Phòng, chống mua bán người: Cần nâng cao tính cảnh giác cho người dân
Báo Tiếng chuông - 12/07/2016
Những năm gần đây, ở Việt Nam, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Nếu trong những năm trước BBPNTE chỉ xảy ra ở một, số ít tỉnh/thành phố thì nay đã lan rộng ra cả nước từ nông thôn, miền núi đến cả thành thị.

Đối tượng bị buôn bán thường là phụ nữ và trẻ em thuộc những hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không đủ trang trải mức sống, nhận thức còn hạn chế nên họ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Nhiều trường hợp do muốn đổi đời nhanh chóng nên chấp nhận hôn nhân môi giới bất hợp pháp mà không lường trước được hậu quả bị lừa bán.

Tuy nhiên, nạn nhân bị buôn bán không chỉ dừng lại ở những đối tượng trên. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện các nạn nhân là người có học vấn, tiền bạc. Điều này cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm buôn bán người.

Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành Xã hội học nghiên cứu về Giới và Gia đình, người đầu tiên thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển về vấn đề này.

 

Giáo sư Lê Thị Quý tại một Hội thảo về buôn bán người tại Hàn Quốc. Ảnh NVCC

 

Trí thức, có tiền cũng bị bán

Cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng đã giải cứu một cô gái người Việt sang Dubai du lịch bị ép bán dâm.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), cô Nguyễn “được” một người quen tên Linh dụ sang du lịch Dubai một tuần với chi phí 33 triệu đồng. Đến nơi, thay vì được đi du lịch cô đã bị thu hộ chiếu, ép phải bán dâm tại một căn hộ ở khu International City.

Đây không phải lần đầu xảy ra các vụ lừa đảo như trên. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cho biết, số lượng phụ nữ bị lừa, bị ép hoặc chủ động hành nghề mại dâm lúc cao điểm lên đến trên 1.000 người. Trong số này, rất nhiều người được hứa hẹn sang Dubai làm công việc nhẹ nhàng, lương cao; chi phí vé máy bay, visa dài hạn khoảng 100 triệu được ứng trước. Khi sang đến nơi, các cô bị ép phải bán dâm để trả số tiền này.

Trước đó, cuối năm 2015, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã phối hợp với Chi đội Công an Biên phòng thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) tìm và giải cứu chị một giáo viên tiểu học bị lừa bán làm vợ một người đàn ông tại tỉnh Khâm Châu.

Theo lời kể của nữ giáo viên, thời gian xin nhà trường cho tạm nghỉ dạy học đi chữa bệnh, chị quen một người đàn ông. Khi anh ta hứa hẹn giúp đưa đi bệnh viện, chị đã đi theo và bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị phải làm vợ người đàn ông Trung Quốc trong vòng 4 tháng và may mắn được giải cứu.

Những câu chuyện đau lòng

GS Lê Thị Quý cho biết, hai trường hợp trên may mắn được giải cứu trong thời gian ngắn. Nhiều cô gái bị lừa bán sau khi bị ép bán dâm, làm vợ khi được giải cứu thì chỉ còn “thân tàn ma dại”, nhiều cô thậm chí không thể trở về. Điều đáng ngạc nhiên là thủ đoạn lừa gạt của bọn buôn người không mới và mặc dù truyền thông đã tích cực cảnh báo nhưng nhiều người phụ nữ vẫn mắc bẫy dễ dàng.

Đau đớn hơn, có những cô gái bị cả chính bạn bè thân thiết, họ hàng, người thân gia đình, thậm chí có cả trường hợp mẹ bán con ruột, anh/chị bán em gái... Theo GS Lê Thị Quý, đây là những trường hợp không thể tránh được, kể cả những người có trí thức hay có tiền.

GS Lê Thị Quý cho biết, hầu hết những nạn nhân bị mua bán chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm, hôn nhân ép buộc, giúp việc gia đình với thu nhập thấp, làm con nuôi hoặc sử dụng vào các mục đích thương mại, vô nhân đạo, thậm chí cả mua bán nội tạng. Nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em Việt Nam đã “trở thành hàng hóa và được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc chợ lao động các nước”.

