Tắc đầu ra, nhiều làng nghề phá sản
Các Website khác - 08/12/2008

Cùng cảnh với ngành mây tre đan xuất khẩu ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Đông (Hà Nội), ngành đồ gỗ của làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng tụt giảm lớn lượng hàng xuất khẩu. Trên 100 doanh nghiệp và 1.700 hộ sản xuất phôi thép và thép làng nghề Đa Hội (Bắc Ninh) cũng đang trong cảnh "méo mặt" .


Nhân công làng Đồng Kỵ đang đánh ráp các sản phẩm gỗ. Ảnh: N. Quyết

Theo báo cáo của Bộ NN- PTNT, hàng thủ công mỹ nghệ ở VN chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến các mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu như đồ gỗ, sơn mài, đúc đồng, chạm khắc, tranh thêu, cói... bị tắc đầu ra và nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản.

Xuất khẩu giảm 90%

Huyện Chương Mỹ, TP Hà Đông (Hà Nội) có cả trăm doanh nghiệp, cơ sở và hàng vạn hộ sản xuất đồ mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu, thu về hàng chục triệu USD mỗi năm. Nhưng từ nửa năm trở lại đây, cảnh tấp nập xe container ra vào đóng hàng đi xuất khẩu tại các xã Phú Nghĩa, Chương Yên, Đông Phương Yên... đã không còn do thị trường bế tắc. Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ doanh nghiệp mây tre đan Hiền Dương (Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ), đứng giữa gian nhà xưởng trống rỗng than thở: “Từ 6 tháng nay, cơ sở chỉ duy trì sản xuất bữa đực, bữa cái. Nhưng cũng không trụ nổi nên hiện nay đã ngừng hẳn. Tính từ đầu năm đến giờ, doanh thu của cơ sở chỉ được hơn 1 tỉ đồng, trong khi năm 2007 trên 5 tỉ đồng”.

Ông Phạm Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan xuất khẩu Hà Tây, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lượng đơn đặt hàng ít dần theo thời gian và ước tính hết năm 2008, lượng hàng xuất khẩu đã giảm 90% so với năm ngoái”. Theo ông Khánh, mất đầu ra, nhiều doanh nghiệp không linh hoạt chuyển đổi mặt hàng để dễ tiêu thụ, lại vay vốn ngân hàng lãi suất cao nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng cảnh với ngành mây tre đan xuất khẩu, ngành đồ gỗ của làng Đồng Kỵ (phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng Kinh Bắc cũng tụt giảm lớn lượng hàng xuất khẩu. Ông Vũ Đức Tốn, Giám đốc DNTN Tốn Hoài, rầu rĩ cho biết 70% mặt hàng của Đồng Kỵ chủ yếu xuất sang Trung Quốc với mỗi đơn hàng lên tới cả trăm sản phẩm. Nhưng nửa năm nay, số lượng hàng giảm xuống một nửa.

Sáng mở mắt ra là mất vài trăm triệu đồng

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sự “đóng băng” của thị trường trong nước cũng làm cho hàng chục làng nghề tụt giảm sản lượng nghiêm trọng. Trên 100 doanh nghiệp và 1.700 hộ sản xuất phôi thép và thép làng nghề Đa Hội của phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đang trong cảnh “méo mặt”.

Đứng trước đống thép đang mất giá, bà Phạm Thị Mai (chủ một lò luyện phôi thép ở Đa Hội) than: “Chú thử tính xem, gia đình tôi có 200 tấn phôi trị giá 1,8 tỉ đồng, cộng thêm 360 triệu đồng cho phí sản xuất là 2,16 tỉ đồng nhưng bán ra chỉ được 1,1 tỉ đồng, lỗ hơn 1 tỉ đồng. Đến bao giờ mới thu lại được”.

Ông Dương Quang Sắc, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Khê, ví von: “Ở Đa Hội, nhiều hộ sản xuất, buổi sáng mở mắt chưa kịp làm gì đã mất vài trăm triệu đồng vì giá thép giảm. Mức giảm từ 16.000 đồng/kg xuống 8.000-9.000 đồng/kg trong những tuần vừa qua, với quy mô hàng ngàn tấn thép, các doanh nghiệp làng nghề, cơ sở sản xuất khóc ròng”. Theo ông Sắc, do không khéo chèo chống trong hoàn cảnh khó khăn, đã có doanh nghiệp phá sản.

Tương tự các hộ sản xuất phôi thép và thép làng nghề Đa Hội, đặc sản long nhãn (chế biến từ nhãn lồng) ở Hưng Yên cũng đang xuống giá kỷ lục. Ông Nguyễn Văn Long, chủ một lò sản xuất long nhãn, chia sẻ: “Từ đầu năm, giá xăng dầu tăng cộng thêm giá nhân công leo thang, lãi suất ngân hàng cao làm cho đầu vào chế biến long nhãn tăng vọt trong khi nhu cầu thị trường sụt giảm lớn. Trước tình cảnh này, hàng loạt cơ sở chế biến long nhãn ở Hưng Yên phải ngưng sản xuất”.

50% doanh nghiệp làng nghề phá sản ?

Theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN: “Năm 2007, các doanh nghiệp làng nghề VN chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 714 triệu USD nhưng có đóng góp cực kỳ quan trọng là tạo công ăn việc làm cho 10 triệu lao động nông thôn. Việc giải quyết công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho lực lượng lao động lớn như vậy đã góp phần giải quyết vấn đề an ninh chính trị - xã hội, tệ nạn xã hội và đời sống văn hóa nông thôn...”. Cũng theo ông Dần, trước tình cảnh khó khăn như hiện nay, nếu không có hỗ trợ kịp thời thì cuối năm 2008, sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp làng nghề phá sản và hậu quả sẽ rất khó lường.

M.Việt

Thế Dũng - Nguyễn Quyết.