Vài giọt máu người chết rơi kèm hình dạng, hướng rơi có thể giúp các bác sĩ pháp y kết luận hung thủ là nam hay nữ, thuận tay nào, nạn nhân chống cự hay bị đâm lén, sức nặng, chiều cao hung thủ, đả thương hay tự vệ…
Chuyện viên đạn không đầu
![]() |
Bác sĩ Hoàng Xuân Đỉnh (phải) xét nghiệm máu khô |
Năm 2000, một vụ án giết người, cướp xe xảy ra ở quận 9, TP.HCM. Bọn cướp dùng súng bắn chết nạn nhân để cướp chiếc xe gắn máy, phương tiện kiếm sống của nạn nhân. Không có hướng trổ ra, theo lẽ thường - đầu đạn phải còn trong người nạn nhân - nhưng, khám nghiệm tử thi theo hướng đi của viên đạn đến đoạn động mạch cổ thì mất dấu.
Vậy đầu đạn trốn chỗ nào? Tuy dùng nhiều biện pháp kỹ thuật khác hỗ trợ tìm kiếm, nhưng đầu đạn vẫn “biệt vô âm tín”. Trung tá Quang, trưởng phòng PC 21 và bác sĩ Hoàng Xuân Đỉnh (Giám định viên trưởng Pháp y Hình sự của TPHCM) cùng bác sĩ Định, bác sĩ Liên trong Tổ bác sĩ pháp y (BSPY) mất ăn mất ngủ.
Có lúc họ ngồi thừ người nhìn xác nạn nhân, đưa ra nhiều giả thuyết song chẳng ai thuyết phục được ai. Đầu đạn đi đâu vẫn là một ẩn số. Cuối cùng, họ chấp nhận thua cay đắng để gia đình nạn nhân thực hiện việc hậu sự cho nạn nhân kịp thời.
Hai tháng sau, một vụ án giết người cướp xe gắn máy có vũ khí lại xảy ra ở quận 2. Nạn nhân chết cũng do một viên đạn bắn vào vùng nguy hiểm - gần yết hầu của nạn nhân. Bác sĩ Đỉnh giật thót người khi giải phẫu tử thi lại không tìm thấy đầu đạn đâu và hướng đi viên đạn giống hệt vụ án không đầu đạn ở quận 9 trước kia.
''Chết đuối'' 2 lần trong cùng một vũng nước?
Tư thế bắn được xác định, trong cả hai vụ án hung thủ đều ở tư thế đứng, đều đứng cách nạn nhân khoảng 2,5m và bắn từ phía trước mặt. Đặc biệt - hung thủ có thể là kẻ bắn súng bằng tay trái.
Vì sao tổ Giám định pháp y đưa ra nhận định trên? Các dấu vết cho thấy cả hai hung thủ trong hai vụ án không đầu đạn đều có chiều cao suýt soát nhau và tư thế bắn khá giống nhau. Như thế, từ việc xác định chủng loại vũ khí đến các thông số vừa nêu, tổ Giám định Pháp y Hình sự của Công an thành phố Hồ Chí Minh có thể đưa ra nghi vấn - hung thủ của hai vụ án trên chỉ là một và y là kẻ thuận tay trái!. Trinh sát Hình sự khoanh vùng nhanh chóng.
Tất cả những tài liệu liên quan đến các loại vũ khí được các chuyên gia vũ khí Cục KHKTHS phía Nam cùng Trung tá Quang và BS Đỉnh chúi mũi đọc và trao đổi quyết liệt. Giám định tử thi lần nữa. Vẫn không tìm thấy đầu đạn. Bác sĩ Đỉnh quyết định giám định phần thịt và da quanh đường đi của đạn . Phần da thịt ấy bị ám khói. “Đầu đạn “đi qua” làm gì có khói để lại trên da và không thể mang mùi thuốc súng “nồng” đến thế?!” BS Đỉnh lẩm bẩm.
Đường đi của viên đạn không sắc rõ mà chỉ là vết thương bị xé lầy quanh phía sau vùng đạn bắn và vết công phá không sâu lắm. Hồ sơ vụ án trước được mang đến khẩn cấp. Và, “Trời đất ơi! Đúng là loại vũ khí bắn đạn mã tử rồi các ông ơi!”, Giám định viên trưởng Hoàng Xuân Đỉnh đã reo lên như thế khi rà soát mẩu da người chết với các tài liệu hướng dẫn loại súng bắn không đầu đạn.
