Giáo dục giới tính: Thầy còn mắc cỡ huống chi trò!
Các Website khác - 17/12/2004

Giáo dục giới tính cần đưa vào giảng dạy ở trường THCS. Ảnh: M.H.
Làm sao đưa giáo dục giới tính (GDGT) một cách hiệu quả tới lứa tuổi vị thành niên là bài toán nan giải đặt ra trong Hội thảo “Đề xuất và thử nghiệm giải pháp đưa GDGT vào trường trung học TPHCM”.

Trong một buổi học GDGT tại Trường THPT Marie Curie, một nữ sinh đã kể với chuyên viên tư vấn: “Các bạn cùng lứa của em thường truyền miệng nhau công thức: Quen nhau + Đi ăn uống + Đi mua sắm + Đến nhà trọ”. Theo ông Nguyễn Quang Dương, nguyên Trưởng ban tâm lý học, Viện Nghiên cứu GD-ĐT phía Nam, cứ sau mỗi đợt lễ Tết, số bạn trẻ đến nhờ tư vấn về tình yêu lại tăng vọt.

Trong các ca tư vấn về tình yêu ở lứa tuổi mới lớn, hơn 70% thắc mắc thường xoay quanh chủ đề tình dục. Còn theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, hàng năm có hơn 300.000 thiếu nữ thai nghén trước tuổi 18, trong đó có 80% có thai mà không hề biết, 20% phải làm mẹ bất đắc dĩ và khoảng 30% số ca phá thai khi chưa lập gia đình.

Vẫn loay hoay về cách thức đưa GDGT vào trường học

Phân tích những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, ông Nguyễn Quang Dương cho rằng: “Phần lớn trẻ vị thành niên thiếu sức chống đỡ về mặt tâm lý, không đủ mạnh để nói “không” với những cám dỗ hay thúc ép. Các em cũng thiếu kỹ năng sống (phòng vệ sức khỏe sinh sản, phòng vệ sự xâm hại tình dục…). Sự tiếp xúc quá tự do và phóng túng giữa nam và nữ, những luồng văn hóa độc hại và đồi trụy… cũng làm cho các em mù quáng.

Trong khi đó, cha mẹ bận rộn làm kinh tế, lo ngại “vẽ đường cho hươu chạy” nên vấn đề GDGT ít được gia đình quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách”. Đặt nặng vai trò GDGT ở trường học, PGS-TS Đào Trọng Hùng bức xúc: “Phụ huynh quá bận bịu thì nhà trường phải là chỗ dựa tin cậy của các em, thế nhưng những nhà sư phạm lâu nay vẫn loay hoay mãi về nội dung, biện pháp, cách thức đưa GDGT vào trường học như thế nào”.

PGS-TS Võ Hưng, Trưởng ban Giáo dục thể chất, cũng cho rằng: “Nhược điểm của nền giáo dục chúng ta là không trang bị những kiến thức liên quan đến vấn đề giới tính và sinh sản cho các em”. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiệp thông tin thêm: “Đến dự giờ một số tiết dạy GDGT, tôi thấy giáo viên còn lúng túng, mắc cỡ khi giảng về GDGT. Thử hỏi người thầy chưa sẵn sàng dạy thì làm sao học sinh có thể tiếp nhận dễ dàng?”.

Dạy cho trẻ “chạy đúng lối, nhảy đúng chỗ”

Phải ngăn chặn, hạn chế nạn phá thai hoặc làm bà mẹ trẻ trong tuổi vị thành niên, nhưng bằng cách nào? Đa số các đại biểu đề xuất: Cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác GDGT trong nhà trường, đào tạo giáo viên chuyên trách về tâm lý, giúp các em cảm thấy thoải mái khi giãi bày thắc mắc những vấn đề tuổi mới lớn cần tư vấn. Tổ chức các buổi thi tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi mới lớn, các hoạt động ngoại khóa trong trường học thu hút nhiều học sinh tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Dương, dù tư vấn hợp lý, hợp tình đến bao nhiêu thì tác dụng cũng có giới hạn. Do đó cần đặt vấn đề GDGT trên cơ sở của giáo dục nhân cách, giáo dục bản lĩnh cho giới trẻ. Trên tất cả, gia đình – nhà trường – xã hội cần có sự kết hợp chặt chẽ, phải sâu sát để vừa làm bạn với trẻ, vừa hỗ trợ tích cực cho các em trong các vấn đề nhạy cảm. “Hươu con cần học cách chạy đúng lối, nhảy đúng chỗ để tránh hậu quả đáng tiếc” – ông Dương nói.

Theo Sài Gòn Giải Phóng