Để mỗi nhà trường là một pháo đài phòng, chống ma túy xâm nhập
Báo Tiếng chuông - 08/07/2016
Tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến rất phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng gây nhức nhối cho xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều gia đình. Đáng quan ngại hơn là ma tuý đã và đang len lỏi vào môi trường học đường, nhiều học sinh - sinh viên (HS-SV) bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân của ma túy.
Ảnh minh họa

 

Vấn nạn ma túy học đường trên thế giới

Tháng 10/2012, sau khi từ trường về nhà, cô nữ sinh trung học 13 tuổi Tamara Chevez (sinh sống tại thành phố Guayaquil, Ecuador) liền chui vào phòng ngủ để nghỉ ngơi. Vài giờ sau, gia đình phát hiện cô gái đã chết. Các xét nghiệm sau đó cho thấy Tamara Chevez chết vì sử dụng cocaine trộn với thuốc ngủ và các loại ma túy khác được cho là mua trong trường học.

Trong vài tuần sau đó, các phóng viên tại nước này đã tiến hành nhiều cuộc điều tra tại các trường học và phát hiện một thực trạng báo động: trường học đang dần bị biến thành “chợ” ma túy và những học sinh chính là những chân rết buôn bán những chất gây nghiện chết người. Thậm chí, một chuyên gia thuộc Văn phòng ngăn ngừa ma túy Ecuador nhận định: Ma túy có mặt các trường học, giống như nạn trộm cắp hay bạo lực. Tất cả những thứ ngoài xã hội đều hiện diện trong các trường học.

Dư luận xã hội sau đó đã nhiều lần kêu gọi các trường học có các biện pháp để đối phó với những kẻ buôn bán ma túy. Nhiều trường học đã tăng cường việc giám sát các học sinh ra vào các cơ sở của mình. Một số trường ở Guayaquil thậm chí đã yêu cầu cảnh sát tiến hành một số đợt kiểm tra túi xách và sử dụng chó nghiệp vụ để truy tìm ma túy trong học đường. Nhiều hiệu trưởng tại thành phố này còn mời cảnh sát đến lớp học để nói chuyện về mối nguy hiểm từ ma túy.

Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng cần phải có những chiến lược lớn hơn để xử lý tình trạng buôn bán ma túy trong học đường. Theo đó, vấn đề ma túy không thể giải quyết một cách đơn giản bằng những cuộc nói chuyện của cảnh sát với học sinh, các cuộc hội thảo hay kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ. Quan trọng là cần làm sao để cho giới trẻ thấy được những viễn cảnh tương lai. Ma túy cần được giải quyết như vấn đề xã hội và y tế hơn là giới hạn ở sự kiểm soát.

Tại Nga, từ đầu năm 2013, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần đầu dự luật do chính phủ nước này đệ trình về xét nghiệm ma túy đối với học sinh phổ thông trung học, học sinh tất cả các trường chuyên và dạy nghề cũng như sinh viên.

Theo đó, Đuma Nga thông qua đề xuất kiểm tra ma túy nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời và kiểm soát hiệu quả tình trạng học sinh, sinh viên Nga sử dụng ma túy trong các trường phổ thông trung học, trường chuyên và dạy nghề cũng như các trường đại học. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ma túy chỉ được tiến hành nếu có sự đồng ý bằng văn bản của học sinh, sinh viên trên 15 tuổi. Những học sinh và sinh viên bị phát hiện sử dụng ma túy sẽ được chuyển ngay tới các tổ chức y tế hoặc trung tâm chuyên trách để điều trị cai nghiện. Dư luận xã hội và các cấp chính quyền Nga đều hoan nghênh và ủng hộ việc thông qua đạo luật này.

Mỗi nhà trường là một pháo đài

Ma túy đang thường trực và luôn rình rập trước cổng trường. HS-SV có thể bị sa ngã vào ma túy bất cứ lúc nào do tâm lý dễ bị kích động, chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo; nhiều học sinh thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình. Đầu tiên là sự tò mò “thử một lần cho biết”, dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma tuý, các em sẽ bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột thậm chí phạm tội hình sự nghiêm trọng để có tiền hút, chích. Nhiều HS-SV bị lừa phỉnh, lôi kéo tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý. Khi các em sa chân vào ma tuý thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, ma tuý sẽ cướp đi tương lai, hoài bão, sức khoẻ.

Nếu không có sự quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà trường, gia đình và xã hội sẽ dẫn tới việc có nhiều hơn HS-SV sa ngã vì ma tuý và là con đường ngắn nhất dẫn đến tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Vì vậy, đấu tranh để loại bỏ những hiểm hoạ do ma tuý gây ra đối với HS-SV và giáo viên xây dựng môi trường đời sống học đường trong sạch, lành mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Tại Việt Nam, từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã có quy định về phòng chống ma túy tại các cơ sở giáo dục để mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục sẽ là một pháo đài phòng chống tệ nạn ma túy xâm nhập. Theo đó, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma tuý trong một số môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khóa, người học được khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra, xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên và đột xuất nếu có biểu hiện nghi vấn. HS-SV sử dụng ma túy sẽ bị đình chỉ học 1 năm, còn nếu vận chuyển, tàng trữ, mua bán ma túy sẽ bị buộc thôi học và giao cho gia đình người học để quản lý, giáo dục hoặc tổ chức cai nghiện. Riêng nhà giáo vi phạm bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên sẽ bị chuyển công tác….