Khi bị bắt tại một căn nhà nhỏ ở Thủ Đức, hung thủ khai đã dùng loại súng bắn đạn mã tử để cướp xe và nhận cả hai vụ cướp xe trên đều do y thực hiện, bằng tay trái.
Làm thẩm mỹ dạo
Trong các vụ tai nạn giao thông, nạn nhân thường chết rất thê thảm. Lần ấy, tôi đi công tác trên vùng núi đèo dốc hiểm trở ở Tây Bắc-Sơn La, Điện Biên; một tai nạn giao thông khủng khiếp đã xảy ra ngay khúc cua tay áo đang đổ dốc. Ngồi chờ thông xe bên vệ đường, một nhóm cảnh sát điều tra và hai BSPY tất tả đi qua mặt tôi. Ai làm việc nấy. CSĐT thì lấy lời khai nhanh của những người sống sót, CSGT đo đạc chụp hình hai chiếc xe bẹp đầu đổ chổng kềnh bên đường và hai bóng áo blouse trắng đang bươn bả đi tới những xác chết nằm rải rác gần đấy. Chẳng thể chuyển nạn nhân về tuyến dưới vì qua xa; họ tiến hành khám nghiệm tử thi tại chỗ.
Sau khi thực hiện hàng loạt động tác nghiệp vụ, ghi chép biên bản giám định tử thi; thay vì lên xe về thì hai BSPY lại làm một phần việc ngoài công vụ - phẫu thuật thẩm mỹ mà không cần một lời yêu cầu từ phía… người chết! Các anh nhồi những cục bông gòn lớn vào phần đầu, nắn tròn lại gương mặt dúm dó thảm hại, trả lại gương mặt dễ coi hơn cho cô gái trẻ xấu số, trong khả năng họ có thể. Các nạn nhân được bác sĩ “làm đẹp miễn phí” – xương gãy vụn được nắn lại, chỗ xẹp, bẹp được nhồi bông và nắn lại bằng những đường khâu thẩm mỹ, chùi sạch vết máu trên mặt người chết,… Mọi việc tiến hành khẩn trương, chu đáo trước khi người nhà đến nhận dạng họ.
Bác sĩ Đỉnh kể giọng đục khàn - Có khi nạn nhân vớt dưới sông lên là cô gái kkhông mảnh vải che thân, các anh còn quấn cả áo blouse cho họ. Anh bảo: “Âu đó cũng là cách sống giữa người với người”. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao, họ còn tự nguyện làm những việc nhân ái như thế mà không cần một lời cám ơn. Gia đình nạn nhân, quá đau khổ nên chẳng ai nhận ra đường chỉ nhân ái kia mà thường chỉ cảm thấy “BSPY rất khó ưa”. Bởi theo cách nghĩ người Việt ta, ai cũng muốn người chết yên thân. Và ý nghĩ đụng dao, kéo sẽ làm người chết “đau” và không may mắn. Họ đâu có hiểu: chưa có chữ ký của BSPY sau giám định, người chết chẳng thể “mặc áo quan”. Tất cả đều theo đúng quy định của ngành và lương tâm của người thầy thuốc.
''Hoa máu'' nói gì?
Bằng phương pháp hóa nghiệm một số chất trong cơ thể người chết có thể xác định nguyên nhân tử vong: ngộ độc thực phẩm hay bị ám hại bằng thuốc độc. đầu đạn thu được, với tốc độ viên đạn bắn, hình dạng vết đạn trên cơ thể, trên đồ vật... đều giúp cho việc truy tìm chủ nhân các khẩu súng giết người.
Hoa máu là gì? Đó là những giọt máu rơi trên hiện trường. Ngoài việc thu giữ các giọt máu rơi ấy để khám nghiệm, xác định nhóm máu thì các sĩ quan khám nghiệm hiện trường của Phòng KHKTHS CATP còn phải đọc được tên các “hoa máu”.
