Trung tâm Giáo dục & Dạy nghề thiếu niên TPHCM- Nơi mở lối vào đời
Các Website khác - 12/09/2009

Các em đều có những hoàn cảnh xuất thân khác nhau như mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, bị gia đình từ bỏ hoặc gởi vào các cơ sở xã hội... Ký ức tuổi thơ đầy những tỳ vết. Thế nhưng, khi được đến sống, học văn hóa, học nghề dưới mái trường nhân đạo này, với sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô mà các em thân thương gọi là bố, là mẹ, cánh cửa tương lai đã được mở ra…

 

Các nữ học viên của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề Thiếu niên TPHCM trong giờ học nghề làm tóc. Ảnh: KỲ VỌNG

Hỏi chuyện về các em, cô Nguyễn Thị Lài, Phó phòng quản lý học viên – phụ trách bộ phận tham vấn của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề thiếu niên TPHCM (TTGD-DNTNTP), kể: “Đa phần các em, khi mới được đưa đến đây, đều có những tính cách, thái độ rất dễ gây khó chịu cho mọi người, nhưng chúng tôi hiểu vì sao các em lại trở nên như vậy. Chúng tôi phải bắt đầu bằng việc nắm bắt tâm lý các em, bằng tình thương, sự dạy dỗ kiên trì, nhẫn nại, thậm chí phải “đánh vật” với những em ngang bướng nhất. Cuối cùng, qua thời gian các em đã chuyển hóa rất tốt, biết tự chăm sóc cho mình, biết nghe lời dạy dỗ của thầy cô, học nghề và học văn hóa chăm chỉ. Chúng tôi xem đó là niềm vui của mình”. Thầy Nguyễn Chính Quyền, cán bộ phụ trách đào tạo, một trong những “ông bố” gắn bó hơn 20 năm ở TTGD-DNTNTP cũng rất hồ hởi khi nói về sự tiến bộ của những “đứa con” của mình: “Hiện tại hơn 200 em học viên tại trung tâm đều chấp hành nề nếp, kỷ luật của trung tâm rất tốt, nhiều em học tập văn hóa và học nghề đạt loại khá giỏi”.

Để chứng minh điều mình nói, thầy Quyền dẫn chúng tôi đi thăm dãy nhà học văn hóa (từ lớp 1 đến lớp 9) và học nghề (may, điện tử, điện lạnh, làm tóc…) nằm phía sau văn phòng và bên trái khuôn viên trung tâm.

Lúc này đang giờ lên lớp, các em đang chăm chú nghe giảng bài, một số em đứng lên phát biểu rất rành mạch và rõ ràng các câu hỏi, tình huống mà giáo viên đưa ra. Bước vào thăm lớp dạy nghề uốn tóc, chúng tôi thấy có đến 6, 7 em nữ đang đứng quây quần bên giáo viên. Các cô gái trẻ (tuổi đời mới chỉ 15, 16) lắng nghe từng lời truyền dạy về kỹ năng khi thiết kế một kiểu tóc theo yêu cầu của khách. Mắt các em nhìn như dán vào đôi tay khéo léo, uyển chuyển của người thầy đang lướt trên từng lọn tóc của một bạn học viên làm mẫu.

Em Lê Thị Mỹ Nhàn (14 tuổi), được chuyển đến từ Trại Nuôi trẻ mồ côi Tam Bình, nói rất lễ phép: “Ở đây các thầy cô chăm sóc và dạy dỗ tụi con rất tận tình và rất thương tụi con. Tụi con học làm tóc mới mấy tháng nhưng đã làm được những kiểu cơ bản và nâng cao”.

Còn em Huỳnh Thị Diệu Mai (15 tuổi), trước đây là một trẻ lang thang cơ nhỡ, thì nói về mong ước của mình: “Con mong muốn sẽ luôn được thầy cô thương yêu, quan tâm dạy dỗ để khi lớn lên con sẽ làm được công việc và sống như mọi người”. Cô Lê Thị Thúy, Phó giám đốc TTGD-DNTN, khẳng định: “Ở đây chúng tôi dạy dỗ các em không phải bằng hình phạt mà bằng tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm cao và hơn hết là bằng lương tâm và tình người”.

Trực thuộc Sở LĐ-TBXH, trung tâm được thành lập từ năm 1993, là tiền thân của Trường Thiếu niên III, đến nay vừa tròn 15 năm. Ngoài chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục và dạy nghề cho trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang từ 5 đến 15 tuổi, trung tâm còn quản lý và tổ chức hoạt động của các “nhà chuyển tiếp” (nơi sống và sinh hoạt của các em phấn đấu tốt) nhằm tạo đầu ra tiếp cận và hòa nhập vào đời sống xã hội cho thiếu niên từ 16 tuổi trở lên.

Vào các ngày thứ năm và chủ nhật hàng tuần, các nhân viên tham vấn của trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc với gia đình học viên, mục đích để tư vấn giúp gia đình cải thiện tốt mối quan hệ với các em để sau này khi hồi gia các em không quay lại đường phố nữa.

Mai Nguyễn