Cơ sở dạy nghề "bắt tay" với DN ngay từ lúc CN nhập trường
Các Website khác - 08/10/2008

 

 
Công nhân gò hàn thực tập tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Hanoinet - Con em nông dân thì cứ nhắm mắt lao vào học nghề với hy vọng thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, song việc học theo kiểu "hú họa" như thế, nhiều người dù đã có bằng học nghề nhưng vẫn không thoát khỏi ruộng vườn.

 

Nếu như những năm trước đây, sau khi tuyển công nhân (CN) xong, việc tiếp theo của doanh nghiệp (DN) tại các KCN ở Quảng Ngãi là đưa họ vào TPHCM - nơi có "Cty mẹ" - để đào tạo lại.

Việc làm bất đắc dĩ này vừa tốn kém, lại không hiệu quả vì khi CN đã "có nghề" rồi, họ sẵn sàng "rẽ ngang" để tìm cơ hội mới. Bây giờ thì khác, các cơ sở dạy nghề đã "bắt tay" với DN ngay từ lúc CN nhập trường.

 

Một thời "cốc mò cò xơi"

 

Một tỉnh bé như Quảng Ngãi, nhưng từ rất lâu rồi, các cơ sở dạy nghề vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Con em nông dân thì cứ nhắm mắt lao vào học nghề với hy vọng thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, song việc học theo kiểu "hú họa" như thế, nhiều người dù đã có bằng học nghề nhưng vẫn không thoát khỏi ruộng vườn. Là bởi, đầu ra cho số học nghề này không có, lại nữa, học những nghề mà DN không cần, hoặc có cần đi nữa thì vẫn không đạt yêu cầu. Vì thường những cơ sở dạy nghề này vừa thiếu thiết bị để thực hành, vừa thiếu thông tin về những cải tiến trong công nghệ, nên dẫu học sinh có bằng cấp học nghề nhưng vẫn không làm được.

Kể từ khi hai KCN Quảng Phú và Tịnh Phong, rồi KKT Dung Quất hình thành, các nhà máy mọc lên càng nhiều, nhu cầu LĐ càng lớn nên thị trường LĐ luôn "nóng" mỗi khi vào vụ. Các DN may xuất khẩu, chế biến gỗ luôn luôn thiếu LĐ nên họ "tuyển ào ào". Nghĩa là, họ không quá chú trọng đến chất lượng tay nghề mà chỉ tuyển cho đủ người. Sau khi tuyển, số CN này được gửi vào "Cty mẹ" tiếp tục "đào tạo lại" theo đúng yêu cầu của DN. Dĩ nhiên, kinh phí đào tạo lại này, DN phải tự lo. Thậm chí, có DN còn trả thêm phụ cấp học việc cho số CN đào tạo lại này. Tốt nghiệp (lần 2) xong, họ về nhà máy và bắt đầu đời sống CN.

Những tưởng, các ông chủ bỏ tiền ra để dạy nghề như thế sẽ giữ chân được họ, song chỉ cần nhìn DN kế bên trả lương nhỉnh hơn vài trăm ngàn/tháng là họ đồng loạt bỏ việc và "đầu quân" cho đơn vị mới. Nhiều CN cứ chạy lòng vòng như vậy, có khi trở lại đơn vị cũ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Cty may Đại Cát Tường, KCN Tịnh Phong - nói: "Tôi nói rõ với các em ấy là, nếu thấy chỗ nào hơn thì các em đi, nhưng nhà máy luôn sẵn sàng đón các em trở lại nếu thấy nơi khác không bằng. Thế nhưng, số trở lại quá ít. Đúng là "cốc mò cò xơi".

 

Đào tạo có địa chỉ

 

Quảng Ngãi hiện có 16 cơ sở đào tạo nghề. Mỗi năm, 16 cơ sở này cho ra "lò" khoảng 3 ngàn người, gọi là "có nghề". Phần lớn số CN này chỉ học nghề từ 3-6 tháng. Điều đáng lưu ý là, có đến trên 50% số CN này đều "tự biên chế" chứ không vào làm bất cứ một cơ sở sản xuất nào. Họ hành nghề thú y, học thêu, học đan, tự tìm mối về làm rồi có đầu nậu đến thu mua sản phẩm.

Rút kinh nghiệm những năm trước đây, hiện nay, mỗi mùa khai giảng, các DN đã đến đặt vấn đề với các trường dạy nghề về số lượng CN, đào tạo nghề gì, thời gian bao lâu... Hai bên thống nhất và cứ thế thực hiện. Lúc sắp ra trường, CN thuộc bộ phận nào thì về luôn DN mà họ đặt hàng ấy để thực tập. Vì vậy, sau khi ra trường, số CN này có địa chỉ tiếp nhận ngay. Họ cũng bắt tay ngay vào việc chứ không phải bỡ ngỡ hoặc phải đào tạo lại như trước đây nữa. Một điểm đáng lưu ý nữa là, một phần kinh phí đào tạo nghề, ngân sách địa phương phải bỏ ra nên DN chỉ góp thêm chứ không "bao thầu" như những năm trước. Vì vậy, giả sử nếu CN có rẽ ngang để sang nơi khác thì DN cũng không quá xót với số tiền mình bỏ ra để đào tạo lại.

 

Thoạt nghe thì việc dạy nghề và tìm việc ở Quảng Ngãi có vẻ suôn sẻ, song qua các sàn giao dịch việc làm, số người có nghề lại quá ít. Có lẽ do thiếu thông tin nên việc tiếp cận với các cơ sở dạy nghề của thanh niên còn hạn chế. Vả lại, nếu chỉ làm CN thì đồng lương hiện nay quá thấp, trong khi làm "cửu vạn" ở Dung Quất, tuy bấp bênh nhưng thu nhập lại gấp 2-3 lần lương. Nhưng dẫu sao thì việc đào tạo có địa chỉ như cách làm hiện nay của các DN tại Quảng Ngãi bước đầu đã tạo sự yên tâm cho người học nghề.

 

Theo LĐ