Năm mươi năm qua, nghề bồng heo ở chợ Bà Rén - chợ heo con lớn nhất miền Trung luôn gắn với những mảnh đời. >> Những nghề lạ lẫm: Đứng, chào và... mỉm cười! Đêm gần sáng, chiếc xe ben chở heo dừng lại ở đầu cầu Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hàng chục phụ nữ tuổi trên 40, áo quần lem luốc kề vai vào thành xe khuân những chú heo vào chợ và sang tay cho khách hàng. Nghề không dành cho đàn ông Đầu tháng 10, những cơn mưa phùn lúc hừng sáng lạnh căm. Chị Lưu Thị Mai đứng co ro trước cổng chợ, chiếc nón lá rách tơi không đủ che những giọt nước mưa vụt qua đôi má gầy gò. Trông chị già khụ ở cái tuổi 44 của mình. Những phụ nữ khác bên cạnh người im lìm rít thuốc lá, người miệng xuýt xoa vì lạnh. Nửa giờ sau, những đoàn xe chở heo đầu tiên bắt đầu dừng lại ở cổng chợ. Vứt cái tàn thuốc lá đỏ rực xuống mé sông, chị Mai chạy thẳng tới thùng xe, bắt đầu công việc của mình. Hơn bốn chục cái giỏ heo, mỗi giỏ đựng khoảng chục con heo sữa được các chủ đầu nậu thu gom từ các vùng quê xa xôi về đây để bán. Những cái giỏ heo đan bằng tre, lót một ít rơm khô, chất đầy heo được xếp chồng lên nhau bắt đầu được chuyển xuống. Hai người phụ nữ leo hẳn lên trần xe khiêng giỏ heo đưa xuống đất, ba người phụ nữ đứng dưới nhận giỏ heo rồi khiêng vào chợ. Cứ thế công việc xoay vần cho đến khi những giỏ heo cuối cùng được các chị mang vào sắp ngay ngắn trong chợ. Ôm heo nuôi ba con học đại học Trời dần sáng, phiên chợ đông dần, giao dịch diễn ra nhanh chóng là lúc những người ôm heo tất bật làm việc hơn bao giờ hết. Những chú heo trong giỏ của người bán được người mua trả giá. Giao dịch xong, các chị là người phải ôm từng con heo đến bỏ vào giỏ cho người mua rồi cột dây, khiêng lên xe.
Chị Mai cho biết ôm mỗi chú heo từ giỏ người bán sang giỏ người mua được trả 500 đến 1.000 đồng, tùy theo heo lớn nhỏ. “Sáng nay heo ít, tôi chỉ ôm được 30 con, tính được hơn 20.000 đồng, đủ tiền đi chợ ăn cho cả ngày. Những ngày khác heo nhiều thì đỡ hơn. Ở cái chợ quê này, chị em chúng tôi không ôm heo thì làm gì? Có người ôm heo nuôi cả gia đình, nuôi cả cha mẹ già, con nhỏ đó chú ơi!” - chị Mai nói. Chồng đi làm thợ xây dựng ở xa. Một tay chị với nghề bồng heo đã nuôi ba đứa con ăn học nên người. Đứa con trai đầu của chị vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, đang xin việc làm, hai đứa nhỏ đang là sinh viên đại học của trường này. Chị Trần Thị Thảo, 45 tuổi, người gốc Hưng Yên, theo cha về đất Quảng Nam đã hơn 20 năm. Cũng chừng ấy năm chị quần quật với cái chợ heo bên đầu cầu này. Chị kể, lúc đầu lên chợ chỉ để cột giỏ heo, bán giỏ kẹp cho các chủ heo nhưng sau đó giỏ ế ẩm, chị chuyển qua ôm heo. Hai mươi năm nay, đã không biết bao nhiêu chú heo qua tay chị. Ôm heo từ lúc 3 giờ sáng đến gần trưa, có hôm chị kiếm được 50.000 đồng. Số tiền này chị phải chia nhỏ ra nhiều phần, một phần chắt chiu gửi cho đứa con trai ngoài Hà Nội đi học nghề cơ khí, một phần nuôi cha mẹ già đang bệnh tật không biết trông cậy vào ai. Nhìn dáng người nhỏ thó vỏn vẹn 42 kg nhưng ít ai nghĩ chị sẽ ôm được cả chú heo 45 kg lên bàn cân. Để chú heo khỏi vùng vẫy và lệch kim cân, các chị ôm heo ở chợ này nghĩ ra cách ôm heo ngang bụng rồi cân cả người và heo, sau đó trừ cân nặng của người ra sẽ biết heo nặng bao nhiêu ký! Xem heo, lùa heo Ông Nguyễn Lai, 47 tuổi, người quản lý chợ heo này, cho biết thời cao điểm, hàng ngàn chú heo được bán mua trong một buổi. Heo Bà Rén có tiếng và được chở đi khắp nơi ra Huế vào Tây Nguyên cho đến Khánh Hòa, Đồng Nai... Không chỉ bồng heo kiếm tiền, các chị phụ nữ còn “xem heo, lùa heo” rất tài tình. Chỉ cần liếc qua chú heo con, các chị biết ngay heo có hay ăn chóng lớn hay không. Cũng như nhìn một chú heo, các chị có thể biết chú này đang bị “bùa” và rất nhiều trò “phù phép” của những người bán heo để có chú heo con đẹp nhưng khi nuôi thì không cách nào lớn.
