Đảo có nhiều cái nhất Việt Nam
Các Website khác - 06/08/2008
Cồn Cỏ - hòn đảo Anh hùng nơi địa đầu tuyến lửa Vĩnh Linh, "chiến hạm không bao giờ đắm" của quân đội ta trong những năm chống Mỹ, nay đang chuyển mình đổi mới. Những ngôi làng, trường học dần mọc lên bên những hố bom... 

Màu xanh Cồn Cỏ - Ảnh: Tự Do

Những cái nhất

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ Lê Quang Lanh chiêu đãi đoàn chúng tôi hai món "đặc sản" của Cồn Cỏ: rượu cua đá và ốc thổ. Con "cá đua" hay cua đá thì ai cũng biết vì đã quá nổi tiếng rồi, nhưng còn món ốc thổ thì mới nghe lần đầu. Chúng tôi cứ vừa loay hoay đập bôm bốp con ốc xuống bàn để ăn theo hướng dẫn của chủ nhà, vừa nghe ông Lanh kể chuyện xây dựng đảo. Ông vẫn giữ được cái chất trẻ trung, vui nhộn của một cựu Bí thư tỉnh đoàn nên câu chuyện cứ rôm rả.

"Không ở đâu làm Chủ tịch huyện khỏe như chỗ ni, ba năm rồi mà tôi chẳng nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo chi hết" - ông tếu. "Nhưng xây nhà thì khổ, có cái trụ sở UBND huyện mà xây gần cả năm vẫn chưa xong, cứ biển động là không làm ăn chi được". Ngừng một chút, ông chuyển sang nói về những cái nhất của đảo, cái giọng Quảng Trị nghe ngồ ngộ: "Đảo nhỏ rứa mà nhiều cái nhất lắm: huyện đảo trẻ nhất, đường nhựa ngắn nhất, dân số ít nhất. Lại còn có hệ sinh thái đa dạng, có rừng nguyên sinh, miệng núi lửa, bãi biển hoang sơ, ngư trường rộng lớn, lịch sử oai hùng. Nhiều tiềm năng quá nên tụi tôi làm quy hoạch cho đảo mất đến 2 năm, cuối cùng quyết định xây dựng theo hướng đảo du lịch-văn hóa-thanh niên-an toàn, với 2 ngành trọng điểm là du lịch-dịch vụ và nghề cá".

Anh Võ Văn Thưởng cắt băng khánh thành Nhà văn hóa TNXP Cồn Cỏ

Trong buổi lễ khánh thành Nhà văn hóa của đảo, anh Võ Văn Thưởng đã khẳng định tuổi trẻ cả nước sẽ tiếp tục hướng về Cồn Cỏ, phấn đấu xây dựng Cồn Cỏ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thuận lợi, một địa chỉ tốt nhất để giáo dục lý tưởng và ý chí kiên cường bất khuất cho thế hệ trẻ VN. Nhân dịp này, lãnh đạo T.Ư Đoàn đã nhất trí hỗ trợ cho đảo một tàu đánh cá, xây một đài tưởng niệm, giúp đưa thêm 20 hộ gia đình ra đảo lập nghiệp.

Trò chuyện thêm với ông, chúng tôi được biết lãnh đạo huyện rất coi trọng yếu tố "văn hóa" của đảo trong quá trình phát triển du lịch. Theo quan điểm của ông chủ tịch, ngoài những giá trị lịch sử của Cồn Cỏ, "văn hóa đảo" còn thể hiện ở sự chấp hành luật pháp của người dân. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập huyện, ông đã yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, dù lớn hay nhỏ. Hiện dân số Cồn Cỏ khoảng 400 người, hầu hết là bộ đội, cán bộ công chức, dân thường chỉ 45 người, nên an ninh trên đảo rất tốt. "Ở đây vi phạm chủ yếu là phạm luật giao thông, chứ tệ nạn xã hội hay án hình sự thì tuyệt chủng" - một anh ngồi cùng bàn với tôi kể. "Đảo chỉ có 10 xe máy, đường thì vắng, không có ngã tư nhưng không đội mũ bảo hiểm hoặc chở ba là bị phạt ngay. Tối vừa nhậu với công an nhưng sáng hôm sau hắn phạt mình là chuyện bình thường". Nghe vậy, ông Lanh bổ sung: "Đợt rồi cấm xe công nông, chắc Cồn Cỏ là nơi chấp hành nghiêm nhất, dù đây là loại phương tiện chính trên đảo". Đoạn ông phân bua: "Lúc nãy phải để khách quý đi bộ vì cả đảo chỉ có 2 ô tô, chiếc U-oát thì vừa mới hỏng, còn chiếc Benz chở cát thì mới có quy định cấm đứng trên thùng xe. Ai lại để Bí thư thứ nhất phạm luật". Anh Thưởng và mọi người phá lên cười vui vẻ.

Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn với việc quản lý "chặt" như vậy sẽ khó thu hút du lịch, ông Lanh bảo muốn trở thành đảo văn hóa thì dù là việc lớn hay nhỏ cũng cần phải làm nghiêm ngay từ đầu để tạo thành nền nếp cho người dân. "Một khi Cồn Cỏ xây dựng được thương hiệu "đảo văn hóa", chắc chắn du lịch sẽ phát triển" - ông khẳng định.

