Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Trang tin Tiếng chuông có bài phỏng vấn TS. Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
![]() |
TS. Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AID. Ảnh: Thùy Chi |
Thưa bà, bà có nhận xét gì về công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong năm vừa qua?
Bà Kristan Schoultz: Năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đáp ứng của toàn thế giới với HIV/AIDS. Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã tập hợp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 6 vừa qua để củng cố cam kết phòng, chống HIV/AIDS.
Kết quả của phiên họp cấp cao là bản “Tuyên bố chính trị 2016 về HIV/AIDS: Dồn tổng lực đẩy nhanh tiến độ phòng, chống HIV và Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”. Tuyên bố chính trị khẳng định chưa một quốc gia nào đã kết thúc được dịch AIDS, và chưa một quốc gia nào ở trong điều kiện có thể giảm bớt các nỗ lực phòng, chống HIV. Tài liệu này cũng đặt ra các mục tiêu to lớn nhưng rất cụ thể, có thời hạn thực hiện, nhằm dổn tổng lực trên toàn thế giới đẩy nhanh tiến độ đáp ứng với HIV/AIDS.
Bản Tuyên bố Chính trị này đưa nỗ lực Dồn tổng lực cho phòng, chống HIV/AIDS, trở thành nhiệm vụ của toàn thế giới trong vòng 5 năm tới đây, nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào diễn đàn cấp cao này. Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã khẳng định một lần nữa tại diễn đàn này quyết tâm thực hiện mục tiêu 90-90-90, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia đoàn kết, hợp lực để thực hiện bằng được mục tiêu này.
Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn theo đúng như lời cam kết và kêu gọi của Phó Thủ Tướng. Đến nay, đã có 80% người nhiễm HIV ở Việt Nam được xét nghiệm chẩn đoán và biết tình trạng nhiễm của bản thân. Hơn một nửa trong số họ đã được điều trị kháng HIV. Và đã có 2/3 số người tham gia điều trị đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Đây là những kết quả vô cùng ấn tượng.
Theo bà, Việt Nam đang gặp khó khăn gì? Cần phải tập trung những hoạt động gì để vượt qua những thử thách, khó khăn trên?
Bà Kristan Schoultz: Việt Nam đang có tiến độ rất khả quan trong việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90, nhưng một thách thức lớn là làm sao để duy trì bền vững thành quả đã đạt được đồng thời tiếp tục tiến nhanh hơn nữa để đến năm 2020 lấp được hết khoảng trống còn lại trong việc thực hiện những mục tiêu này. Để làm được như vậy Việt Nam cần tập trung nỗ lực thúc đẩy hơn nữa một số công việc, gồm: Tiếp tục tăng đầu tư trong nước cho phòng, chống HIV; tiếp tục mở rộng áp dụng các sáng kiến mới trong xét nghiệm HIV; đẩy mạnh lồng ghép và phân cấp dịch vụ điều trị; bảo đảm kết nối liên tục từ xét nghiệm chẩn đoán sang điều trị và bảo đảm chất lượng dịch vụ; tập trung vào những nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi HIV và những dịch vụ mà họ cần.
Thách thức lớn nhất trong công tác dự phòng là bảo đảm có đủ nguồn lực trong nước để bù đắp cho những thiếu hụt do việc các nhà tài trợ cắt giảm kinh phí hỗ trợ dự phòng, nhờ đó bảo đảm mọi người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đều tiếp cận được các dịch vụ dự phòng HIV mà họ cần, bao gồm bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, Methadone và những phương cách dự phòng kết hợp khác, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng hiệu quả lên đến mức cần thiết (từ 60% trở lên) sẽ tạo được tác động tích cực khống chế dịch HIV.
Thách thức lớn khác mà Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong suốt hơn 25 năm phòng, chống AIDS là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử này bắt nguồn sâu xa từ sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với việc nghiện ma túy, mại dâm và hành vi tình dục đồng giới. Để có thể kết thúc dịch AIDS thì điều thiết yếu là phải từng bước giảm dần, tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở mọi nơi, cả trong gia đình và cộng đồng, trong các cơ sở y tế, trường học và nơi làm việc. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 thì tập trung trước hết vào giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế sẽ có đóng góp trực tiếp và to lớn nhất cho nỗ lực chung.
Về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng, Việt Nam đã có nhiều tấm gương lớn, trong đó đặc biệt là Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam. Ông đã cùng một phụ nữ nhiễm HIV phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS diễn ra vào tháng 6 năm nay. Đó là những tấm gương sáng để người dân Việt Nam có thể học hỏi về việc mở lòng đón nhận và cảm thông với những người nhiễm HIV, không kỳ thị và phân biệt đối xử.
Xin bà cho biết, trong thời gian tới, UNAIDS sẽ có những hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?
Bà Kristan Schoultz: UNAIDS đã và đang giúp Việt Nam trong nỗ lực Dồn tổng lực cho phòng, chống HIV, tập trung vào vận động để duy trì bền vững đáp ứng với HIV/AIDS thông qua tăng đầu tư trong nước cho phòng, chống HIV và tạo ra hiệu suất cao hơn cho chương trình phòng, chống HIV. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc thử nghiệm và áp dụng nhiều sáng kiến và cách làm mới nhằm đưa các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị đến được với những người dễ bị tổn thương nhất bởi HIV. Những sáng kiến này bao gồm điều trị trước phơi nhiễm để dự phòng (PrEP), xét nghiệm dựa vào cộng đồng, xét nghiệm do người không chuyên thực hiện, sáng kiến Điều trị 2.0 nhằm thúc đẩy việc lồng ghép và phân cấp dịch vụ điều trị, và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế.
![]() |
Bà Kristan Schoultz và "Anh hùng châu Á" Phạm Thị Huệ - người có nhiều hoạt động có ích trong cộng đồng người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi |
UNAIDS sẽ luôn luôn sát cánh với Việt Nam, sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phòng chống HIV, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 trong khuôn khổ các Mục tiêu phát triển bền vững của toàn thế giới.
Bà có nhắn nhủ, chia sẻ gì nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS?
Bà Kristan Schoultz: Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay, một điều rất quan trọng mà tất cả chúng ta cần nhớ đó là AIDS vẫn chưa kết thúc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần vào việc thực hiện được mục tiêu to lớn này, bằng cách hãy mở rộng tấm lòng nhân ái để cảm thông với những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Chúng ta chỉ kết thúc được dịch AIDS nếu không còn kỳ thị và phân biệt đối xử.
▪ WHO khuyến khích người nguy cơ cao xét nghiệm HIV tự nguyện (30/11/2016)
▪ Nhiều người châu Âu không biết mình nhiễm HIV (30/11/2016)
▪ 40% người nhiễm HIV có Bảo hiểm y tế (28/11/2016)
▪ Khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (26/11/2016)
▪ Phân biệt đối xử, kỳ thị khiến trẻ nhiễm HIV ‘yếu’ đi từng ngày (25/11/2016)
▪ Bạo lực gia đình phải được coi là vấn đề của xã hội (25/11/2016)
▪ Cao Bằng: Phát hiện mới 39 trường hợp nhiễm HIV (24/11/2016)
▪ Tập huấn giảng viên nguồn về điều trị nghiện chất (23/11/2016)
▪ TP HCM: Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống, kiểm soát ma túy (23/11/2016)
▪ Đương đầu với cuộc chiến chống lại HIV/AIDS (21/11/2016)