“Hàng xóm nói mẹ em đang đi gặt, chút nữa em sẽ gọi lại - chị Thái Thị Hiếu (quê Thái Bình), công nhân Công ty Hamlin, hồ hởi khoe - Đâu phải lúc nào cũng được gọi điện thoại miễn phí về nhà!”.
![]() |
Công nhân đăng ký xin việc làm tại phiên chợ vui -Ảnh: N.NAM |
Biết tin hôm nay có chương trình bán hàng giảm giá, xem ca nhạc và gọi điện miễn phí về quê nên chị tranh thủ vừa tan ca là ghé tham dự.
Nhiều niềm vui như vậy đã xuất hiện trên gương mặt của các bạn công nhân tại “Phiên chợ vui” lần 2-2009 do Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM phối hợp với Đoàn các Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 24-4 tại Khu chế xuất Linh Trung 1. Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty Kollan, cho biết đến phiên chợ này để học thêm một kỹ năng nào đó và tìm xem có gì mới không. Nhiều sinh viên (SV) cũng đến phiên chợ để tìm cho mình một cơ hội việc làm. Nguyễn Thị Hồng Thúy, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho hay mấy ngày nay đến đây tìm việc làm thêm, vừa miễn phí vừa hiệu quả, bởi khi nộp đơn xin việc tại các trung tâm giới thiệu việc làm nhiều khi không thấy việc đâu mà lại mất tiền.
Một doanh nghiệp uy tín đứng ra thu thập hồ sơ công nhân mất việc, lưu trữ trên phần mềm rồi sau đó tiếp cận công nhân để giới thiệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu, với nguyên tắc không thu phí người lao động, đã làm công nhân yên tâm hơn cho cái “thân phận” hồ sơ của mình. Nhiều công ty khác giới thiệu các ngành nghề “không mới mà mới” như bảo mẫu giúp mẹ chăm con, hộ lý chăm sóc bệnh nhân, quán xuyến việc nhà...
Họ đưa ra chương trình đào tạo nghề miễn phí hoặc được hỗ trợ 50% học phí cùng các hình thức hỗ trợ học bổng khác. Công nhân sau khi qua đào tạo được công ty giới thiệu việc làm, được bảo đảm quyền lợi theo Luật lao động. Bà Phạm Thu Ba, cộng tác viên cho Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, tỏ ra khá trăn trở khi lực lượng “ôsin” từ nước khác đổ về TP.HCM làm việc với mức lương cao ngất ngưởng, trong khi nguồn “ôsin” trong nước không thiếu người nhưng lại thiếu kỹ năng, ngại đi học.
“Cho trẻ bú, đỡ người già đứng dậy, quét nhà... đều phải học để làm đúng cách. Người nước ngoài khi thuê người giúp việc họ đòi hỏi ít nhất phải trải qua quá trình thử việc, và nhiều “ôsin” chúng ta không qua nổi giai đoạn này để được ký hợp đồng” - bà Phạm Thu Ba nói.
Ông Trần Minh Trọng, giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, cho biết Phiên chợ vui lần 2 này thật sự hữu ích và thiết thực với công nhân. Ở đây họ được tiếp cận với nhiều thông tin có lợi cho nghề nghiệp của mình. Quan trọng hơn là tạo được niềm tin của công nhân đối với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ công nhân.
Lợi ích từ những phiên chợ vui như vậy chắc chắn không thể đến hết với toàn bộ giới công nhân nhưng hiệu quả lan tỏa là có thật. Hoạt động làm “bà mối” cho công nhân này vừa giúp công nhân liên kết với các đơn vị hỗ trợ, vừa giúp những nhà quản lý nhận ra công nhân - lao động phổ thông của ta đang thật sự muốn gì và còn thiếu những kỹ năng gì.
N.NAM
▪ Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội thành phố Cần Thơ tổ chức dạy nghề và hỗ trợ vốn cho người hoàn lương và NCH. (21/04/2009)
▪ Ai sẽ giành được mức lương 100 ngàn USD/6 tháng? (18/04/2009)
▪ Vỡ mộng làm ca sĩ (18/04/2009)
▪ Hà Nội: Khoảng 45.000 lao động mất việc trong năm 2009 (13/04/2009)
▪ FPT tuyển 5.000 tư vấn viên (24/02/2009)
▪ Lương: tùy “hảo tâm” của doanh nghiệp?! (24/02/2009)
▪ Hà Tĩnh: Thêm một lao động Việt Nam bị sát hại tại Malaysia (23/02/2009)
▪ Hà Tĩnh: Thêm một lao động Việt Nam bị sát hại tại Malaysia (23/02/2009)
▪ Doanh nghiệp xuẩt khẩu lao động đề nghị:Sử dụng quỹ rủi ro để hỗ trợ lao động mất việc về nước (23/02/2009)
▪ Liên kết cung cấp bữa ăn cho công nhân (23/02/2009)