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thống kê sơ bộ cho thấy cả nước có khoảng 200 HS-SV, giáo viên nghiện ma túy. Từ nhiều năm nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phối hợp chặt chẽ với nhiều ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Vụ Công tác Học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT) có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống ma tuý học đường, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về tác hại của ma tuý, cách phòng chống tệ nạn ma tuý đến với toàn bộ cán bộ giáo viên và HS-SV các nhà trường. Thường xuyên tổng hợp, thống kê số liệu đánh giá tình hình, phối hợp với chính quyền, công an cơ sở nơi có trường học tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm trong sạch địa bàn. Vì vậy, tệ nạn ma tuý đã được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi ở nhiều địa phương.

Liên ngành Công an - Giáo dục đã thực hiện các kế hoạch nhằm làm trong sạch môi trường xung quanh trường học, đẩy mạnh công tác phòng chống ma tuý trong ký túc xá, khu ở ngoại trú; rà soát, phân loại đối tượng học sinh - sinh viên có liên quan đến tệ nạn ma tuý để phối hợp có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Sau 8 năm triển khai Kế hoạch hành động phối hợp phòng chống ma tuý giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT (từ năm 2008 đến nay), đã có 700 đơn vị trường học ký cam kết xây dựng nhà trường không ma tuý. Đã tổ chức gần 400 hoạt động giáo dục tuyên truyền từ cấp Trung ương đến cấp trường để quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống ma tuý cho trên 900 cán bộ, giáo viên và 20.000 HS-SV đã trở thành cộng tác viên, báo cáo viên và là những hạt nhân tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền, triển khai, quán triệt về công tác phòng, chống ma tuý.

Hàng năm, các lớp tập huấn về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý tại các khu vực nhạy cảm về ma tuý cho cán bộ, giáo viên được tổ chức nhằm nâng cao năng lực giảng dạy nội dung phòng chống ma tuý trong các môn học chính khoá và nâng cao hiệu quả việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khoá phòng chống ma tuý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là tình trạng cán bộ, giáo viên nghiện ma tuý ở vùng sâu, vùng xa tuy đã được kiểm tra, thống kê, xử lý và số lượng giảm dần nhưng luôn tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay vì việc cán bộ, giáo viên tham gia tệ nạn ma tuý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và chất lượng giáo dục. Trong khi đó, nhận thức của một số lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và HS-SV chưa đầy đủ, còn tình trạng khoán trắng cho giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn. Chưa phát huy tốt vai trò chủ động, tự giác của HS-SV tham gia phòng chống ma tuý trong trường học và cộng đồng. Kinh phí dành cho hoạt động ở cơ sở quá ít, thiếu công cụ, trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là các nhà trường phổ thông đóng trên địa bàn vùng khó khăn. Việc phát hiện, phòng ngừa nghiện ma tuý trong HS-SV để kịp thời có giải pháp phối hợp, giáo dục cũng gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu là phát hiện được khi HS-SV đã bị nghiện nặng, bỏ học hoặc vi phạm pháp luật….

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, công tác phòng chống ma tuý trong các trường học nhiều năm qua đã thu được kết quả đáng khích lệ, nhất là việc kiềm chế sự gia tăng số lượng người nghiện, làm giảm áp lực xâm nhập của ma tuý vào trường học. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng, chống ma tuý học đường, cần cụ thể hoá hơn nữa trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền, địa phương. Công tác giáo dục phòng chống trong nhà trường chỉ đạt kết quả tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền, gia đình và xã hội, trong đó gia đình và nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, giáo dục phòng chống ma tuý là vấn đề có tính cấp bách của thời đại và trở thành nội dung không thể thiếu trong nhà trường hiện nay.

Rà soát lại các kiến thức về phòng, chống ma túy

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” vào trung tuần tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại các kiến thức về phòng, chống ma túy đang được tuyên truyền từ bậc tiểu học đến đại học đã phù hợp, cập nhật với tình hình thực tế chưa, nếu không đổi mới phương pháp tuyên truyền, không tăng tính hấp dẫn để thu hút các em thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất hạn chế.

Bộ Công an cần tập trung chỉ đạo các lực lượng đấu tranh mạnh với tội phạm về ma túy, ngăn chặn không để hoạt động tội phạm lây lan, đặc biệt là triệt xóa các điểm, tụ điểm trong và ngoài nhà trường, bảo đảm môi trường lành mạnh cho các em học tập. Bộ TT&TT cần quản lý chặt chẽ hệ thống Internet, nhất là các trang mạng xấu phổ biến, lôi kéo thanh niên sử dụng ma túy và xử phạt nghiêm khắc các trang mạng có hành vi vi phạm. Các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng cần dành thời lượng thích hợp, xây dựng các chuyên mục và nội dung phổ biến về tác hại của ma túy tổng hợp và các kỹ năng sống để tránh xa ma túy. Ngành VHTT&DL cần thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như vutrường, nhà nghỉ, khách sạn không để trở thành nơi sử dụng ma túy. Chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm trong việc tuyên truyền cho thanh thiếu niên, nhất là các em không có điều kiện tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể xã hội.