Chị Võ Thị Sáu, người làng Duy Trung, huyện Duy Xuyên cũng làm nghề bồng heo, cho biết rất nhiều trò của người bán heo để có chú heo con xinh xắn. Nhìn chú heo bụng căng tròn, đứng chép miệng như muốn ăn nhưng thật ra không phải vậy, chúng đã được cho uống thuốc kích thích tiêu hóa trước đó. Các chú heo căng tròn nằm no nê nhưng thực ra chúng đã bị bơm nước vào bụng cho căng ra và cân nặng trông rất đẹp. Chưa hết, để có làn da hồng, người bán heo mang lá cây nàng hai - loại lá cây gây ngứa khủng khiếp nếu da người quẹt phải đem xát vào da heo, lát sau da heo ửng hồng và trông rất bắt mắt. Ngoài ra, một số người còn lấy lá cây sơn - một loại lá cây trên rừng nấu nước tắm cho heo vài giờ trước khi bán heo để chú heo phình to ra vì bị phù. Người mua không biết sẽ rất dễ nhầm tưởng là heo tốt nhưng mua về nuôi thì heo không lớn. Chị Sáu cho biết mấy năm trước lúc bãi vàng Phước Sơn (huyện Phước Sơn) còn hoạt động rầm rộ, chị được các chủ hàng thuê lùa heo vào bãi vàng để làm thịt. Việc vận chuyển bằng xe là không thể vì đường rất khó đi, càng không thể khiêng heo vì đi bộ đến ba, bốn ngày trời. Nhưng hàng chục chú heo thịt nặng hàng tạ đã được chị lùa ngoan ngoãn vào trong rừng sâu mà không phải sợ chúng chạy mất. Để các chú heo này trở nên ngoan ngoãn và không chạy vào rừng, chị đã đốt cháy các lông mi của chúng trước khi lùa đi. Các chú heo mất lông mi trở nên hiền hậu, đi chậm và cứ thế chúng đi theo sự hướng dẫn của con người. “Thậm chí chúng leo lên ghe qua sông mà không quậy phá” - chị Sáu nói. Theo Tấn Vũ |
▪ CV xin việc của bạn “có vấn đề”? (08/10/2008)
▪ “Khát” đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng (08/10/2008)
▪ Cơ sở dạy nghề "bắt tay" với DN ngay từ lúc CN nhập trường (08/10/2008)
▪ “Hâm nóng” thị trường bằng chính sách tốt (07/10/2008)
▪ Ngày hội việc làm Trường ĐH Nông Lâm TPHCM Sẽ tuyển dụng gần 1.000 lao động (07/10/2008)
▪ Xu hướng “Nghệ sỹ hóa” trong 9X (07/10/2008)
▪ Mặt hàng mới từ... đồ cũ (07/10/2008)
▪ Đối mặt với sếp “xấu tính” (07/10/2008)
▪ Học thuê có là một nghề của sinh viên? (07/10/2008)
▪ Kỹ năng để thành công (06/10/2008)