Gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Đọc kỹ trước khi ký hợp đồng
Các Website khác - 03/01/2012

Bệnh hiểm nghèo được Bộ y tế quy định gồm những bệnh như: ung thư; suy thận mãn giai đoạn cuối; HIV đã chuyển sang AIDS…. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300 ngàn người mắc bệnh ung thư, trong đó một nửa dẫn tới tử vong. Số người mắc bệnh nan y sẽ gia tăng nhanh cùng với sự phát triển của xã hội. Đó chính là lý do khiến nhiều người không ngần ngại bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua các gói bảo hiểm “bệnh hiểm nghèo” phòng thân. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm đắt đỏ này có thực sự bảo vệ được tính mạng con người trước những căn bệnh vô phương cứu chữa này?
 

 Gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Đọc kỹ trước khi ký hợp đồng


Căn bệnh trời kêu ai nấy dạ
Không chỉ có người nghèo mới chết vì ung thư, năm qua thế giới đã chứng kiến sự ra đi ở tuổi 47 của Steven Jobs-linh hồn của Apple. Hay tài tử nối tiếng Hollywood - Michael Douglas - những người có gia sản lên đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ USD. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 8 triệu người chết vì ung thư trên thế giới mỗi năm, thì các nước nghèo và nước đang phát triển chiếm hơn 5 triệu người, gần 3 triệu người còn lại chia đều cho các nước giàu. Tại một số nước châu Phi, chỉ hơn 10% bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú sống thêm được 5 năm sau khi phát hiện. Cũng căn bệnh này, nếu được phát hiện sớm và có hướng điều trị tích cực thì người bệnh có thể chữa khỏi triệt để.

 Đây là thống kê gây sốc cho nhiều người, bởi nó phản ánh các yếu tố về chênh lệch giàu nghèo, tăng trưởng dân số, lối sống không lành mạnh, thiếu kiểm soát về nhiễm khuẩn…Tuy y học đã phát triển vượt bậc, nhiều bệnh ung thư đã được kiểm soát rất tốt nhưng theo WHO thì “xu hướng không dễ dàng đảo ngược”. Nếu không có các hành động thiết thực được đưa ra thì số ca tử vong vì ung thư ở các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng lên 5,9 triệu người vào năm 2015, và 9,1 triệu người vào năm 2030. Bởi tại các nước này, hầu hết hệ thống chăm sóc sức khỏe được lập ra để đối phó với những đợt bệnh truyền nhiễm, thiếu kinh phí, thiếu kiến thức và thiếu trang thiết bị cần thiết để có thể điều trị căn bản cho người bệnh.

Cũng theo dự báo này, số người mắc bệnh ung thư tại các nước giàu ít tăng hơn, nhưng nó cũng sẽ tăng đến 40% trong 20 năm tiếp theo.

Mua bảo hiểm cho bệnh ung thư?
Năm 2009, luật bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua. Theo đó, Bộ Y tế đưa ra chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân đến hết năm 2014, cho phép tư nhân tham gia BHYT. Đây là một thay đổi lớn đối với những người lao động nông thôn ở nước ta. Thay vì, chỉ những người đang công tác tại các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước mới được tham gia BHYT thì bây giờ ai cũng có thể tham gia vào loại hình bảo hiểm này, và hưởng mọi quyền lợi như nhau. Tuy nhiên, không phải tham gia BHYT đã có thể yên tâm với mọi bệnh tật. Bởi quy định, BHYT sẽ không chi trả, hoặc chỉ chi trả một phần cho những căn bệnh nan y, nên người bệnh vẫn phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để chữa trị. Điều này lý giải tại sao ngày càng có nhiều người bỏ tiền ra mua bảo hiểm giá cao, hay còn gọi là bảo hiểm cho “bệnh hiểm nghèo”. Hiện có tới 35 loại bệnh được xếp vào danh sách “bệnh hiểm nghèo”, nhưng ung thư là bệnh được nhiều người chọn mua bảo hiểm nhất. Bởi theo cách hiểu đơn giản thì, các nhu cầu chăm sóc kéo dài cho một bệnh nhân ung thư là quá lớn. Thế nhưng, để theo đến cùng một gói bảo hiểm “bệnh hiểm nghèo” là điều không phải ai cũng có khả năng.

Thứ nhất, đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, hợp đồng có giá trị tính theo từng năm. Nếu trong năm ký hợp đồng không phát hiện bệnh thì số tiền đã đóng coi như mất.

Thứ hai, để mua được gói bảo hiểm sức khỏe có mức chi trả 2 tỷ đồng (số tiền có thể đủ để chữa trị ung thư), mỗi năm người mua phải đóng từ 25 đến 30 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với những người có thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Vậy nên, khi không đủ khả năng chi trả các gói bảo hiểm lớn thì mua sự an tâm bằng các gói bảo hiểm nhỏ sẽ không giải quyết được vấn đề gì nếu không may mắc ung thư. Điều quan trọng nữa là các hợp đồng bảo hiểm này có những điều khoản rất “nước đôi” như “người bệnh được trả tiền khi bệnh ung thư đe dọa đến tính mạng” chứ không phải “khi người bệnh nghi ngờ và cần làm các xét nghiệm…” hay “các khoản chi phí mang lại cơ hội và kéo dài sự sống” chứ bảo hiểm không có nhiệm vụ “chi trả mọi chi phí chữa bệnh ung thư cho bệnh nhân”. 

Sợ mắc phải bệnh hiểm nghèo sẽ khiến gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, cùng quẫn là tâm lý chung của nhiều người. Thế nhưng, chúng ta cũng cần tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định tham gia loại hình bảo hiểm này. Bởi ngoài việc phải trả mức phí hàng tháng rất cao, thì liệu rằng bảo hiểm “bệnh hiểm nghèo” có thực sự giúp người bệnh thoát khỏi án tử khi chẳng may mắc ung thư hay AIDS?

Tuyến Chi
Báo Thể thao Tp.HCM