Những nước đang trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng năm 2004 là Erơteria, Bunrundi, CHDC Công Gô, Etiopia, Mozambic, Zambia, Haiti... Không chỉ những nước chậm phát triển thiếu lương thực, trẻ em suy dinh dưỡng nặng, ngay cả các nước giầu nhất thế giới cũng có tới 9 triệu người suy dinh dưỡng. Do bị đói triền miên, nhiều người trong độ tuổi lao động tại các nước đang phát triển không đủ sức sản xuất, khiến các nước này thiệt hại tới 30 tỷ USD/năm, cao gấp 5 lần ngân sách FAO cam kết dành cho Quỹ toàn cầu chống đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét. Các nước giầu không thực hiện đúng cam kết Tại Nam Phi, một trong những quốc gia phát triển nhất ở châu Phi, tổng sản phẩm quốc dân đạt 130 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 3.000 USD/năm, vẫn còn có 1,5 triệu hộ gia đình sống trong cảnh nghèo đói, phải sống trong các nhà ổ chuột. Phát biểu tại Quốc hội nước này ngày 7/12, Bộ trưởng nhà ở Lindiver Sisulu cho biết tỷ số hộ gia đình sống trong những khu nhà ổ chuột những năm gần đây tăng 14%/năm; Chính phủ không đủ kinh phí và khả năng giúp các hộ gia đình này cải tạo, nâng cấp nhà ở. Nam Phi đang tồn tại 2 tầng lớp xã hội, khoảng 12% người da trắng nắm giữ hầu hết nền kinh tế đất nước, hơn 70% người da đen vẫn sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển. Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện có khoảng 53 triệu người suy dinh dưỡng, giảm 6 triệu người so với những năm 1990 -1992, mức giảm quá thấp so với mục tiêu Thiên niên kỷ đề ra. Nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp nhất trong khu vực này là Argentina gần 1%, Cuba 3%, Mexico 5%, Brazil 9%. Haiti nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất 47%, tiếp đó là Nicaragoa 27%, Panama 26%, Goatemala 24%, Hondurat 22% và Venezuela 17%. Theo báo cáo này, hàng năm nạn đói và suy dinh dưỡng đã làm chết 5 triệu trẻ em và gây thiệt hại cho những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển nhiều tỷ USD do những tổn thất trong sản xuất. Nếu không phải chi những khoản kinh phí tốn kém để khắc phục những thiệt hại do nạn đói và suy dinh dưỡng, các nước đang phát triển sẽ có nhiều kinh phí hơn để giải quyết các vấn đề xã hội. Theo FAO, mỗi một USD đầu tư để giảm nạn đói có thể mang lại lợi ích nhiều hơn từ 5-20 lần. FAO kiến nghị các nước đang phát triển cần có các chương trình trên quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn, giúp các hộ gia đình nghèo ổn định cuộc sống. Đã có hơn 30 nước đang phát triển thực hiện những chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, có thể đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ giảm 1/2 số người nghèo đói vào năm 2015. Tổ chức từ thiện vì sự phát triển Oxfam ngày 6/12 công bố báo cáo nêu rõ hiện nay các nước giầu ngày càng giầu hơn nhưng viện trợ của họ cho các nước nghèo ngày càng ít đi. Khoản viện trợ nước ngoài chỉ bằng một nửa so với mức năm 1960, trong khi các nước nghèo đang phải trả nợ khoảng 100 triệu USD/ngày. Giám đốc Oxfam, Barbarra Stocking cảnh báo về nguy cơ đến năm 2015 có thêm 45 triệu trẻ em chết một cách thương tâm và 97 triệu trẻ em không được đến trường học, nếu không có sự thay đổi nào trong chính sách viện trợ quốc tế. Các nước G-8 đã cam kết chi 0,7% GDP để viện trợ nước ngoài, nhưng 34 năm qua đã không một nước nào thực hiện đúng cam kết. Oxfam còn cho biết nhiều nước giầu thường gắn viện trợ với lợi ích quốc