Đến La Habana, lên rừng xuống biển
Các Website khác - 18/11/2008

 

Trong khu phố cổ ở trung tâm La Habana có một quán bar thu hút đông du khách, vì đó là nơi Hemingway thường lui tới trong lúc viết tiểu thuyết nổi tiếng Ông già và biển cả. Tượng Hemingway to bằng người thật, gắn vào một góc bàn, như đang uống cùng mọi người. Hầu như ai cũng đến đó, chụp ké với tượng nhà văn nổi tiếng này trong tiếng nhạc ông ưa thích, do ban nhạc sống chơi ở góc quán.

Một khách sạn ở trung tâm La Habana

La Habana có hai khu, cổ và hiện đại, nối với nhau bằng một đường hầm và viền quanh là đại lộ Malecon ven biển, dẫn tới pháo đài thời trung cổ. Trên núi pháo đài nhìn ra toàn cảnh thành phố, vẫn giữ truyền thống cứ 9 giờ tối lại cử hành một lễ bắn thần công.

Một đội lính trong quân phục xưa, vác kiếm, súng trường, đuốc, thuốc súng, cây thông nòng, cưỡi ngựa và chạy bộ trong tiếng kèn xung trận. Các thủ tục rất long trọng trước khi bắn một phát duy nhất ầm vang, báo hiệu cho cả thành phố.

Tòa nhà Capipolio ở trung tâm La Habana

Kiến trúc cổ thời thực dân Tây Ban Nha hoành tráng, những chiếc xe ngựa kiểu xưa cao lênh khênh, những chiếc taxi màu vàng tròn như con rùa, những chiếc xe hơi cổ... quyện với những điệu nhạc, điệu nhảy sôi động khắp ngõ ngách, tạo ra không khí rất riêng cho Habana.

Xe ngựa trong thành phố

Người Cuba chân chất và thân thiện hiếm thấy, vui vẻ và nhẫn nại không ngờ. Người ta có thể kiên nhẫn xếp hàng dài cả vài trăm mét chỉ để mua một cây kem, hay chen chúc trong trật tự để lên xe bus hoặc mua vé xem một bộ phim nước ngoài.

Nhưng ý thức sinh hoạt cộng đồng của người dân Habana rất cao. Tất cả các xe khi đến vạch dành cho người đi bộ, đều buộc phải dừng lại, dù có người qua đường hay không, đó là luật. Người lái xe cho chúng tôi giải thích như thế khi khách tò mò hỏi chuyện. Anh ta chỉ cho chúng tôi thấy những đám đông đứng ở ngã tư, hay trên quốc lộ:

 - Tất cả các xe công đều buộc phải dừng lại để đón khách đi cùng chiều, cùng đường với mình. Khách lạ lên xe, đi dài hay ngắn, xuống bất cứ chỗ nào, không phải trả một xu.

 - Thế, nếu không cho người ta lên thì sao?

 - Anh nhìn thấy gì chưa? Kia kìa, có một người mặc đồng phục gì đó (như là người của ngành giao thông), tay cầm một cặp táp để sẵn mấy tờ giấy. Ông ta sẽ ghi lại số xe và mọi chuyện sẽ phiền. Ông ấy thường đứng ngay phía đầu đường, vẫy các xe, thỏa thuận với lái xe, sắp xếp cho những người đang xếp hàng đằng sau.

Hỏi thêm mới biết chỗ nào không có nhân viên này, mọi chuyện cũng vẫn như thế, khách tự vẫy xe, nói đường đi, nếu trùng đường là lên xe, đương nhiên làm thượng đế. Người ta quen như thế. Lý do đơn giản: Xe nhà nước phải phục vụ nhân dân, giúp vào việc giải quyết vận tải hành khách công cộng. Chỉ có xe không phải của nhà nước là có quyền nhận hay không nhận khách, lấy tiền hay không lấy tiền.

Xe ba bánh và taxi

Lại có các kiểu hợp tác xã tập hợp các xe tư nhân, chạy như xe bus theo tuyến, đúng giờ là chạy theo lộ trình, tiền tính theo... ngã tư. Chạy thẳng bao xa cũng không sao, nhưng cứ quẹo một cái (theo lộ trình) là tính thêm một khoản tiền. Nhưng khá rẻ, chỉ tội xe cũ, nóng, kêu ành ạch, nhồi bao nhiêu người cũng được.

Cuba là thiên đường của các loại xe cổ. Chỉ có các cơ quan quan trọng mới có các xe “đời mới”, tức là tương đối mới. Hầu hết toàn xe cổ, các loại xe Mỹ thời những năm 1940-1950, thậm chí những năm 1930 hoặc cổ hơn. Các loại xe thời Liên Xô trước đây như Lada, Volga... hay xe máy như Inge, Minsk... đã coi là khá tân thời và thuộc hàng mới rồi.