Tùy theo hình dạng, kích thước và cách “nở hoa” thế nào của các hoa máu, Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng PC21 - Phòng khoa học kỹ thuật hình sự CA TPHCM có thể nói khá chính xác về hung thủ: chiều cao, hướng gây án, vật gây án và thậm chí hắn thuận tay nào…
Tháng 3/2000, một vụ án gây kinh hoàng – nạn nhân tên Tống Văn Tr, cư ngụ P13, quận 3 TPHCM bị giết chết bởi 140 nhát dao. Đội Khám nghiệm hiện trường (Đội KNHT) Phòng PC 21 và BSPY hoa cả mắt khi nhìn cảnh tượng rùng rợn trên.
Trong phòng ngủ, nạn nhân chết trong tư thế nằm không vải che thân và máu văng vãi khắp nơi từ nhà tắm, trên lối đi, trên cầu thang dẫn xuống nhà dưới. Đo dấu chân, lấy dấu giày và vân tay trên các vật dụng tại hiện trường, Đội KNHT đưa ra nhận định: hung thủ gồm 3 tên có chiều cao gần bằng nhau và chúng khá nhẹ cân.
Trưởng phòng Quang im lặng “ngắm nhìn” các hoa máu… Sau cùng, hoa máu ở trên lối đi cầu thang nói cho anh biết - hung thủ có ít nhất một tên bị thương ở đùi trên và bị đâm từ sau tới. Di chuyển chậm dọc cầu thang, Trưởng phòng Quang lại đưa ra một nhận xét khác , có thể là chính tên này hay tên khác nữa đã bị thương ở trên mu bàn tay trái.
Phân tích các hoa máu ấy cho thấy đó là hai tên khác nhau. Thông tin từ BSPY: bọn chúng gây án xong lúc nửa đêm! Các trinh sát hình sự bung đi tìm người ở các bệnh viện. Tin từ BV 115 cho biết, có một thanh niên bị vết rách dài ở đùi trên đến cấp cứu lúc gần sáng.
Các trinh sát ập đến khi y vừa định chuồn. Y tên Quang. Theo lời khai, một học sinh trường chuyên nghiệp ở Tân Bình bị thương hai vết ở tay tên Huy cũng bị trinh sát Hình sự tạm giữ. Cả hai đều kêu oan, nhưng cuối cùng, chúng đã phải nhận tội khi được đưa về căn nhà của TR. Chúng gồm 3 tên học sinh mắc bệnh đồng tính luyến ái. Án được đóng lại sau 48 giờ truy xét.
Hoa máu “nói” bằng cách nào? Dĩ nhiên nó có ngôn ngữ của riêng nó ví dụ hoa máu nở nhiều cánh nhỏ li ti – đó là vết thương bị đâm rất mạnh tay và ở vị trí xa hoặc cao; hoa máu nở ít cánh và cánh to, đậm – vết thương khá nặng và gần khu động mạch…
Tìm ra thủ phạm từ vết bụi bẩn
Một công ty xây dựng có văn phòng ở phường 15, Bình Thạnh bị trộm 60 lượng vàng cất trong két sắt của công ty. Sáng thứ hai, sau khi vào làm, thủ quỹ công ty báo mất trộm 60 lượng vàng do két sắt bị cạy.
Quan sát chung quanh phòng có nhiều vết cạy ở cửa sổ, trầy trụa ở bàn làm việc thủ quỹ và két sắt cũng có nhiều vết trầy sướt, nhất là quanh khu vực ổ khóa – có lẽ do bọn trộm dùng chìa khóa giả mở két…
Những người có mặt ngạc nhiên khi thấy Trung úy Lê Trung Hiếu và Đỗ Văn Quang cẩn thận thu nhặt ít bụi bẩn bám quanh ổ khóa két, lấy dấu vân tay trên đồ dùng cô thủ quỹ, trên két sắt... Ba ngày sau, cán bộ KNHT kết luận – đó là hiện trường giả!
“Kết luận này chính là lời buộc tội và đã chỉ ra rằng thủ quỹ là thủ phạm. “Đọc kết luận, tôi băn khoăn lắm, không biết anh em mình có kết luận oan cho chị thủ quỹ không. Danh dự và công việc họ đều phụ thuộc vào kết luận của mình, nếu sai, sẽ ân hận lắm”. Thế là Quang lao xuống hiện trường.
60 lượng vàng 9999 mất nhưng tiền mặt lại còn nguyên? Xem xét và đo độ nông, sâu của các vết cào trên tường, trên bệ cửa sổ - “lối vào” của kẻ trộm… Trưởng phòng Quang đành kết luận: dấu vết ấy được tạo từ người đứng phía trong chứ không phải từ phía ngoài; nghĩa là chẳng có sự đột nhập nào cả!