gia của họ, làm giảm khoảng 30% hiệu quả viện trợ. Ví như 70% viện trợ của Mỹ được tính vào hàng hoá và dịch vụ của Mỹ. Khoảng 0,14% thu nhập quốc gia mà Mỹ dành cho viện trợ nước ngoài năm 2003, chỉ bằng 1/10 số tiền mà Mỹ rót vào cuộc chiến chống Irắc. Theo Oxfam, đến năm 2040 Mỹ vẫn không thể đạt mục tiêu viện trợ cần thiết để giảm đói nghèo trên thế giới. Báo động tình trạng thiếu việc làm trên thế giới Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ngày 7/12 công bố báo cáo về tình hình việc làm thế giới năm 2004, cho biết số người có thu nhập dưới 2 USD/ngày và đang phải sống dưới mức nghèo khổ trên toàn cầu là 1,4 tỷ người. Tuy nhiên tỷ lệ người có thu nhập thấp đã giảm từ 57% năm 1990 xuống còn 49,7%, khoảng 2,8 tỷ người năm 2003. Số người thất nghiệp trên thế giới năm 2003 là 185,9 triệu người và thừa nhận con số này còn cách xa so với thực tế. Tổng giám đốc ILO Juan Somania nói việc tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt cho khu vực nông nghiệp phải trở thành mục tiêu trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo toàn cầu. Theo ILO, khoảng 40% số người lao động ở các nước đang phát triển trong ngành nông nghiệp phần lớn không đủ việc làm thường xuyên và thu nhập thấp. Mục tiêu của Thiên niên kỷ giảm 1/2 số người nghèo đói trên thế giới vào năm 2015 có thể không đạt được nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của các nước không đạt trên mức trung bình hiện nay là 5% GDP. Trong một nghiên cứu đầu tiên về an ninh kinh tế toàn cầu, ILO cho rằng tuy kinh tế toàn cầu đang phục hồi và phát triển, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu khủng hoảng về an ninh kinh tế toàn cầu. Chỉ có 8% tổng số người lao động ở các nước được đảm bảo an ninh kinh tế, trong khi đó có tới 3/4 trong tổng số người lao động không đảm bảo hoặc có mức độ an toàn kinh tế thấp. Biểu hiện của bức tranh an ninh kinh tế toàn cầu ảm đạm thể hiện từ việc trả lương thất thường hoặc không được trả lương đúng hợp đồng, đến việc cắt giảm các chương trình an sinh xã hội. Các yếu tố đảm bảo an ninh kinh tế của người lao động là thu nhập, quyền đại diện, việc làm và kỹ năng nghề nghiệp. Đối với các nước đang phát triển, an ninh kinh tế thường tỷ lệ nghịch với việc mở cửa thị trường tài chính. Để đảm bảo an ninh kinh tế cho người lao động, các nước đang phát triển không nên mở cửa thị trường tài chính của nước mình, nếu chưa đủ nguồn lực, thể chế và pháp lý để giải quyết hiệu quả biến động của các diễn biến phức tạp kinh tế quốc tế. Nghiên cứu của ILO còn cho biết các nước giầu trên thế giới không phải đều là những nước đảm bảo an ninh kinh tế cao nhất cho người lao động nước họ, trong khi nhiều nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á tuy thu nhập chưa cao nhưng đã đảm bảo an ninh kinh tế cho người lao động tốt hơn một số nước giầu. | |
Nguyễn Thế Nghiệp |
▪ Trẻ em đang đối đầu với nhiều hiểm họa (09/12/2004)
▪ Trả lại tên cho... bao cao su (09/12/2004)
▪ HIV/AIDS: Bom hẹn giờ tại châu Á-Thái Bình Dương (02/12/2004)
▪ Thế giới có 15 triệu trẻ mồ côi vì AIDS (30/11/2004)
▪ Cuộc chiến chống HIV/AIDS và đói nghèo tuy hai mà một (29/11/2004)
▪ Trung Quốc kêu gọi phòng chống HIV/AIDS (01/12/2004)
▪ 437 buổi truyền thông HIV/AIDS cho thanh niên (01/12/2004)
▪ HIV đang lây lan nhanh trong nữ giới (30/11/2004)
▪ Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIVAIDS (28/11/2004)
▪ "Phụ nữ, trẻ em gái và HIV/AIDS" (28/11/2004)