Tiền Lương Trong Đêm
Các Website khác - 22/04/2008
   

 

Công nhân đang xếp hàng chờ rút tiền ở KCN VN - Singapore - Ảnh: Bảo Thiên
Tùng quyết định chạy tiếp xuống chỗ bùng binh cầu sắt... Tới nơi thấy không có ai, ba người mừng rỡ. Hí hửng đẩy cửa bước vào thì trên máy có dòng chữ: "Xin lỗi! Máy đang bảo trì". Chị Thùy tức muốn hét lên. Chị lo cho đứa con gái quá. Nó mới 4 tuổi mà ở nhà một mình giờ này chắc là khóc nhiều lắm. Nhưng điều đáng lo là không rút được tiền trong đêm nay thì mẹ con chị lấy gì mua thức ăn. Hồi sáng chủ nợ đã tới chì chiết. Chị hứa sẽ trả trong đêm nay. Nhưng bây giờ đã gần 12 giờ đêm...

1. 22 giờ đêm, cả ngàn công nhân của Công ty Esquel (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, tỉnh Bình Dương) ùa ra cổng. Họ chạy như điên. Chị Nguyễn Thị Kiều (Hà Tĩnh) chạy bộ thình thịch, chị Nguyễn Thị Thùy (Thanh Hóa) kéo xe đạp xoành xoạch, còn anh Lê Văn Tùng (Thanh Hóa) lại cong người đẩy xe máy...

Họ chạy đi rút tiền từ máy ATM vì hôm nay là ngày lãnh lương. Chúng tôi cũng chạy theo họ, tưởng là đến sớm, nào ngờ trước trạm ATM đã có hàng người dài đến mấy chục mét. Anh Tùng quệt mồ hôi dựng chiếc xe máy trước cổng rồi chen vô giữa hàng. Một người phụ nữ to béo kéo cổ áo Tùng hét: "Chơi gì kỳ vậy, cút xuống dưới đi!". Tùng ngó nghiêng rồi lẻn ra sau cùng. Nhưng khi vừa đứng vào hàng thì anh bảo vệ chĩa cái bộ đàm về phía Tùng: "Dắt xe đi chỗ khác!". Tùng gãi đầu rồi ra dắt xe nhưng vừa đi vừa ngoảnh lại, cái hàng đang mỗi lúc một dài ra... Tùng chạy xe một vòng mà không biết gửi đâu cho an toàn. Đây rồi, em gái chị Kiều - ở cùng nhà trọ với Tùng - đi đón chị đang đứng phía bên kia đường. Tùng tấp vào, gạt chân chống, chỉ vào xe rồi co giò lẫn vào đám đông mất dạng. Cô bé kia nhảy khỏi yên xe hét theo: "Chị em xong trước là em về đó!".


Chị Trần Thị Hải mừng rỡ khi rút được tiền
Tùng chạy đi tìm chỗ chị Thùy và chị Kiều đứng. Hai người nhích ra cho Tùng đứng vào giữa. Những người phía sau phẫn nộ la ó lên. Tùng gãi đầu ngoái lại nhưng khi thấy phía sau mình còn cả mấy trăm người thì "thôi, mặc kệ, chửi có nhằm nhò gì!".

23 giờ, một cô gái trắng bóc vào buồng rút tiền. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, cô ta vẫn còn loay hoay trong đó. Tiếng chửi thề bắt đầu vang lên: "Cái con nhỏ điệu đó ở Line 2, đẹp thế mà ngu"; "Nè, không biết rút thì ra cho người khác vào"; "Mẹ kiếp, nó tranh thủ trang điểm ở trong hay sao mà lâu thế!"... Cô gái đẩy cửa ló đầu ra nhăn nhó. Một cô bạn hiểu ý bước vào. Một lúc sau cô nàng xinh đẹp nước mắt ngắn dài đi ra, trong tài khoản của cô chưa có tiền.

Mọi người "Ồ" lên! Họ nói với nhau là không biết mình có xui như thế không. Nhưng khi thấy mấy người đứng trước vẫn rút bình thường thì họ yên tâm.

Tới lượt một phụ nữ ẵm đứa con trai còi cọc. Một phút sau chị đẩy cửa bước ra, đưa tay lên lắc lắc, có ý bảo là máy đã hết tiền. Mọi người "á" lên một tiếng rồi quay ra lấy xe chạy tán loạn. Nhóm thì ra QL 13, nhằm hướng Thị xã Thủ Dầu một mà phóng, nhóm khác lại rẽ về phía chợ Lái Thiêu.

2. Đó là cảnh thường xuyên xảy ra ở Công ty Esquel và các công ty trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore vào các ngày lãnh lương. Công ty Esquel liên kết với Ngân hàng Đông Á trả lương cho công nhân qua thẻ ATM. Tuy mồng 5 mới đến ngày lãnh lương nhưng từ mồng 3 công ty đã chuyển tiền vào tài khoản cho công nhân. Tuy nhiên vì cuộc sống của họ quá thiếu thốn, tiền lương đầu tháng không đủ trang trải đến cuối tháng. Hiện nay, tất cả công ty trong các khu công nghiệp đều trả tiền lương cho công nhân bằng hình thức này. Đây là cách làm mới, giúp công nhân có nơi cất tiền an toàn và khi cần thì họ có thể rút bất cứ lúc nào. Nhưng không phải công nhân nào cũng có điều kiện để "ngâm" tiền trong tài khoản, nên phải chịu cảnh chạy hàng chục cây số trong đêm khuya để rút tiền.