Điều kỳ diệu

Ông Lanh dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo. Không khó để nhận ra sức sống mới đang lan tỏa trên mảnh đất này. Những hàng dừa xanh mướt nằm dọc theo các con đường trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì. Bên những hố bom Mỹ sâu hoắm giờ đã được dân đảo chuyển mục đích sử dụng thành ao chứa nước, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Cạnh cầu tàu cũ là một cầu cảng mới xây khá hoành tráng có thể đón được tàu trọng tải lớn. Cách đó không xa, gần căn chòi trên cây huyền thoại, nơi ngày xưa người anh hùng Thái Văn A đứng trinh sát máy bay địch là Đài hải đăng Cồn Cỏ vừa khánh thành năm 2007. Những doanh trại bộ đội thơm màu vôi mới mọc lên san sát bên những lô cốt, địa đạo hằn dấu bom đạn của thời chống Mỹ.

Anh Võ Văn Thưởng (giữa) và ông Lê Quang Lanh (bìa trái) cùng vui với tiếng hát trẻ thơ trên đảo anh hùng - Ảnh: Tự Do

Cồn Cỏ thuộc vùng biển Quảng Trị, cách đất liền khoảng 30 km, nằm ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ. Tuy chỉ là một đảo nhỏ (diện tích 2,2 km2) nhưng do nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông nên trong những năm chống Mỹ, đây là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Đảo Cồn Cỏ đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Sau năm 1975, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang đồn trú. Tháng 10.2004, Cồn Cỏ trở thành huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Trị, xây dựng theo mô hình đảo thanh niên.

Dọc con đường trung tâm từ UBND huyện đến Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đỉnh đồi Hỏa Lực, dấu ấn đổi mới càng rõ nét. Làng thanh niên lập nghiệp với 13 hộ gia đình sống trong những ngôi nhà kiên cố mái ngói đỏ tươi. Cạnh đó, lớp mầm non Hoa Phong Ba và Nhà văn hóa Thanh niên xung phong do T.Ư Đoàn xây tặng với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng hiên ngang nhìn ra biển Đông. Xa xa, trụ sở mới của UBND huyện đang được xây dựng...

Chúng tôi được ông Lanh đưa vào thăm lớp mầm non Hoa Phong Ba, nhà trẻ duy nhất trên đảo vừa được thành lập ngày 17.4.2008. Lớp học rộng khoảng 25m2 được xây dựng khá khang trang, phía trước có một khoảng sân nhỏ để các cháu chạy nhảy. Chủ nhiệm lớp là cô Hoàng Thị Thắm, 24 tuổi, quê ở Vĩnh Linh. Thắm kể vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mầm non Nha Trang xong là cô tình nguyện ra đảo công tác, đến nay đã gần được nửa năm. Hiện lớp có 2 cô giáo và 10 học sinh, cháu lớn nhất gần 5 tuổi, cháu bé nhất mới lên 2, tất cả đều là con của các hộ gia đình thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp từ năm 2002 đến nay. Do ít học sinh nên lớp không chia ra các bậc mầm, chồi, lá như những nhà trẻ thông thường, các cô giáo cứ dựa vào khả năng của từng cháu mà dạy dỗ cho phù hợp.

Khi chúng tôi đến thăm, các cháu đang tập hát. Nhìn những gương mặt trẻ thơ bi bô hát bài Cháu lên ba, anh Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã xúc động gọi đó là "Điều kỳ diệu mang tên Cồn Cỏ". Không kỳ diệu sao được nếu biết rằng hòn đảo này một thời từng là "tọa độ chết", những hố bom, mảnh đạn giờ vẫn còn rải rác khắp nơi. Mới chỉ vài năm trước thôi, Cồn Cỏ còn có tên là "Đảo đàn ông" vì trên đảo chỉ toàn nam giới, không một bóng hồng nào dám định cư vì đời sống quá thiếu thốn, gian khổ, lính đảo thường nói vui rằng ở đây đi hành quân không cần mặc quần áo. Vậy mà chỉ sau 6 năm xây dựng theo mô hình đảo thanh niên, những nữ thanh niên xung phong đã xuất hiện trên đảo, 13 tổ ấm đã hình thành, 10 công dân "nhí" đầu tiên của huyện đảo đã chào đời.

Cần lắm những tấm lòng

Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện nay Cồn Cỏ vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn. Ông Lanh cho biết đảo chưa có trạm phát điện, thiếu các bể chứa nước dung tích lớn, ít giếng khoan và chỉ có duy nhất một trạm quân y dụng cụ sơ sài, nên dù ở gần bờ và có nguồn nước ngọt nhưng dân đảo vẫn phải sống trong tình trạng "3 khát" (khát điện, khát nước, khát chăm sóc sức khỏe) như các đảo xa.

Ngoài ra, do kinh tế của đảo chưa phát triển nên hầu hết các hộ thanh niên xung phong ra đảo đều chưa có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn. Đây chính là vấn đề cấp bách mà lãnh đạo huyện đang tập trung giải quyết. "Điều mà Cồn Cỏ cần nhất lúc này là sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa của T.Ư và tỉnh Quảng Trị, sự góp sức của các bạn trẻ thanh niên xung phong. Được như thế, Cồn Cỏ sẽ thoát nghèo" - ông Lanh chia sẻ.

Tự Do