Hỗ trợ việc làm cho người sau cai: Từ kinh nghiệm của một cơ sở sản xuất
Báo Tiếng chuông - 30/05/2017
“Đối với những người đã cai nghiện ma túy, sự tin tưởng, hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng cũng như các cơ hội về việc làm như mang nước đến cho những cây khô hạn giúp nó hồi sinh”.

Đó là kinh nghiệm mà anh Đinh Văn Đoàn,  chủ 2 cơ sở sản xuất ống cống, cửa sắt tại xã Gia Tường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đúc kết được sau nhiều năm giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện.

Anh Đinh Văn Đoàn (sinh năm 1981) từng có thời gian nghiện ma túy và có nhiều hành vi gây tổn thương cho những người thân. Năm 2009, anh tham gia lớp cai nghiện ma túy tại cộng đồng của xã Gia Tường và nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong Tổ công tác, anh đã cai nghiện thành công. Không những vậy, anh còn được thành viên trong tổ công tác đứng ra bảo lãnh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để mở xưởng sản xuất, đúc các loại ống cống, ống giếng.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên chỉ trong 4 năm, xưởng của anh đã được mở rộng về quy mô và số lượng, ngoài phục vụ các xã lân cận đã tiến tới phục vụ một số xã của tỉnh Hòa Bình có vị trí giáp huyện Nho Quan. Năm 2015, anh tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất, thi công các loại cửa sắt. Đến nay, cả hai xưởng đi vào sản xuất ổn định và ngày càng có uy tín với nhân dân quanh vùng.

 

 

“Tôi cảm thấy cuộc đời của mình thực sự may mắn vì không chỉ đoạn tuyệt được với ma túy mà còn được tin tưởng, giúp đỡ để có được việc làm. Thấm thía từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi nhận thấy đối với những người đã cai nghiện ma túy, sự tin tưởng, hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng cũng như các cơ hội về việc làm như mang nước đến cho những cây khô hạn giúp nó hồi sinh. Chính vì vậy, khi các xưởng đã đi vào sản xuất ổn định, tôi đã nghĩ đến vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ những người từng có hoàn cảnh giống mình vào làm việc”, anh Đoàn chia sẻ.

Anh Đoàn kể, ban đầu, anh đề nghị một người em họ của mình bị nghiện lâu năm và từng đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện vào làm việc. Thời gian đầu, anh vừa chỉ việc, vừa luôn theo dõi, quan sát đời sống tinh thần của em họ. Công việc đổ bê tông không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần sức khỏe và sự chịu khó. Dựa vào lý do quan hệ họ hàng, có lúc cậu em tỏ thái độ không hợp tác, chống đối lại mỗi khi anh giao việc nặng. Những lúc đó, anh lại tìm cách tâm sự, nói chuyện với em về quãng thời gian khó khăn mà anh đã trải qua trước đây.

Theo anh Đoàn, đã là con người, ai cũng muốn được nhàn hạ, sung sướng nhưng với những người không chịu học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp, gia đình nghèo khó lại có quá khứ từng sa ngã vào tệ nạn ma túy, nếu bản thân không nỗ lực cố gắng vượt qua sức ỳ của bản thân thì không chỉ cuộc đời mình mà con cái cũng sẽ lại đi theo con đường tăm tối.

Chính vì vậy, bên cạnh việc động viên em họ, anh cũng nói chuyện với gia đình em để mọi người hiểu và chia sẻ, động viên kịp thời để em ngày càng có tinh thần làm việc tốt hơn.

“Khi cầm trên tay tháng lương đầu tiên, tôi nhìn thấy trên khuôn mặt em ngời lên niềm vui và hạnh phúc không diễn tả được bằng lời. Niềm hạnh phúc vì đó là những đồng tiền chân chính được trả bằng rất nhiều mồ hôi và công sức, niềm hạnh phúc vì sự nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm hạnh phúc vì thấy mình được trở lại là người sống có ích cho gia đình và được tin tưởng, thương yêu. Giờ đây, em không chỉ đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy mà còn trở thành một người thợ lành nghề. Nhìn thấy được kết quả trong sự nỗ lực của em, đã cho tôi thêm lòng tin vào công việc hỗ trợ, giúp đỡ những người nghiện ma túy khác”, anh Đoàn rất tự hào khi kể về người em họ của mình.

Số người sau cai nghiện làm việc tại xưởng của anh Đoàn chủ yếu là người cùng xã hoặc xã lân cận nên anh có thuận lợi trong việc tìm hiểu về bản thân của từng người cũng như huy động được sự hỗ trợ, giúp đỡ khác từ gia đình của họ, chính quyền, các đoàn thể của thôn, xóm.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu nhận những người sau cai nghiện vào làm việc tại xưởng, anh kể, anh cũng gặp không ít khó khăn. Một số người nghiện đôi lúc còn bị dao động trước các thói quen như nói dối, qua lại với nhóm bạn nghiện cũ, không tôn trọng kỷ luật trong công việc, rủ rê những người làm khác uống rượu. Một số khác có tâm lý tự ti mặc cảm, sống khép mình. Một bộ phận dân cư có thái độ thiếu thiện cảm trước quá khứ của những người nghiện thể hiện qua ánh mắt, qua lời nói, cử chỉ khiến họ dễ chạnh lòng… Đối với những người nghiện, họ có đời sống tinh thần phức tạp và dễ bị ngoại cảnh chi phối dẫn đến có thể trong lúc không tự cân bằng được cảm xúc và quay trở lại tìm ma túy.  Trước tình hình đó, anh Đoàn đã trao đổi với các tình nguyện viên làm công tác xã hội của xã để họ cùng phối hợp hỗ trợ về tâm lý cho người nghiện. Nhờ đó cho đến nay, xưởng của anh đã tiếp nhận và hỗ trợ, tạo việc làm ổn định cho 3 người nghiện.

Theo anh Đinh Văn Đoàn, để công tác hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập có hiệu quả và thành công, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho người sau cai nghiện về việc làm như giới thiệu, chuyển gửi họ tới các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho vay vốn ưu đãi để họ ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện cho cơ sở hoặc doanh nghiệp có sử dụng người sau cai về các mặt như ưu đãi vay vốn, giảm thuế đất, giới thiệu mặt hàng của cơ sở sản xuất tới các đối tác tiêu thụ để họ có điều kiện mở rộng sản xuất và tăng thêm thu nhập cho người sau cai. Đồng thời, có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ cho những người sau cai hoặc cơ sở nhận người sau cai vào làm việc để tránh những tổn thương về tâm lý hoặc vật chất.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tránh tâm lý kỳ thị đối với người sau cai nghiện; phân công cán bộ làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý sau cai để thường xuyên theo dõi, quản lý và hỗ trợ tâm lý cho những người sau cai đặc biệt trong giai đoạn đầu tái hòa nhập cộng đồng để giúp họ vượt qua được những khó khăn, mặc cảm và giữ vững quyết tâm không tái sử dụng lại ma túy.