Hội nghị toàn cầu lần thứ 25 về giảm tác hại liên quan đến ma túy |
“Hãy hành động từ trái tim”
Trong các ngày từ 14-17/5, tại thành phố Montreal, Canada đã diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ 25 về giảm tác hại liên quan đến ma túy. Hội nghị do Tổ chức Giảm tác hại quốc tế (HRI) chủ trì phối hợp với Chi nhánh giảm tác hại của tỉnh Quebec, Canada tổ chức với sự tài trợ của 20 tổ chức quốc tế, gồm: Chương trình phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Liên minh giảm hại Á-Âu, Mạng lưới hành pháp và phòng, chống HIV quốc tế,…
Đây là hội nghị lớn nhất thế giới trong lĩnh vực giảm hại được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai các hoạt động giảm tác hại trên phạm vi toàn cầu và thảo luận đường lối, chính sách giảm tác hại cho các năm tiếp theo.
Tham dự có gần 2.000 đại biểu đến từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với các các nhà vận động chính sách, các chuyên gia trên các lĩnh vực y tế, xã hội, hành pháp,... còn có sự tham gia của các tổ chức, các cá nhân đang tham gia các chương trình can thiệp giảm tác hại, người sử dụng ma túy và người nhiễm HIV.
Vì vậy, hội nghị là dịp tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa những người làm công tác giảm tác hại với những người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV nhằm tạo ra bước ngoặt mới trong việc đối phó với những thách thức to lớn ở phía trước.
Hội nghị còn là diễn đàn mở cho các đại biểu đề xuất các sáng kiến về giảm tác hại, trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực này và là dịp để người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV bày tỏ quan điểm cá nhân về chính sách phòng, chống ma túy hoặc kiến nghị với chính phủ các giải pháp nhằm hạn chế hậu quả do ma túy gây ra.
Với thông điệp “Hãy hành động từ trái tim”, Hội nghị năm nay muốn nhắc nhở tất cả mọi người hãy cảm thông với những khó khăn của người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV và giúp đỡ họ bằng những hành động cụ thể thay vì chỉ bằng lời nói.
Tại phiên khai mạc, thay mặt Tổ chức Giảm tác hại quốc tế, ông Rick Lines, Giám đốc điều hành đã đánh giá cao các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc biến hoạt động giảm tác hại liên quan đến ma túy trở thành phong trào phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp thế giới đồng thời cảm ơn các nhà tài trợ, sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu từ khắp mọi nơi trên thế giới và cảm ơn Ban tổ chức đã dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng 700 báo cáo tham luận gửi tới hội nghị để chọn ra trên 170 vấn đề quan trọng thảo luận tại Hội nghị.
Trong quá trình diễn ra hội nghị đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cho các can thiệp giảm hại như: triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim và bố trí để đại biểu tham quan thực địa một số mô hình cấp phát bơm kim tiêm, cách thức tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Montreal.
Mở rộng các can thiệp giảm hại trên phạm vi toàn cầu
Tại các phiên họp chung và các hội thảo diễn ra bên lề hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Diễn biến tình hình ma túy thế giới, chính sách phòng, chống ma túy; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy và người nhiễm HIV, kế hoạch mở rộng các chương trình giảm hại; cuộc chiến chống ma túy ở Philippines; đồng thời có nhiều báo cáo khoa học về các phương pháp giảm tác hại cho nhóm sử dụng cocaine, ma túy nhóm ATS (Amphetamine Type Stimulant), các nghiên cứu về cơ chế gây nghiện của ATS, ma túy trong nhóm đồng tính; ma túy và giới,...
Theo đó, trong bối cảnh tình hình ma túy đang diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng: số người sử dụng ma túy chưa có dấu hiệu giảm, nhiều loại ma túy mới xuất hiện, nhất là ma túy tổng hợp dòng ATS, ma túy tổng hợp nhóm Opiat (Fentanyl và các dẫn xuất), các chất hướng thần mới (NPS),... các giải pháp về phòng ngừa, đấu tranh và điều trị phục hồi chưa mang lại kết quả mong muốn do các can thiệp thiếu bằng chứng khoa học và chưa xuất phát từ cơ sở y tế và xã hội.
Việc đầu tư cho hoạt động phòng, chống ma túy còn tập trung nhiều cho lĩnh vực đấu tranh với tội phạm ma túy thay vì các giải pháp mang tính tổng thể. Theo ước tính, mỗi năm các nước trên thế giới đã chi tới 100 tỷ USD Mỹ cho hoạt động phòng, chống ma túy. Trong khi đó, đầu tư cho lĩnh vực giảm hại còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Ở nhiều nước, người sử dụng ma túy còn bị coi là tội phạm và người sống chung với HIV còn chịu nhiều thiệt thòi do nạn phân biệt đối xử. Các dấu hiệu của sự phân biệt, kỳ thị đối xử thường thấy là: bị sỉ nhục, bị xa lánh, bị coi thường, làm phiền nhiễu, bị trù dập, gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội, bị bắt giam, không được quyền lên tiếng, bị trút lên đầu những lỗi không phải do mình, luôn chịu thiệt thòi trước các đối tượng khác,...
Hội nghị đã tổ chức diễn đàn trực tuyến với bà Risa Hontiveros, Thượng nghị sỹ của Philippines để nghe phản ánh tác động của cuộc chiến chống ma túy tới đời sống chính trị, xã hội và tác động của nó tới các chính sách giảm tác hại đã và đang triển khai ở nước này.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về biện pháp mở rộng các can thiệp giảm hại trên phạm vi toàn thế giới, vận động chính phủ các nước chuyển từ 10-20% ngân sách đầu tư cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cho các hoạt động giảm hại liên quan đến ma túy.
Tại Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp nâng cao hiệu quả các can thiệp giảm hại và mở rộng ra các khu vực còn gặp khó khăn, đoàn đại biểu Việt Nam đã có bài tham luận, trong đó, nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Việt Nam tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam. Đồng thời, nêu những kinh nghiệm về việc vận động thay đổi chính sách, đưa nội dung giảm hại vào Luật Phòng, chống HIV/AIDS; tạo sự đồng thuận giữa các ngành: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành Công an; sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế,... được các nước đánh giá cao và xếp Việt Nam vào hàng những nước tiên phong trên thế giới về triển khai các biện pháp giảm hại.
▪ Bình Thuận: Xóa bỏ rào cản đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS (31/05/2017)
▪ Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đang thay đổi (31/05/2017)
▪ Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp song song trong phòng, chống HIV/AIDS (30/05/2017)
▪ Kiên Giang: Nỗ lực gia tăng số người điều trị nghiện (30/05/2017)
▪ Đau đáu những câu chuyện “Cầu vồng” (23/05/2017)
▪ Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý (22/05/2017)
▪ Viện phí mới cho người không có thẻ BHYT: Từ ngày 1.6 chưa áp dụng rộng rãi (16/05/2017)
▪ Vẫn chưa xử lý hình sự được hàng tấn lá Khat (16/05/2017)
▪ Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới (15/05/2017)
▪ Nỗi khổ của người mắc chứng bệnh tâm thần loạn dục (13/05/2017)