Một sĩ quan chuyên ngành của Viện Khoa học Hình sự phía Nam tháo ổ khóa két sắt mang về khám nghiệm cũng đưa ra kết luận: chìa khóa mở két là chìa thật. Không có dấu vết dùng chìa khóa giả; bởi bụi kim loại trong ổ khóa thu được khi ma sát vào các khe, rãnh ổ khóa trùng khớp với kim loại của chìa khóa thật. Như thế, kết luận hiện trường giả là chính xác.
Cuối cùng, chính cô thủ quỹ đành cúi đầu thú nhận tội trộm 60 lượng vàng 9999 chứ không ai khác.
Những nhà khoa học mặc áo lính
Công việc của các bác sĩ pháp y hình sự vừa khó, vừa quá vất vả lại ít tiền mà hơn thế, họ không được coi là người “làm phúc” như bác sĩ thường, nên số BSPY cần tuyển dụng cho ngành chưa bao giờ đạt đủ quân số.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đỉnh cười với tôi: “Thú thật, lúc đầu tôi cũng “ngại” nhận mình là bác sĩ pháp y. Ai hỏi; tôi nói là phẫu thuật viên rồi lảng nhanh qua chuyện khác. Bởi ngay bạn học mình và nhiều người đã nói “xa gần” - Béo bở gì ngữ bác sĩ toàn mổ xác chết, có phạm tay dao cả tấc cũng chẳng sao mà khéo léo lắm cũng chẳng cứu sống được ai…”.
Quả thật, họ không thể khiến người chết sống lại nhưng BSPY có thể cứu nhiều người đang sống khỏi sự oan khuất. Họ âm thầm trả lại công lý, niềm vui cho bao gia đình bị hàm oan; điều này, nào phải ai cũng biết!
Để trở thành BSPY đã khó, là Giám định viên trưởng của Tổ chức Giám định Kỹ thuật Hình sự mà chữ ký của anh có ý nghĩa xác tín rất cao, liên quan đến sinh mạng nhiều người như Thượng tá BS Hoàng Xuân Đỉnh quả không đơn giản và dễ dàng.
Chữ ký của anh cùng dấu của tổ chức Giám định Kỹ thuật Hình sự, sẽ là cơ sở để VKSND xem xét truy tố ai đó trước tòa. Gần chục năm qua, Thượng tá Hoàng Xuân Đỉnh đã ký đến chục ngàn biên bản kết luận giám định khoa học Kỹ thuật hình sự ở thành phố này và đến bây giờ, anh vẫn là người đưa ra những ý kiến quan trọng cuối cùng khi được các cơ quan hữu quan trưng cầu ý kiến.
Khi làm án, trước khi đưa ra kết luận quan trọng liên quan đến thân phận một con người, bao giờ Thượng tá Nguyễn Hồng Quang cũng rất cân nhắc. Biết bao lá thư, những món quà quê và cả những giọt nước mắt tri ân từ những người ở bên bờ cái chết trở về sau khi họ được chứng minh vô tội nhờ cái tâm và năng lực làm việc của CBCS phòng PC 21 trong suốt 30 năm qua. “Đó là những món quà quý giúp chúng tôi yên tâm đi tới trong những khó khăn, vất vả đời thường”, Thượng tá Quang, Trưởng phòng PC 21 nói.
(Theo SGGP)
▪ Thông tin tuyển dụng ngày 19-8 (19/08/2005)
▪ Trường nghề: Cửa mở nhưng “ít ai vào”… (17/08/2005)
▪ Khói tan, trời lại sáng (17/08/2005)
▪ Vui buồn đời quét dạo (17/08/2005)
▪ Thông tin tuyển dụng ngày 17-8 (17/08/2005)
▪ Thông tin tuyển dụng từ ngày 15-8-2005 đến 20-8-2005 (15/08/2005)
▪ Thông tin tuyển dụng ngày 16-8 (16/08/2005)
▪ Nữ thợ hồ (15/08/2005)
▪ Chúng tôi sẽ tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động Việt Nam (15/08/2005)
▪ Tuyển dụng ngày 13-8 (13/08/2005)