Làng cổ bên sông Thu Bồn
Các Website khác - 06/08/2008

Chiếc ghe máy ở bến đò sau chợ Trung Phước đưa chúng tôi sang sông. Trưa, nắng tháng Tám phản chiếu trên mặt sông Thu Bồn lấp lánh. Bên kia bờ, Đại Bình như một ốc đảo bình yên, tĩnh mịch ẩn mình sau những rặng tre um tùm như thành lũy dựng ở triền sông.

Cổng chào làng văn hóa Đại Bình

Làng cổ Đại Bình còn có tên gọi là Đại Bường, nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Sông Thu Bồn được mệnh danh là “cội nguồn xứ Quảng”, đã bồi đắp, hào phóng ban tặng phù sa để dần hình thành được một làng quê trù phú như những miệt vườn cù lao ở Nam bộ. Hầu hết các loại cây của mọi miền đất nước đều có thể ra hoa kết trái ở Đại Bình.

Ngoài những loại cây trái thông thường của vùng quê miền Trung như ổi, mít, mãng cầu ta, chuối... Đại Bình còn có cả xoài, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... của vùng miệt vườn Nam bộ. Ngoài ra, trong làng còn có quả trụ, trái lòn bon - một loại trái cây đặc sản ở Đại Bình mà nhà nào cũng trồng. Mùa nào quả ấy, ghe thuyền thương hồ ngược xuôi, tấp nập chở đầy cây trái xuôi về Đà Nẵng, Hội An...

Du khách hái bưởi trong vườn “cây Nam bộ”

Các bô lão trong làng kể rằng trong những năm chiến tranh ác liệt, cả vùng đất Quế Sơn không nơi nào không hứng chịu bom đạn khốc liệt, nhưng Đại Bình vẫn bình yên. Có lẽ vì thế nên làng Đại Bường đọc trại thành Đại Bình (bình yên lớn). Theo gia phả của tộc Nguyễn Kim và tộc Trần Kim, ông bà họ đi khai phá đất đai từ thời vua Thái Đức (niên hiệu của Minh Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc, bắt đầu từ năm 1778). Nơi đây, có giống trụ quả lớn, vỏ ngoài có lông măng, múi ngọt, thanh hơn cả thanh trà xứ Huế.

Ngoài ra còn có giống bòn bon trái nhỏ, một đặc sản của xứ Quảng, mọc trên vùng núi phía Tây Quảng Nam cũng khá phổ biến trong vườn nhà Đại Bình. Tương truyền, lúc bị anh em nhà Tây Sơn đuổi chạy, Nguyễn Ánh lạc vào rừng. Trong lúc đói lòng, ông gặp trái lòn bon và ăn để lấy sức. Lúc lên ngôi, Gia Long đã phong tước cho loại trái cây này là “trái cây tiến vua”.

Bờ tường rêu phong cổ kính

Đi lên những bậc thang qua cổng làng Đại Bình, chúng ta gặp ngay một khung cảnh thanh bình, yên ả, trù phú với những vườn cây xanh mát. Ra tận cổng làng đón khách, các vị bô lão trong làng hồ hởi dẫn chúng tôi đi khắp làng. Càng đi sâu vào làng, ngang qua những khu vườn cây xanh bóng mát mới thấy quả trụ đúng là thứ trái cây đặc sản của Đại Bình. Hồi đầu mùa, một chục trụ loại một (12 quả) có giá 80.000 đồng.

Bà Phan Thị Sương, chủ nhân của một khu vườn cho biết trong số trên 30 cây sầu riêng trong vườn nhà bà, trừ những cây còn non, số cây từ 20 năm tuổi trở lên vẫn còn trái và sẽ chín lần lượt cho đến đầu tháng 10 mới hết. Sầu riêng Đại Bình cho trái nhỏ hơn sầu riêng Nam bộ, nhưng hầu như không có múi lép, vị lại béo ngọt và hương cũng đậm đà hơn. Tiếc là cơn bão số 6 năm 2006 đã làm gãy, đổ số lớn cây sầu riêng cổ thụ ở làng.

Vườn bà Sương có cây măng cụt lớn với cành lá sum suê che mát một góc vườn. Dưới gốc cây, chủ nhân có đặt bộ bàn ghế. Chúng tôi được mời ngồi ăn các loại trái cây và nghe bà hát dân ca mà thấy cuộc sống nơi đây thi vị làm sao. Hầu như khắp làng, vườn nhà ai cũng có cây lòn bon với những chùm quả đang bu bám, treo dưới những cành lá rất ngộ nghĩnh. Ấn tượng nhất là đến tham quan ngôi nhà cổ có trên 100 năm tuổi nằm ở bờ sông. Ở đây có thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ những hoa văn, họa tiết, những cây cột đá, mái ngói rêu phong cổ kính, những mảng tường xây bằng đá cổ…

Khám phá những cây cột đá trong ngôi nhà cổ

Ngoài ra, làng Đại Bình còn có ba điều đặc biệt mà ít làng nào có được: thứ nhất, con gái ở đây nổi tiếng đẹp người, đẹp nết; thứ hai, làng không hề có tiếng động cơ xe máy, xe công nông; thứ ba, chỉ có thể vào làng bằng đò ngang…

Con đò nhổ neo rời bến đã xa bờ, những bàn tay “làng cổ” vẫn vẫy chào trên bến nước chiều thu, khiến lòng du khách không khỏi bùi ngùi, lưu luyến. Mong có ngày về thăm lại Đại Bình, gặp lại những con người ân tình mộc mạc, chân tình, cởi mở và còn được thưởng thức các loại trái cây, thấm đậm nghĩa tình của những người dân sản xuất.

Theo HÒA VANG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần