khi con nghiện lên cơn sẽ có hành vi quá khích, có khả năng gây nguy hiểm đến những người xung quanh. Việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo quy định hiện hành còn nhiều khó khăn, nên đối tượng cai nghiện bắt buộc thấp. Quy trình, thủ tục, việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định hiện hành của Nhà nước phải trải qua nhiều khâu, thời gian kéo dài (khoảng 2 tháng).
Với quan điểm người nghiện ma tuý là bệnh nhân cần được điều trị, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện Sở LĐTB&XH phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng dự thảo để sớm trình UBND tỉnh ban hành quy chế riêng về công tác cai nghiện bắt buộc theo hướng đơn giản hoá thủ tục. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để người dân biết đến chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ người nghiện đi cai nghiện tự nguyện. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả hơn để giải quyết căn cơ hơn vấn đề cai nghiện, hỗ trợ sau cai cho các đối tượng.
▪ Đà Nẵng: Gần 63% người đang được quản lý sau cai có việc làm (04/04/2017)
▪ Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án tù (25/02/2017)
▪ Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5 nghìn người bán dâm (20/02/2017)
▪ Hơn 200 trường hợp đã được vay vốn theo Quyết định 29 (24/01/2017)
▪ Bố trí vốn cho người nhiễm HIV, người sau cai nghiện vay ưu đãi (23/01/2017)
▪ 'Nữ sinh đi kiến tập đừng để bị lạm dụng tình dục' (27/12/2016)
▪ Hỗ trợ vay vốn cho người nhiễm HIV/AIDS (06/12/2016)
▪ Người tuyển thanh niên cai nghiện, tiền án, tiền sự... làm việc (16/11/2016)
▪ Làm 3 tháng có được hưởng trợ cấp thôi việc? (15/11/2016)
▪ Bỏ ma túy - nhận việc làm (26/09/2016)