Báo động tình trạng trồng cây chứa chất ma túy
Báo Tiếng chuông - 02/04/2016
Liên tiếp trong tháng 3, lực lượng chức năng các địa phương đã phá nhổ các vườn cây thuốc phiện, cần sa. Điều này đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng tái trồng cây chứa chất ma túy.
Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây thuốc phiện trồng trái phép - Ảnh: Internet

 

Mới đây nhất, ngày 31/3, Công an huyện Bạch Thông, Bắc Kạn đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành phá nhổ những cây thuốc phiện trong vườn 8 hộ gia đình, gồm Trần Văn Quân, Triệu Thị Lẹn, Triệu Văn Đức, Phùng Văn Đoạn, Đinh Quang Thánh, Lộc Thị Minh, Hoàng Thị Liệu, Đinh Thị Loạn trú tại các thôn 1B, thôn 2 và thôn Nà Lẹng.

Tại thời điểm phá nhổ, cây cao nhất là 130cm, những cây nhỏ hơn khoảng 70, 80cm và đang ra hoa, quả non. Lực lượng chức năng đã tiến hành phá nhổ và thu giữ 745 cây có trọng lượng 21,9kg.

Theo lời giải thích của một vài hộ dân là quá trình mua hạt giống ở các chợ đem về gieo có lẫn hạt của cây thuốc phiện nên trót trồng, có người khác cho hoặc nhặt được, đa số đều biết đây là cây cấm nhưng vẫn lén lút trồng với mục đích làm thuốc, làm rau sống…

Trước đó, ngày 29/3, sau khi được báo chí đưa tin về việc trên địa bàn một số xã thuộc các huyện Quỳ Châu, Quế Phong xuất hiện tình trạng người dân tái trồng cây thuốc phiện với mục đích “để lấy rau ăn”, chính quyền các xã này đã phá nhổ và tiêu hủy hàng trăm cây thuốc phiện.

Tại Cao bằng, ngày 21/3, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng phát hiện có hơn 3.000 cây thuốc phiện được trồng trên diện tích khoảng 600m2 tại khu vực xóm Bó Pu, thị trấn Tà Lùng. Sau đó 1 tuần, ngày 29/3, Công an huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, UBND thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa phát hiện và phá nhổ khoảng 500 cây thuốc phiện tại địa phận xóm Bó Pu, thị trấn Tà Lùng.

Tại Bình Thuận, ngày 11/3, khi tuần tra tại dãy núi Hai Đen, lực lượng tuần tra Đồn BP Tân Thắng, BĐBP Bình Thuận đã phát hiện hai bãi đất rộng khoảng 500m2 nằm cách nhau khoảng hơn 100m đang được trồng cây cần sa cùng với các bể chứa và đường ống tưới nước tự động. Các cây cần sa đã phát triển cao từ 40 - 60cm, một số cây đã ra hoa và bị cắt ngọn. Qua kiểm đếm, số cây thu được là 1.587 cây với trọng lượng khoảng trên 100kg. Mở rộng kiểm tra phạm vi xung quanh, lực lượng tuần tra còn phát hiện và phá hủy một ô đất rộng khoảng 3m2 đang được ươm cây cần sa giống đã nảy mầm.

Theo Bộ NN&PTNT, nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hơn nữa, nguồn kinh phí dành cho chương trình xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất hạn chế. Ngành nông nghiệp ở địa phương không được bố trí kinh phí hoặc được bố trí ở mức rất thấp nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả thực hiện các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy chưa cao, chưa sâu, rộng và đầy đủ đến người dân tại các địa phương, không có kinh phí để kiểm tra, phát hiện, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển kinh tế.

Bộ NN&PTNT cũng nhận định trước thực trạng tình hình ma túy trong nước cũng như khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, diện tích trồng cây chứa chất ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng trên diện rộng ở nhiều địa phương thuộc địa bàn trọng điểm trên cả nước, nhất là các địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng như Lào và Campuchia.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công An cho biết, nhiều người trồng cây có chất gây nghiện như thuốc phiện, cần sa đều biết rõ về tác hại của chúng cũng như những quy định của pháp luật trong việc cấm trồng cây thuốc phiện, cây cần sa nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ trồng cây cần sa, cây thuốc phiện không phải vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà còn vì nhiều lý do khác.

Hiện nay, chế tài xử lý đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Điều 192 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, việc quy định điều kiện để xử lý hình sự như vậy là không phù hợp với hiện nay, không đủ sức răn đe vì hầu hết những đối tượng chủ mưu, cầm đầu không hẳn khó khăn về kinh tế mà có cuộc sống sung túc nhưng vì động cơ làm giàu bất chính mà họ thực hiện hành vi phạm tội.

Để phát hiện và ngăn chặn việc tái trồng cây chứa chất thuốc thuốc phiện, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành. Nhiệm vụ quan trọng là phải triệt tiêu được nguồn hạt giống trôi nổi trên thị trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phát hiện, tố giác các đối tượng.

 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2015, toàn quốc đã phát hiện 148.792 m2 diện tích có trồng cây chứa chất ma túy. Trong đó, có 146.782 m2 trồng cây thuốc phiện, 2.011 m2 trồng cây cần sa tươi và 0,04 kg cần sa khô.

Một số địa phương trọng điểm có tỉ lệ tái trồng cây thuốc phiện được phát hiện nhiều là: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái. Cây cần sa tươi và một lượng nhỏ cần sa khô được phát hiện chủ yếu ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.