Những phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đa số có mục đích kinh tế, thông qua các dịch vụ môi giới hôn nhân và có một số người đã bị lừa; sau đó bị bỏ rơi, biến thành người hầu, hoặc bị chính người chồng lừa phải làm nghề mại dâm; nhiều người từ chỗ là nạn nhân lại trở thành tội phạm do hoàn cảnh: bị ép buộc làm nghề mại dâm sau đó bị chính quyền sở tại phạt tù; Số khác bị lừa bán ra nước ngoài nhưng vẫn bị chính quyền sở tại coi là nhập cảnh, cư trú, kết hôn trái phép, thậm chí quyền làm vợ, làm mẹ cũng không được bảo đảm.

GS Quý kể, là người đầu tiên đề xướng dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, cô đã gặp rất nhiều câu chuyện đau lòng: “Một cô gái từng là nhân viên ngân hàng, có chồng có con mà vẫn bị lừa bán. Cô bị ép làm vợ cả 3 cha con trong một gia đình, hàng đêm phục vụ tình dục lần lượt cho cả 3 người, đau đớn tủi nhục không kể xiết. Đau lòng hơn, khi cô được giải cứu, chồng cô ở nhà đã đi lấy vợ khác, rồi dư luận xã hội khiến cô phải tìm đến con đường giải thoát cuối cùng là cái chết. Có cô gái khác khi mang bầu mà vẫn phải làm đồng, chỉ được ăn cháo, không được ăn cơm. Đói quá xin chồng được ăn cơm thì bị đánh đến sảy thai và vỡ bàng quang, cả đời phải đóng bỉm”.

Theo GS Lê Thị Quý, nạn buôn bán người để lại nhiều hậu quả, xúc phạm về nhân phẩm, về quyền con người, đe dọa tính mạng, phá nát gia đình, tương lai của người bị hại.

“Bản thân người phụ nữ trong tất cả mọi hiện tượng bao giờ cũng là nạn nhân đau khổ nhất, vừa yếu thế không tự bảo vệ được mình, vừa bị kỳ thị, phân biệt”, GS Lê Thị Quý nói.Tuy nhiên, theo GS Lê Thị Quý, hậu quả lớn nhất của nạn buôn người là làm mất tính an toàn, quyền được pháp luật bảo vệ sự an toàn của mỗi cá nhân. “Hôm nay tôi làm người tự do, mai đã đã bị bắt làm nô lệ tình dục, rồi không biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp sẽ xảy ra”, GS Quý nói.

Nâng cao tính cảnh giác cho người dân

Theo GS Lê Thị Quý, cuộc đấu tranh chống tội phạm BBPNTE qua biên giới đang diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới chính quyền, các đoàn thể, gia đình, cá nhân ở cơ sở từng vùng, miền, nhất là vùng biên giới. 

Trong đó, cốt lõi nhất là phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; tiến hành đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phải đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội, giáo dục nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em.

“Tôi nghĩ truyền thông giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Cần nâng cao tính cảnh giác cho người dân, đặc biệt là phụ nữ. Cần làm rõ cho người phụ nữ hiểu việc đi ra nước ngoài sẽ có những khó khăn, phức tạp, không đơn giản ra đi là sẽ đổi đời. Một người phụ nữ cần phải ý thức được về tính mạng, nhân phẩm, đạo đức của bản thân. Bởi vì hạnh phúc không ai ban tặng cho mình cả, mà phải tự mình  xây dựng hạnh phúc".

Thêm nữa, pháp luật chúng ta cần hoàn chỉnh, chặt chẽ và trừng phạt tội danh buôn người nặng hơn”, GS Lê Thị Quý nói.

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Năm 2015, toàn quốc phát hiện xảy ra 407 vụ với 655 đối tượng, lừa bán 1.000 nạn nhân.

Năm 2015, lực lượng chức năng cũng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận và tự trở về 644 nạn nhân, trên 80% nạn nhân trở về được hỗ trợ ban đầu. Trong đó, gần 65% nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp... để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.