Chị Trần Thị Hải, quê Đắk Lắk, làm ở Công ty TNHH Proceeding, đang trọ ở Lái Thiêu. Công ty của chị liên kết với Vietcombank để trả lương cho công nhân qua hệ thống máy rút tiền tự động. Công ty này chỉ làm giờ hành chính nhưng tới ngày lãnh lương thì có khi đến khuya mới rút được tiền. Đó là những người có số may mắn. Còn những người "xui như Hải" thì phải chờ thêm 4 đến 5 ngày mới có thể cầm được tiền trong tay. Công ty của Hải chỉ có mấy trăm công nhân nhưng tháng nào cũng phải chờ như nắng hạn chờ mưa.

Hải bảo là thích cách trả tiền "thủ công" như trước đây. Vì tiền chỉ có ba cọc ba đồng mà chờ đến mấy ngày mới có. So với các ngân hàng khác thì hệ thống máy rút tiền của Vietcombank có vẻ nhỉnh hơn. Nhưng với số lượng công nhân đông như hiện nay, số máy đó vẫn không đáp ứng nổi. Vì thế, tới Khu công nghiệp vào các ngày "trọng đại" này, nhiều người sẽ nhầm tưởng ở đây đang xảy ra một cuộc đình công ghê gớm. Công nhân xếp hàng rồng rắn từ đường này qua đường khác. Người rút được tiền thì nhảy lên vui mừng hớn hở. Kẻ phải trở về tay không thì mặt mũi bơ phờ, thất vọng.

Ông Huỳnh Phong Hào - Phó giám đốc Vietcombank TP.HCM thì nói rằng, trước đây cứ ngày lãnh lương, công nhân rất sợ bị cướp, đặc biệt là ca đêm. Rồi tiền về cứ lận túi quần hoặc bỏ vào va ly nên dễ bị rơi, dễ bị lấy trộm. Vì thế, bỏ tiền qua thẻ ATM là hết sức an toàn và tiện lợi. Trước khi hợp tác với các doanh nghiệp, phía ngân hàng và công ty đã có buổi tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn công nhân sử dụng thẻ. Xảy ra tình trạng "ùn tắc" như hiện nay là do công nhân quá cần tiền, còn công ty thường chuyển tiền cho công nhân trước ngày lãnh lương 1 hoặc 2 ngày.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vấn đề là công nhân thì quá đông, lượng thẻ tăng lên quá nhiều trong khi máy ATM thì... lâu lâu mới mọc thêm 1 cái! Và cũng có một thực tế rằng, công nhân chỉ sử dụng máy rút tiền một hoặc hai lần trong tháng nên giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần có một biện pháp thích hợp nhằm làm giãn cách ngày trả lương cho công nhân để tránh tình trạng "ùn tắc" như hiện nay. Những người làm ca 1 (6 giờ đến 14 giờ) hay làm giờ hành chính thì còn đỡ, chờ 4 đến 5 tiếng đồng hồ họ cũng sẵn sàng. Nhưng những người làm ca 2 (14 giờ đến 22 giờ) thì mới bi đát. Không phải họ không nghĩ đến phương án rút tiền ngay vào buổi sáng ngày lãnh lương nhưng rất hiếm công ty chuyển tiền cho công nhân trước thời hạn.

3. Nhóm của Tùng quyết định về chỗ phòng giao dịch huyện Thuận An, nơi đó cũng đặt một máy rút tiền tự động của Ngân hàng Đông Á. Chị Kiều thì có em gái chở, còn chị Thùy thì vịn tay vào vai Tùng để cậu đẩy cho nhanh.

Nhưng, khi mọi người đến nơi thì hàng cũng đã dài cả chục mét. Tùng quyết định chạy tiếp xuống chỗ bùng binh cầu sắt, ở đó cũng có một máy. Tới nơi thấy không có ai, ba người mừng rỡ. Hí hửng đẩy cửa bước vào thì trên máy có dòng chữ: "Xin lỗi! Máy đang bảo trì". Chị Thùy tức muốn hét lên. Chị lo cho đứa con gái quá. Nó mới 4 tuổi mà ở nhà một mình giờ này chắc là khóc nhiều lắm. Nhưng điều đáng lo là không rút được tiền trong đêm nay thì mẹ con chị lấy gì mua thức ăn. Hồi sáng chủ nợ đã tới chì chiết. Chị hứa sẽ trả trong đêm nay. Nhưng bây giờ đã gần 12 giờ đêm...

Còn Kiều thì buồn rười rượi, đêm nay mà không có tiền coi như mấy chị em... đói. Ba đứa em của Kiều đang "trơ mỏ" chờ cô về. Cả tuần nay họ chỉ ăn mì gói trộn với rau muống trừ bữa. Thằng em trai của Kiều cũng là công nhân nhưng giữa tháng mới được lãnh lương, còn hai cô em gái làm bảo mẫu cho một trường mầm non tư thục cũng phải chờ tới ngày 10. Một tháng, 4 chị em làm cật lực cao nhất cũng chỉ được 4 triệu đồng. Chừng đó chẳng thấm vào đâu với "đại dịch" bão giá này.

Tùng bảo là trên Thủ Dầu Một có nhiều máy rút tiền của Ngân hàng Đông Á lắm, lên đó thử xem. Chị Thùy lại vịn vai Tùng quay xe tiến về hướng Thủ Dầu Một. Đã khuya nhưng ở máy nào cũng có người xếp hàng chờ. Sau khi dạo mấy vòng thì họ cũng rút được tiền. Tùng mừng rỡ bảo "lần sau kinh nghiệm, cứ chạy thẳng lên đây là chắc ăn nhất".