Một bác tài có chiếc Peugeot 404 toòng toọc rất tự hào khoe hàng của mình. Nó được lau chùi có vẻ cẩn thận, nhưng máy xịt khói đen và kêu như ngỗng. “Bạn thích không, tớ để lại cho, rẻ thôi, chỉ... CUC (loại tiền peso chuyển đổi được)”. Tính nhẩm ra, cũng cỡ đến hơn 2.000 USD!

Xe bus

Những chiếc xe bus to như đầu tàu xe lửa, chạy bằng dầu khói đen mù mịt. Mỗi lúc khởi động hay sang số là cứ hậc hậc lên như những chiếc máy xúc ở công trường, khịt ra một dải khói đặc kịt, bất chấp ở đâu, trung tâm thành phố, khu du lịch...

Một hôm đi taxi, mới thấy cái cảm giác thích thú như tham gia một trò chơi mạo hiểm. Xe ba bánh, tròn như con rùa, không có cửa. Tài xế ngồi trước, hai ghế nhựa đằng sau dành cho khách. Máy xe hai thì, xe chạy nghiêng ngả đong đưa vì không có nhíp mà chỉ có lò xo.

Chị lái xe hôm ấy vất vả vì thi thoảng tắt máy, phải xuống đạp cần khởi động tíu tít. Chạy một lúc, hết xăng (một mặt hàng phải mua bằng tem phiếu), chị loay hoay moi dưới ghế một chai xăng bằng chai xá xị. Đổ vào lại nổ phành phạch, một chút kinh hãi vì khách ngồi ngay trên mấy chai xăng.

Taxi con rùa

Xe cộ như thế, nhưng người Cuba tương kế tựu kế, nghĩ ra những cách làm du lịch thú vị. Những chiếc xe cổ được đem ra làm xe khách chạy đường rừng. Những vị khách phương Tây vô cùng hứng khởi khi được ngồi trên những chiếc Zil ba cầu của Liên Xô trước đây, đằng sau gắn ghế băng gỗ như thời chở lính, nghiêng ngả lướt trên những con đường trơn trượt của rừng nhiệt đới.

Xe Zil làm du lịch

Những con đường rừng không khác gì đường Trường Sơn thời chiến tranh ở Việt Nam. Gồ ghề, lồi lõm, dốc ngoặt với những lõm bánh xe sâu hoẳm. Nhiều lúc nó trượt lùi khiến khách hú lên thích thú.

Mấy ông khách người Ý, tình cờ lại là các kỹ sư trẻ làm trong ngành ôtô. Cả chuyến đi trên chiếc Zil, họ luôn hò reo và cho biết là không thể tưởng tượng được họ lại có cơ hội ngồi trên một chiếc xe nổi tiếng thời Liên Xô nay còn lại rất ít. Trở về trạm, họ còn đòi mở ca-pô ra cho ngắm, thích chí ngồi vào tay lái hò reo...

Khách khoái xem xe Zil

Ngoài các khu phố cổ kính, các viện bảo tàng sinh động, các bờ biển xanh biếc màu bích ngọc, cát trắng và mịn ít nơi có, Cuba còn có những sản phẩm du lịch rất tự nhiên. Chẳng hạn trong chuyến đi bằng xe Zil này, đích đến chỉ là mấy cái thác trong rừng sâu, nhưng tiếp theo con đường rừng xe chạy được là con đường mòn thời chiến tranh du kích.

Khách cũng giống như các du kích ngày xưa, lội rừng, vượt suối, leo cầu khỉ, băng qua những khu rừng nguyên sinh, với những cây cổ thụ, những tổ kiến cổ xưa... Một bữa cơm rừng, với món truyền thống là cơm đậu đen với khoai luộc, ít thịt, lạ và rẻ.

Du khách leo cầu khỉ

Không tốn nhiều tiền để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại cảm giác lạ và mạnh là cách tận dụng những gì vốn có. Ngành du lịch Cuba không cần phải chạy đua với các “tiêu chuẩn”. Cái có thể khác lạ, là chuyến đi rừng ở chiến trường xưa, làm theo kịch bản chiến đấu của du kích xưa, nhưng lại không nhấn mạnh khơi gợi chiến tranh, mà chỉ hướng vào môi trường.

Những nét nhăn không xuất hiện trên mặt du khách mà chỉ thấy ở họ sự thỏa mãn thích thú được khám phá và vượt qua thách thức. “Cái nào cũng tới bến cả”, mấy ông khách người Ý này “gút” lại như vậy sau cả chuyến đi biển, đi rừng và cả đi thăm phố cổ.

Một tour du lịch lên rừng xuống biển ở Cuba không chỉ thấy hòn đảo ấy đúng là thiên đường du lịch, mà còn thấy cách tận dụng những cái có để gột nên cái chưa có.

Món cơm đậu đen truyền thống

Sửa xe ngay trên đường phố

Trên phố trung tâm La Habana

Bài: MAI THẾ ĐÀO - Ảnh: DU DI