Việc làm và những thách thức mới
Các Website khác - 15/12/2008

Gần đây, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam (VN) tăng lên nhưng cơ cấu lao động chưa thay đổi nhiều, trong đó lao động nông thôn không nghề, trình độ thấp vẫn chiếm số đông. Giải bài toán tạo việc làm thời hội nhập, cạnh tranh gay gắt về nhân lực bằng cách nào?

Sức ép về việc làm chưa giảm

Mỗi năm, cả nước có thêm trên 50.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập, tạo thêm khoảng 500.000 chỗ làm mới. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tập thể và cá thể phát triển mạnh với trên 3,3 triệu hộ kinh doanh cá thể, 17.535 hợp tác xã, 2.000 làng nghề, các khu công nghiệp mới,… cũng tạo thêm hàng trăm ngàn chỗ làm việc mới.

 

 

Riêng Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã tích lũy được trên 3.000 tỷ đồng và từ năm 2006 - 2008 đã hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 900.000 lao động. Nhờ nguồn vốn này, nhiều dự án, mô hình về kinh tế trang trại, giúp nhau tạo việc làm được tiếp sức, nhiều làng nghề truyền thống được hỗ trợ hồi sinh và đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, có thu nhập ổn định cho người lao động.


Ngành dệt may tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Dây chuyền may áo sơ mi xuất khẩu ở Công ty may Việt Tiến. Ảnh: THÀNH TÂM

Có thể nói thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội đã góp phần hạ nhiệt sức ép về việc làm, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Theo Bộ LĐTB-XH, từ năm 2006 đến nay các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm giải quyết việc làm trong nước đã góp phần tạo thêm 4,7 triệu chỗ làm việc mới cho người lao động, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 90%.

Đặc biệt, với sự phát triển năng động, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là điểm sáng thu hút, tạo nhiều việc làm cho người lao động nhất (chiếm trên 60% tổng số việc làm cả nước). Riêng năm 2008, tuy bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số người mất việc làm gia tăng nhưng việc làm ở khu vực phi chính thức lại tăng hơn, cả nước giải quyết việc làm cho 1,53 triệu lao động.

 

 

Về hoạt động xuất khẩu lao động, tuy gặp khó khăn do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng năm 2008 VN cũng đưa được 85.000 lao động đi nước ngoài làm việc (chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong nước).



Lao động VN đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

Bình quân mỗi năm lao động xuất khẩu gởi về nước khoảng 1,6-2 tỷ USD, trong đó nhiều địa phương nguồn ngoại tệ do lao động xuất khẩu gởi về cho gia đình gần bằng hoặc cao hơn nguồn thu ngân sách của cả tỉnh như Nghệ An: 690 tỷ đồng, Thanh Hóa: 650 tỷ đồng, Thái Bình, Phú Thọ: trên 600 tỷ đồng…Con số có ý nghĩa này tiếp tục cho thấy xuất khẩu lao động vẫn là một kênh xóa nghèo nhanh nhất, tạo thêm việc làm, thu nhập cao cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.

Kể từ khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tốc độ phát triển kinh tế nhanh tạo ra cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng thách thức về chất lượng lao động cũng gia tăng. Mặc dù, chất lượng lao động ở VN dần được cải thiện, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên gần 35% nhưng cơ cấu lao động, trình độ, kỹ năng chuyên sâu của phần đông lao động nước ta vẫn chưa thích ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.

Do độ vênh của cung - cầu ngày một lớn nên cơn sốt nhân lực cao cấp, lao động có trình độ cao, tay nghề, kỹ thuật vẫn làm đau đầu các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Trong khi có nhiều khu công nghiệp mở ra, nhiều DN đi vào hoạt động nhưng “đỏ mắt” tuyển không đủ lao động đã qua đào tạo, có trình độ quản lý, kỹ thuật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ đầu tư nước ngoài vào VN và việc cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong nước.

Hỗ trợ đầu tư những ngành nghề sử dụng nhiều lao động

Hôm nay 15-12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác việc làm và xuất khẩu lao động trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng những cơ chế, chính sách để làm tốt hơn nữa công tác này trong những năm tới, xây dựng kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Q. Phương

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa, mặc dù các chương trình tạo việc làm trong nước và ngoài nước đã có khởi sắc, số lượng lao động được giải quyết việc làm mỗi năm tăng cao hơn nhưng sức ép về việc làm vẫn rất lớn và chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỗi năm nước ta lại có thêm trên 1 triệu lao động bước vào độ tuổi lao động cộng với con số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn đã tạo ra sức ép về việc làm rất lớn.

Vì thế, để tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống mức dưới 5%, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 50% vào năm 2010, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải đầu tư, thực hiện nhiều biện pháp từ tháo gỡ cơ chế, chính sách về vốn, tín dụng, đất đai… Song song đó, cần kết hợp nhiều dự án, chương trình kinh tế - xã hội gắn liền với chỉ tiêu tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Hiện khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang thu hút, tạo việc làm cho gần 90% lao động nhưng chưa nhận được sự quan tâm kèm các chính sách ưu đãi về tín dụng của nhà nước. Đề nghị Chính phủ đầu tư, có chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ổn định sản xuất để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh nguy cơ đẩy họ vào chỗ thất nghiệp.

Để nâng chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển và hội nhập nền kinh tế thế giới, vấn đề cấp bách cần phải làm là đầu tư cho đào tạo nghề, tăng tỷ lệ lao động có trình độ cao và kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển thị trường lao động ở nông thôn đồng bộ với thị trường lao động cả nước.

Điều quan trọng mà các địa phương cần làm ngay là xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, dự báo cung cầu lao động để phục vụ cho việc hoạch định các chính sách việc làm hiệu quả, khả thi hơn. 

Bộ LĐTB-XH kiến nghị Quốc hội bổ sung vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm hàng năm là 500-600 tỷ đồng; đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư vào những ngành nghề sử dụng nhiều lao động; xây dựng chính sách ưu đãi cho các tổ chức đầu tư phát triển đào tạo nghề trong nước và cho hoạt động xuất khẩu lao động; mở rộng đối tượng người lao động đi nước ngoài làm việc được vay vốn để đẩy mạnh kênh xuất khẩu lao động.
 

BÌNH KHÁNH