![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, đến hết quý I/2017, sở Y tế các tỉnh/thành phải tạo điều kiện cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS kí hợp đồng với BHYT. Ảnh VGP/Hồng Hạnh. |
Sáng 27/11 tại Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virus được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV từ quỹ BHYT.
Gần 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố liên quan; bảo hiểm xã hội; phòng,chống HIV/AIDS đã về dự Hội nghị.
Theo lộ trình, các quỹ quốc tế sẽ cắt giảm viện trợ đối với các vấn đề liên quan đến bệnh nhân HIV/AIDS. Được biết, PEPFAR cắt giảm 40% vào năm 2017, 100% vào năm 2018. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ chi khoảng 100 tỷ đồng cho ARV, cấp phát miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo qui định.
Do đó, BHYT được coi là giải pháp khả thi nhất trong điều kiện của Việt Nam nhằm duy trì và mở rộng điều trị HIV/AIDS cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giúp họ có thể điều trị HIV/AIDS suốt đời.
Thực trạng tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV
Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%, chỉ bằng 1/2 so với mức 79% (tỷ lệ người dân nói chung của cả nước) có thẻ BHYT. Theo các đại biểu, nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp là do người dân không có điều kiện thẻ BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước; hoặc do người bệnh lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT ... Bên cạnh đó, người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí nên chưa thấy sự cần thiết của BHYT.
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị HIV/AIDS ở tỉnh/thành còn hạn chế trong tiếp cận BHYT cho bệnh nhân. Toàn quốc hiện có 145/385 cơ sở được kiện toàn về chuyên môn điều trị HIV/AIDS, chiếm 37,6%. Và, chỉ có 72/385 cơ sở đã thanh toán BHYT, chiếm 18,7%.
Theo ước tính, từ năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT, chiếm khoảng 15% số bệnh nhân; tăng dần trong những năm tiếp theo và phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Nếu thực hiện được theo lộ trình này, kinh phí cho thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm 1.050 tỷ đồng, chiếm 36,0% tổng kinh phí ARV.
Hướng tới 100% bệnh nhân HIV/AIDS được miễn phí ARV
Theo Quyết định 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Đây là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời để duy trì và tăng số người nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc sau khi hết các nguồn tài trợ quốc tế.
Đấu thầu tập trung và thanh toán tập trung là một cách đổi mới ưu việt của Quyết định 2188. Việc này nhằm thay đổi phương thức cấp tiền, phương thức thanh toán tập trung sẽ đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu tốt đa các thủ tục hành chính nhưng hạn chế việc thay đổi mạng lưới phân phối.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng đã chỉ đạo phải tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS phải được mua thẻ BHYT. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh/thành phải triển khai ngay chỉ đạo này của Thủ tướng.
Để tạo điều kiện tâm lý thoải mái cho người bệnh, ngành BHYT sẽ cho phép các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua BHYT theo hộ cá nhân, không mua theo hộ gia đình. Đồng thời, hình thức và quyền lợi thẻ BHYT của người bệnh cũng không có sự khác biệt so với những thẻ BHYT khác.
Đặc biệt, đối với các đối tượng đang thụ án trong trại giam, trại giáo dưỡng … sẽ được tạo điều kiện mua BHYT theo cá nhân để có điều kiện y tế tốt trong quá trình điều trị bệnh HIV/AIDS.
Trước tỷ lệ kết nối giữa ngành BHYT và các cơ sở điều trị HIV/AIDS quá thấp, Thứ trưởng yêu cầu ngành y tế các địa phương phải triển khai ký hợp đồng với ngành BHYT của tỉnh, để bảo đảm tính pháp lý trong vấn đề thanh toán.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, đến hết quý I/2017, sở Y tế các tỉnh/thành phải tạo điều kiện cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS kí hợp đồng với BHYT. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị và được BHYT trả viện phí.
Kế hoạch quản lý người bệnh tại địa phương sẽ được gửi về cho Cục phòng, chống HIV/AIDS trước 31/12/2016 để đơn vị thực hiện mua thuốc điều trị cho bệnh nhân. Hướng tới nâng tỷ lệ bệnh nhân điều trị HIV/AIDS có BHYT đạt khoảng 80% trước tháng 6/2017.
Đối với vấn đề đồng chi trả, trên nguyên tắc bệnh nhân tự chi trả chi phí cho điều trị, riêng đối với thuốc ARV sẽ trích miễn phí từ các nguồn quỹ của địa phương. Do đó, tiến tới 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ được cung ứng thuốc ARV miễn phí. Theo Thứ trưởng, ARV không chỉ điều trị cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn mang tính chất phòng dịch HIV/AIDS cho cộng đồng.
▪ Khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (26/11/2016)
▪ Phân biệt đối xử, kỳ thị khiến trẻ nhiễm HIV ‘yếu’ đi từng ngày (25/11/2016)
▪ Bạo lực gia đình phải được coi là vấn đề của xã hội (25/11/2016)
▪ Cao Bằng: Phát hiện mới 39 trường hợp nhiễm HIV (24/11/2016)
▪ Tập huấn giảng viên nguồn về điều trị nghiện chất (23/11/2016)
▪ TP HCM: Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống, kiểm soát ma túy (23/11/2016)
▪ Đương đầu với cuộc chiến chống lại HIV/AIDS (21/11/2016)
▪ Lào Cai: Tập trung phòng, chống HIV/AIDS qua đường biên giới (19/11/2016)
▪ Sự thật bất ngờ về tuổi 'tình dục' của phụ nữ (18/11/2016)
▪ Mục tiêu 90-90-90: Thách thức lớn đối với 5 tỉnh thí điểm (16/11/2016)