Khi xin việc: Tự tin là yếu tố của thành công
Các Website khác - 21/04/2008


TP - “CV là đại sứ thương hiệu của chính mỗi cá nhân khi đi xin việc. Vì thế, việc tạo một CV ấn tượng là điều quan trọng hàng đầu đối với những bạn sinh viên mới ra trường”.

Đó là những chia sẻ của chị Đỗ Thùy Dương- Giám đốc Cty tư vấn tuyển dụng Talent Pool với các bạn sinh viên khối trường kinh tế, tại Hội thảo Hành trình đến công sở diễn ra vừa qua tại hội trường VJCC Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Buổi hội thảo là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình Công sở tương lai của CLB Nguồn nhân lực, ĐH Ngoại thương, với sự bảo trợ thông tin của báo Tiền phong online, Sinh viên Việt Nam và đài truyền hình VTC.

Sinh viên đặt câu hỏi với chuyên viên tư vấn

Thế nào là một CV xin việc ấn tượng?

Hàng trăm sinh viên của Đại học Ngoại thương và các trường thuộc khối kinh tế khác như Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Kinh doanh và Công nghệ… đã được tư vấn những kiến thức cần thiết cho một bản CV hoàn hảo và kỹ năng trả lời phỏng vấn thu hút nhà tuyển dụng.

Chị Đỗ Thùy Dương chia sẻ đầy hóm hỉnh với các bạn trẻ những câu chuyện thực tế trong quá trình tuyển chọn CV: “Một ngày, nhà tuyển dụng phải đọc hàng trăm bộ hồ sơ.

Vì thế, cách duy nhất để thu hút họ là tạo ấn tượng trong bộ CV của mình. Ấn tượng ấy có thể là một bức ảnh khác thường khi đi leo núi, đi picnic chứ không hẳn là ảnh 3x4 đơn thuần… Nhưng nhớ đừng gây choáng bằng những tên mail kiểu như anhhungxalo@yahoo.com....”

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về việc có nên viết tay CV xin việc, chị Dương đã làm cả hội trường ngạc nhiên khi có câu trả lời hoàn toàn đi ngược lại suy nghĩ của hầu hết mọi người:

“Thời đại công nghệ, mọi người quan niệm tất cả các văn bản nên đánh máy. Nhưng trong số hàng nghìn CV đánh máy, bản viết tay của bạn lại là một cách gây ấn tượng thú vị với những nhà tuyển dụng chúng tôi…”.

Phỏng vấn xin việc là một cuộc trao đổi hai chiều 

Bên cạnh những lời tư vấn viết CV xuất phát từ thực tiễn của các bậc đàn anh đàn chị đi trước, các bạn sinh viên khối trường kinh tế còn được chia sẻ nhiều kỹ năng thiết thực để bắt đầu cho một cuộc phỏng vấn xin việc.

Anh Nguyễn Hữu Huy Quang- Trưởng phòng nhân sự Unilever (nhà tài trợ chính của chương trình)  hóm hỉnh: “Bắt đầu phỏng vấn, hầu hết nhà tuyển dụng sẽ hỏi thông tin cá nhân về bạn. Đừng dại dột thao thao bất tuyệt nhà em ở số A ngõ B đường C. Nó có trong CV hết rồi, nói lại thành nói dài nói dại….

Hãy chuẩn bị tất cả các câu trả lời mạch lạc từ trước khớp với điều mà bạn viết  trong CV. Có những câu hỏi tình huống bất ngờ, đừng quá căng thẳng. Hãy xem cuộc phỏng vấn như một cuộc trao đổi hai chiều bình thường”.

Chị Đỗ Thùy Dương tâm sự: “Có người viết trong CV sở thích là đi bơi. Nhà tuyển dụng hỏi bao nhiêu lâu một lần, bạn ấy trả lời: 1 năm một lần… Đừng để mình vấp phải tình huống nực cười như thế. Hãy tự tin và thoải mái để thành công”.

Cuộc phỏng vấn thử giữa các nhà tuyển dụng và các bạn sinh viên cuối chương trình là một cơ hội thực tiễn với các bạn trẻ tham dự. Những câu hỏi “khác lạ” và những câu trả lời thông minh không kém phần hài hước của các bạn sinh viên tham dự đã mang lại cho chính họ nhiều bài học nhỏ bé nhưng thiết thực về vấn đề xin việc sau khi ra trường.

Sau hội thảo này, chuỗi chương trình Công sở tương lai sẽ tiếp tục với cuộc thi Thử sức với test tuyển dụng và toạ đàm Văn hoá công sở kéo dài từ 20/ 4 đến 27/ 4