![]() |
Hiện nay thế giới có hơn 36 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 40 triệu người đã chết vì AIDS kể từ khi căn bệnh được phát hiện. Việt Nam là quốc gia phát hiện số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với gần 230.000 người nhiễm HIV còn sống và xấp xỉ 90.000 người chết vì AIDS. Mỗi năm, Việt Nam phát hiện từ 10.000-12.000 ca nhiễm mới. Năm 2012, Việt Nam đã đề ra "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS". Mục tiêu đến năm 2020 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% và tới năm 2030 có thể kết thúc dịch HIV/AIDS.
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết với Liên Hợp Quốc triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp) trong phòng, chống HIV/AIDS. Đạt mục tiêu đó là tiền đề hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, các địa phương trên cả nước hướng tới mục tiêu “ba không”.
Tuy nhiên trong công tác phòng, chống HIV vẫn còn khó khăn khi vấn nạn HIV/AIDS vẫn đang đe dọa cuộc sống của người dân, hơn nữa nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm. Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế lo ngại: Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì các hoạt động can thiệp dự phòng không được triển khai, hoạt động xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV cũng sẽ bị hạn chế, như vậy nhiều người nhiễm HIV sẽ không được điều trị...
Như vậy, số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng sẽ tăng nhanh, số bệnh nhân AIDS tử vong tăng nhanh, kháng thuốc ARV sẽ xảy ra. Dịch HIV/AIDS khi đó không còn chỉ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, gây tác động lớn đến sức khỏe, giống nòi, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội.
Do vậy, thời gian tới các bộ ngành cần huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị để giải quyết khó khăn về kinh phí. Song trên hết, giải pháp quan trọng nhất là truyền thông với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường.
Trong Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã gửi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS của thế giới.
Ông Ban Ki Moon khẳng định, thế giới đã đạt được những tiến triển trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, trong đó có 18 triệu người được tiếp cận với thuốc chữa bệnh, tăng gấp đôi so với cách đây 5 năm. Số người tử vong liên quan đến AIDS đã giảm hằng năm, những người nhiễm HIV sống được lâu hơn. Với những khoản đầu tư hợp lý, thế giới có thể đạt mục tiêu 30 triệu người được điều trị AIDS trước năm 2030.
▪ Chung tay chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 (02/12/2016)
▪ Hãy mở rộng tấm lòng, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS (02/12/2016)
▪ Kêu gọi ngừng các hành vi sỉ nhục, ngược đãi bệnh nhân HIV/AIDS (01/12/2016)
▪ Những chàng trai đồng tính đi tư vấn phòng chống HIV/AIDS (01/12/2016)
▪ Phòng, chống HIV/AIDS: ‘Những kết quả vô cùng ấn tượng’ (30/11/2016)
▪ WHO khuyến khích người nguy cơ cao xét nghiệm HIV tự nguyện (30/11/2016)
▪ Nhiều người châu Âu không biết mình nhiễm HIV (30/11/2016)
▪ 40% người nhiễm HIV có Bảo hiểm y tế (28/11/2016)
▪ Khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (26/11/2016)
▪ Phân biệt đối xử, kỳ thị khiến trẻ nhiễm HIV ‘yếu’ đi từng ngày (25/11/2016)