Cuối năm 2008, gần 1.000 công nhân (CN) Công ty Nissei Electric VN (Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM) đã nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do, công ty thua lỗ, thu nhập của CN ngày càng giảm không lo nổi cuộc sống đắt đỏ hiện nay.
|
Rau các loại là thức ăn thường xuyên của công nhân (ảnh chụp công nhân đi chợ tại KCN Tân Tạo, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D. |
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng TP.HCM, ông Toshiyuki Fujita, tổng giám đốc Công ty Nissei Electric, bộc bạch: “Tình hình quá khó khăn, chúng tôi phải kêu gọi CN nghỉ việc để giảm chi phí tiền lương. Tiền lương quá thấp nên sau Tết Nguyên đán vừa qua, 500 CN khác không quay trở lại”.
Tại Công ty Trường Lợi (Khu công nghiệp Bình Chiểu, TP.HCM), 200 CN cũng đã bỏ việc. Nhiều CN cho rằng với mức thu nhập chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng thì khó mà “bám trụ” cùng công ty lâu hơn. Tương tự, hàng trăm CN của Công ty Nidec Tosok, Nidec Copal (Khu công nghiệp Tân Thuận, TP.HCM) cũng đã nghỉ việc bởi thu nhập thấp.
Giảm lương, tăng ca
Phó trưởng phòng nghiên cứu đô thị - Viện Nghiên cứu kinh tế, thạc sĩ Lê Văn Thành: Mức lương hiện nay đã lạc hậu so với thị trường. Hầu hết doanh nghiệp ở các KCX - KCN hiện đang trả lương cho CN với mức sàn tối thiểu mà Nhà nước quy định. Chưa kể nhiều doanh nghiệp còn trốn tránh các chế độ phúc lợi của người lao động theo quy định pháp luật. Tổng kết của BHXH TP.HCM vừa qua có hàng chục doanh nghiệp trốn BHXH, BHYT lên đến tiền tỉ. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân làm đời sống công nhân thêm khó khăn. |
Tại nhiều doanh nghiệp khác, việc xây dựng đơn giá tiền lương hoàn toàn do doanh nghiệp tự ấn định, miễn sao thu nhập của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu quy định. Chính từ việc này mà doanh nghiệp có thể yêu cầu CN tăng ca bất cứ lúc nào. Một nữ CN tại Xí nghiệp May Nhà Bè thuộc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết: cả tuần luôn bị buộc tăng ca, thậm chí cả ngày chủ nhật nhưng tiền lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Đơn giá sản phẩm thấp nên muốn đảm bảo được cuộc sống CN phải làm việc cật lực ngày đêm.
Chị Mai Thị Nhung, CN Công ty may KV (Q.7, TP.HCM), cho biết: đơn giá tiền lương tự công ty tính, không công khai cho CN nên hằng tháng công ty trả lương như thế nào CN biết vậy. Thậm chí ngay cả việc tăng ca, công ty có trả tiền phụ trội theo quy định không cũng không được rõ.
Một “kỹ thuật” hết sức vô lý mà các doanh nghiệp hay áp dụng là khi trả lương sản phẩm mà tiền lương của CN cao, thì có doanh nghiệp âm thầm hạ đơn giá tiền lương.
Chỉ 550/968 doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương
Để ngăn ngừa việc doanh nghiệp tùy tiện áp chế tiền lương của CN, pháp luật lao động quy định khi hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng thang, bảng lương và đăng ký với cơ quan lao động. Tuy nhiên, theo số liệu của Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, tại 13 khu chế xuất, khu công nghiệp có 968 doanh nghiệp đang hoạt động, đến nay chỉ có 550 doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương.
Mặt khác, pháp luật quy định khoảng cách giữa các bậc lương không được thấp hơn 5% đã tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng khống chế mức lương của người lao động làm việc lâu năm. Hầu hết doanh nghiệp khi xây dựng thang, bảng lương thì bậc lương đầu tiên tương đương mức lương tối thiểu (tại TPHCM, khoảng 1,2 triệu đồng đối với doanh nghiệp nước ngoài).
Nếu mỗi năm nâng lương một lần (5%) thì sau 10 năm làm việc, mức lương của người lao động cũng chưa đến 2 triệu đồng. Điều này là đúng luật và các cơ quan chức năng cũng không thể can thiệp. Chỉ có người lao động là thiệt thòi, dù nỗ lực đến đâu thì mức thu nhập cũng không được cải thiện đáng kể.
Theo Tuoi Tre Online
▪ FPT tuyển 5.000 tư vấn viên (24/02/2009)
▪ Hà Tĩnh: Thêm một lao động Việt Nam bị sát hại tại Malaysia (23/02/2009)
▪ Hà Tĩnh: Thêm một lao động Việt Nam bị sát hại tại Malaysia (23/02/2009)
▪ Doanh nghiệp xuẩt khẩu lao động đề nghị:Sử dụng quỹ rủi ro để hỗ trợ lao động mất việc về nước (23/02/2009)
▪ Liên kết cung cấp bữa ăn cho công nhân (23/02/2009)
▪ XKLĐ: Bao giờ hết phí “ngoài luồng”? (21/02/2009)
▪ Công nhân “chân đất” thời lãn việc: Tìm lối ra trong “bão” (21/02/2009)
▪ Bi kịch xuất khẩu lao động thời khủng hoảng (20/02/2009)
▪ Thưởng 500.000 đồng cho công nhân lành nghề đến xin việc (19/02/2009)
▪ Doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương công nhân (19/02/2009)