Kiên Giang: Nỗ lực gia tăng số người điều trị nghiện
Báo Tiếng chuông - 30/05/2017
Là địa phương triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone muộn hơn so với các tỉnh, thành trên toàn quốc, do một số những khó khăn, hạn chế. Kiên Giang vẫn đang nỗ lực để gia tăng số người điều trị nghiện, hướng tới giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy.

 

Điều trị Methadone cho người nghiện tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi

 

Gần 80% người nghiện ma túy tổng hợp

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về những khó khăn, hạn chế trong công tác điều trị Methadone, ông Vũ Đình Tuyển, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Kiên Giang cho biết, do một số khó khăn địa phương mới triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ tháng 10/2016, tích luỹ đến nay có gần 100 người tham gia điều trị.

Ngoài những thuận lợi, như hành lang pháp lý, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của tuyến trên, sự quan tâm của cấp chính quyền và sự chia sẻ kinh nghiệm của một số tỉnh bạn thì Kiên Giang gặp một số khó khăn, hạn chế như đa phần người nghiện ma túy tổng hợp và các chất nghiện khác như hút hít thuốc phiện, cần sa, keo dán… Nghiện ma túy tổng hợp chiếm đến gần 80%, nghiện heroin chỉ hơn 14% tổng số người nghiện, trong khi đó nghiện ma túy tổng hợp vẫn chưa có phương pháp điều trị.

Khó khăn thứ hai là do nhân lực được đào tạo chuyên sâu còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp đặc biệt xảy ra trong tiếp cận, tư vấn, quản lý điều trị người nghiện.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân vẫn còn chưa tuân thủ tốt quy trình điều trị, không đúng lịch, bỏ trị và phải tái khởi liều, gia đình bệnh nhân chưa quan tâm giám sát việc theo điều trị của con em mình.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa cơ sở điều trị với công an phường, xã (nơi các đối tượng thường trú và nơi cơ sở điều trị) trong việc quản lý, hỗ trợ xử lý tình huống xấu đối với người nghiện gây ra chưa được chặt chẽ.

Người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng

Theo số liệu thống kê của công an tỉnh Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.150 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 470 người (69,11%) so với cùng kỳ năm trước; 74/145 xã, phường, thị trấn phát hiện tệ nạn ma túy. Thời gian qua, Kiên Giang đã chú trọng công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tuy nhiên do Kiên Giang là tỉnh nằm ở bờ biển và biên giới phía Tây nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung ngư dân đến đánh bắt, khai thác thủy, hải sản, mua bán vận chuyển hàng hóa qua đường biên giới, có gần 60 km đường biên giới tiếp giáp Camphuchia và vịnh Thái Lan nên tội phạm ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng công an đã chú trọng phòng chống tội phạm, triệt xóa các đường dây, tụ điểm ma túy, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn thẩm lậu ma túy qua biên giới, đã phát hiện bắt giữ 58 vụ, 15 đối tượng tội phạm về ma túy. Các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền chất ma túy trái phép. Xét nghiệm 953 đối tượng nghi sử dụng trái phép các chất ma túy trái phép. Xét nghiệm 953 đối tượng nghi sử dụng trái phép các chất ma túy, phát hiện 341 đối tượng dương tính với ma túy, xử phạt hành chính 98 đối tượng, 77 triệu đồng.

Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy

Bên cạnh công tác phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện ma túy cũng được Kiên Giang đẩy mạnh. Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, công tác cai nghiện phục hồi tại cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng và quản lý cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được quan tâm, thực hiện theo quy trình chữa trị cai nghiện phục hồi.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, công tác điều trị cai nghiện ma túy được tăng cường, cơ sở cai nghiện được kiện toàn, chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng. Cơ sở này đang quản lý 223 học viên, trong đó cai nghiện tự nguyện là 28 học viên; tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ là 31 học viên. Vận động cai nghiện tự nguyện nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 10 người bằng thuốc Cedemex.

Hiện nay, Kiên Giang đang nỗ lực, nghiên cứu các giải pháp để có thể mở rộng mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn. Ông Vũ Đình Tuyển cho biết, trong năm 2017, ngoài các cơ sở đang điều trị nghiện ma tuý của các ngành y tế, LĐTB-XH, công an thì ngành y tế vẫn duy trì một cơ sở điều trị methadone như hiện nay. Toàn bộ việc khám điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đều được miễn phí.

Từ năm 2018, căn cứ số người nghiện chích ma túy dạng thuốc phiện của từng huyện thị, thành phố và chỉ tiêu trên giao để có thể mở thêm. Nếu đủ điều kiện thì sẽ mở thêm một cơ sở điều trị có đủ các bộ phận chức năng hoặc là một điểm cấp thuốc uống ở huyện thị có trên 100 người nghiện chích ma tuý tham gia.

“Thời gian tới, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ thu phí một phần để tái hỗ trợ công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Việc thu như thế nào thì phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan chức năng cấp trên. Thời gian đầu có thể chỉ là thu tượng trưng để người nghiện có ý thức dần để tiến tới xã hội hoá”, ông Vũ Đình Tuyển cho hay.