Nhân viên của Saigon Tourist trong một cuộc thi nghiệp vụ - Ảnh: H.TR. |
Bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết từ nay đến cuối năm, ngành sẽ thực hiện chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho nhân viên các khách sạn, đặc biệt là bộ phận quản lý khách sạn vừa và nhỏ cũng như các hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ khảo sát lại toàn bộ tình hình nguồn nhân lực của ngành du lịch TP.HCM để lập chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2008 đến 2010, tầm nhìn đến 2015.
"Ngành du lịch thành phố đang thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực có qua đào tạo. Chúng tôi phải tìm cách giải quyết", bà cho biết.
Hàng năm, ngành du lịch thành phố tăng trưởng khoảng 12-15%. Trong khi đó, nguồn nhân lực không thể đáp ứng nổi với mức độ tăng trưởng chỉ khoảng 3,5%. Hiện nay, trên 50% số lao động làm việc trong ngành này chưa qua đào tạo. "Chúng ta thiếu một chiến lược để phát triển nguồn nhân lực nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu về lao động qua đào tạo cho ngành," bà Vui nói.
Kể từ năm đến 2005, ngành du lịch TP.HCM không có bất cứ khảo sát nào về tình hình lao động trong ngành dịch vụ quan trọng này.
Theo khảo sát trong năm 2005, khi thành phố đón khoảng hai triệu khách quốc tế thì TP.HCM có 24.000 người làm việc trong ngành du lịch. Trong số đó có 14.600 người làm việc tại các khách sạn, 5.400 người làm việc trong các công ty lữ hành và số còn lại thuộc về các khu vui chơi, giải trí.
Ba năm trở lại đây, ngành du lịch TP.HCM đã phát triển khá cao, với 2,7 triệu lượt khách quốc tế đến vào năm ngoái cùng với một số lượng lớn khách đi du lịch nước ngoài và nội địa. "Tình hình hiện tại đã thay đổi rất nhiều nên cần có những khảo sát tình hình thực tế mới có thể lập nên chiến lược phát triển cho mảng này", bà Vui nhận định.
UBND TP.HCM đã đồng ý cho Sở Du lịch thực hiện khảo sát cũng như lập chiến lược cho nguồn nhân lực đến năm 2010 có tầm nhìn đến 2015. Dự kiến, chiến lược này sẽ được trình ủy ban cuối năm nay.
"Chúng tôi mong muốn vào thời điểm đó, khoảng 70% nguồn nhân lực của ngành sẽ qua đào tạo", bà Vui nói. Theo đó, trong thời gian tới, sở sẽ làm cầu nối cho các trường đại học và doanh nghiệp trong ngành để đào tạo nguồn nhân lực. Cơ quan này cũng sẽ hợp tác với các tổ chức du lịch, quỹ quốc tế để tổ chức những chương trình đào tạo ngắn hạn, cấp học bổng cho những người quản lý và người lao động trực tiếp trong ngành.
Vào cuối năm nay, chuyên gia của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ đến TP.HCM trong vòng một năm để đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng về marketing cho thị trường Nhật.
Theo ĐÀO LOAN - TBKTSG Online
▪ Công nhân bỏ phố về quê ! (29/05/2008)
▪ Rớt giá “nghề vàng” môi giới chứng khoán (29/05/2008)
▪ Lao động Việt Nam sẽ tăng nhanh tại Trung Đông (28/05/2008)
▪ Chính thức tuyển lao động Việt Nam đi Mỹ làm việc (27/05/2008)
▪ Ở nơi dạy làm tranh cát cho thanh niên khiếm thính (27/05/2008)
▪ Giáo viên bỏ việc do mức lương quá thấp (26/05/2008)
▪ TP.HCM: 110 thí sinh dự thi tay nghề trẻ 2008 (24/05/2008)
▪ Bí quyết thành công của các doanh nhân nổi tiếng (24/05/2008)
▪ “Vòng xoáy” nhảy việc của sinh viên mới ra trường (24/05/2008)
▪ Mới chỉ dừng ở mức… “gửi tạm” (23/05/2008)