Đi xuất khẩu lao động về: Có tay nghề cũng không dễ xin việc
Các Website khác - 26/09/2008

 

 

Hanoinet - Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 45.000 người đi XKLĐ, trong đó khoảng gần 15.000 người làm việc trong các nhà máy. Và mỗi năm cũng có hàng chục ngàn lao động hết hạn trở về nước. Ngoài số tiền tích lũy mang về, họ có tay nghề khávững vàng nhưng kiếm được một công việc ổn định trong nước lại không hoàn toàn dễ dàng.

 

Cao không tới, thấp không đành

 

Anh Đạt (quận Đống Đa), là công nhân ở một nhà máy dệt may ở Hà Nội, đi XKLĐ sang Nhật. Qua ba năm làm việc, anh về với một số vốn không nhỏ nhưng cũng chỉ đủ mua được căn hộ chung cư cũ và sắm một số thiết bị trong nhà . Anh cũng tính đến việc quay lại nghề cũ nhưng với tay nghề hiện có, anh không đành lòng chấp nhận làm công nhân với mức lương khởi điểm quá thấp. Tuy nhiên vì chẳng có bằng cấp gì, nên cũng không thể xin được vào làm quản lý hay lao động kỹ thuật. Mọi chuyện với anh ở trong tình trạng "cao không tới, thấp không đành lòng". Vốn liếng cũng không đủ để mở cửa hiệu hay buôn bán.

Trường hợp của chị An (quận Cầu Giấy) cũng không khác mấy. Trước kia chị làm công nhân Nhà máy dệt 8/3, sau khi đi XKLĐ, ngoài số tiền tích góp được chị cũng có tay nghề khá tốt. Hơn nữa, khi ở nước ngoài chị cũng đã từng được đề bạt làm tổ trưởng, nhưng về nước cả mấy năm rồi chị vẫn không thể đi làm. Bởi nếu xin làm công nhân dệt may thì chị đã quá tuổi, lại thừa kỹ năng tay nghề, vị trí trưởng chuyền hay tổ trưởng lại không thể chen vào được.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐTB&XH, chỉ có 20% số lao động hàng năm hết hạn về nước có việc làm ổn định. Giải thích cho con số này, một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, thực tế cho thấy nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về không có ý định tìm việc tại các doanh nghiệp trong nước bởi mức lương quá thấp. Nhiều người trong số đó có ý định quay trở lại nước ngoài (kể cả bằng con đường bất hợp pháp).

 

Thiếu một kế sách cụ thể

 

Hiện các doanh nghiệp ở trong nước đang thiếu hụt một lượng lớn lao động có tay nghề cao. Đơn cử như mỗi phiên giao dịch việc làm của Hà Nội, lượng chỉ tiêu tuyển lao động là công nhân kỹ thuật luôn ở mức từ 1500-3000 mỗi phiên, nhưng lượng tuyển được chỉ tính bằng trăm. Trong khi đó, một lượng đông đảo người lao động đi XKLĐ có được trình độ kỹ thuật, có nếp sống công nghiệp lại chưa được chú ý tới. Nếu tuyển dụng số lao động này vào làm việc cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì đỡ tốn thời gian và chi phí đào tạo lại. Nhưng đúng như nhiều lãnh đạo các công ty XKLĐ khẳng định, những người đi XKLĐ về nước, phần lớn họ lại tiếp tục làm hồ sơ đi lao động tiếp ở nước ngoài. Còn một số người có kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp trong nước cần đến họ, nhưng cả doanh nghiệp và người lao động đều không thể tìm đến với nhau do thiếu thông tin và kế sách cụ thể. Hiện không có một cơ quan, đơn vị, tổ chức nào nắm được chính xác con số người lao động đi XKLĐ đã về là bao nhiêu. Hiện nay họ làm gì, cuộc sống ra sao? Những người đi XKLĐ có chuyên môn, tay nghề thì nay sử dụng tay nghề, chuyên môn đó như thế nào?

 Những năm qua, trong định hướng giải quyết việc làm của Hà Nội cũng có nhắc tới việc các ngành nên chú ý đến lượng lao động sau khi XKLĐ trở về nhưng cũng chỉ dừng ở định hướng chung thôi, ngành lao động vẫn chưa có chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả. Và trong khi các doanh nghiệp trong nước thiếu lao động, hàng vạn lao động có tay nghề lại không tìm được việc làm hoặc chưa được trọng dụng đúng. Nên chăng cần có một doanh nghiệp giới thiệu việc làm làm “bà mối” chuyên sâu.


 

Vũ Minh