Chỉ 10% học sinh muốn học nghề
Năm nay hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tại các trường nghề tăng đột biến, tuy nhiên số thực tế dự thi chỉ khoảng 50%. Trường Trung học Hàng không Việt Nam, một trường được coi là thời thượng, nhưng số thí sinh (TS) đến thi chỉ đạt 47,79%; Trường CĐ Kinh tế TP Hồ Chí Minh có 48% TS dự thi; số TS dự thi Trường Văn thư Lưu trữ và Nghiệp vụ Văn phòng TƯ2 chỉ đạt 48%…
Học sinh Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh đang thực hành tại phòng thực tập điện.
Một số trường chưa thi hoặc xét tuyển như Trường TH Kỹ thuật May và Thời trang 2 lượng hồ sơ nộp vào cũng giảm 10% so với năm ngoái. Theo bộ phận tuyển sinh các trường này, những con số này sẽ tiếp tục giảm vì sẽ có nhiều HS thi đậu ĐH, CĐ. Đến giờ chót, có thể một số trường chỉ gọi được 60% - 70% HS vào học.
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã mở rộng quy chế tuyển sinh hệ trường nghề để khuyến khích HS, như cho phép các trường được xét tuyển mà không cần thi tuyển nếu số HS ĐKDT không vượt quá 150% chỉ tiêu được giao; một số trường HS chỉ cần nộp hồ sơ là có thể được tuyển; các trường còn được phép xét tuyển kéo dài đến cuối tháng 8…
Nhưng kết quả khảo sát nguyện vọng của HS tại các trường THPT khu vực TP Hồ Chí Minh cho thấy ở nội thành chỉ có hơn 1% HS có nguyện vọng vào trường THCN và Công nhân kỹ thuật, vùng ven chỉ trên 10%.
Tốt nghiệp THCN dễ có việc làm, cửa vào trường nghề rộng mở nhưng vì sao các trường nghề chưa thu hút HS?
Liên thông: Vẫn chưa... thông!
Cô Đặng Thị Thùy Linh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, trong đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường chuyên nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” đã phân tích một vấn đề bức xúc lâu nay của các trường THCN tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, nhân lực từ các trường nghề ít được xã hội chấp nhận, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật. HS các ngành may, cơ khí, điện… sau khi tốt nghiệp theo quy định sẽ đạt bậc thợ 2/7, trong khi họ không được đào tạo như bậc thợ của công nhân.
Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, đây là hậu quả của một chương trình đào tạo khô cứng, chậm đổi mới, thậm chí gây lãng phí thời gian và công sức người học.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường TH Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, cho rằng: “Hiện nay, mục tiêu đào tạo của nhiều ngành nghề vẫn chưa phù hợp với nhu cầu xã hội, nếu có, chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự thống nhất chỉ đạo của cấp quản lý”.
Yếu tố quan trọng là việc hướng nghiệp trong các trường phổ thông dường như bị lãng quên, HS thiếu thông tin về ngành học, về cơ hội việc làm và giá trị của ngành học. Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp tích cực để thu hút HS vào trường nghề: đào tạo liên thông – chương trình mang tính kế thừa, giúp người học có thể học chuyển tiếp từ THCN lên cao đẳng hoặc đại học.
Tuy nhiên, theo nhiều trường THCN, việc triển khai thí điểm đào tạo liên thông hiện vẫn chưa phù hợp với thực tế các trường. TP Hồ Chí Minh có hai trường được đào tạo liên thông là trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và ĐH Bán công Tôn Đức Thắng nhưng chủ yếu liên thông dọc trong nội bộ của trường, do số lượng tuyển quá ít. Năm nay, cánh cửa liên thông rộng mở hơn với việc tuyển HS các trường khác nhưng HS lại phải qua kỳ thi không khác gì thi đại học, từ bồi dưỡng kiến thức đến ôn tập để “chuẩn hóa” theo chương trình đào tạo của trường được liên thông.
Liên thông là con đường ngắn nhất để HS học lên cao, một hướng đi thành công ở nền giáo dục nhiều nước, nhưng vì sao chúng ta lại không đạt được hiệu quả khi thực hiện? T.S Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay chương trình đào tạo ở trường nghề mỗi trường mỗi kiểu, vì bộ chưa ban hành chương trình khung cho tất cả các ngành.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan xóa được đói nghèo là nhờ tầng lớp lao động có chất lượng.
Theo ông Nghĩa, “nếu như chúng ta không đổi mới ngay từ lúc này và áp dụng cơ chế phân luồng một cách khoa học, thì 10 năm nữa chúng ta cũng không thể đưa ngành GDCN phát triển”.
Mong muốn phát triển mạng lưới trường THCN đáp ứng được yêu cầu của xã hội, điều tiên quyết là ngành GD-ĐT phải xem xét lại chương trình đào tạo thống nhất ở các trường, có những dự án đầu tư để nâng cao chất lượng bậc học này.
|