Các cụ có câu "Cầu được ước thấy", và tôi vừa ước được cùng em đi trên một con đường đầy lá vàng rơi (để cho em đếm), thì mới đây thôi, ước muốn của tôi đã thành sự thật.
Tuy nhiên, các cụ lại có câu "dục tốc bất đạt", giấc mơ của tôi được hiện thực sớm quá nên sự thật không được trọn vẹn và lung linh như trong cơn mơ. Không có "em", chính tôi mới là người "được" đi đếm lá. Đúng là "quả báo nhãn tiền", hic!
Nikko là một địa điểm du lịch đầy thơ mộng của Nhật Bản. Nơi đây, cảnh sắc sơn thủy hữu tình, bốn mùa hoa tươi cỏ lạ, trăm hoa đua nở, mỗi mùa của một vẻ đẹp riêng đặc trưng. Mùa đông là tuyết trắng bao phủ, mùa hạ là sắc xanh ngút ngàn (theo đúng nghĩa đen, bởi suốt dọc núi, các cánh rừng bao phủ, mùa hè lá xanh mát mắt). Dọc theo chân núi là "róc rách róc rách nước luồn qua... khe suối". Đến mùa xuân, có hoa có cỏ.
Tôi đến đây vào mùa thu, để chứng kiến một vùng rừng núi rộng lớn đầy màu sắc, và để thực sự hiểu được khái niệm "mùa thu vàng" từ lâu đã đi vào nhiều áng thơ văn bất hủ, và với tôi đây là một hình ảnh huyền thoại.
Muốn hình dung về khu vực này, bạn hãy nhớ lại cấu trúc của các khu rừng quốc gia như Cúc Phương, Ba Vì của Việt Nam, hoặc liên tưởng đến Sapa cũng được. Từ dưới thị trấn, có một số đường chạy men theo núi đưa khách du lịch lên cao dần. Tiến bước từ dưới chân núi lên cao dọc theo con đường núi Irohazaka, du khách sẽ dần dần tiếp cận các địa điểm du lịch trọng điểm của Nikko, như sông Daiya, thác Ryuzu hay Yudaki, hồ Chuzenji và núi Nantai, các ngôi đền chùa... (chà, có thông tin nào không chính xác, đề nghị mọi người đính chính, thanks!).
Để đến được các địa điểm trên, khách có thể cuốc bộ, hoặc đi bằng xe bus. Hệ thống giao thông công cộng của Nhật Bản vốn nổi tiếng là thuận tiện với tàu điện, taxi, xe bus... Và ở Nikko, xe bus là một phương tiện phục vụ khách du lịch hết sức hữu hiệu, có rất nhiều tuyến chạy lên chạy xuống suốt cả ngày, từ sáng sớm đến tối mịt (thương các bác tài xế quá!).
Và để dễ hình dung hơn, xin gửi đến các bạn một số hình ảnh thiên nhiên, cây cỏ và con người mà tôi đã chụp được trong chuyến đi này.
Khuyến mãi chút xanh cho đỡ hoa mắt vì bên trên toàn vàng với đỏ này
Năm nay, dường như mùa lá đỏ ở Nikko đến sớm hơn mọi năm, và có thể nói lịch trình của tôi đến Nikko vào đầu tháng 11 là hơi muộn. Phía trên cao (ở phần trên của núi), sau một vài cơn mưa nhẹ, lá đã rụng đáng kể, chỉ còn trơ trụi cành, còn ở dưới thấp thì tình hình khả quan hơn, hy vọng qua các bức ảnh, các bạn có thể hình dung được những dải cây vàng, đỏ bao phủ đồi núi.
Do bận vào buổi sáng (bận học đấy các bạn ạ), chiều mới đi, nên tối mịt tôi mới lò dò lên núi, và rút cuộc tôi chỉ có một buổi sáng ngày hôm sau để nhởn nhơ trên tuyến đường Irohazaka, không đủ để đi hết những nơi nên đi. Tuy nhiên, nhìn chung, lá cây ở đâu thì cũng là lá cây, có lá xanh, lá vàng, lá đỏ, nhìn thế là đủ. Hơi tiếc là núi thì rất nhiều, mà thác, hồ lại ít, chỉ ngắm được núi thì không thể đầy đủ cho trọn vẹn "sơn thủy hữu tình" được, đành ngắm tạm suối vậy!
Và cũng để bổ sung phần "thủy", xin mời các bạn nếu có dịp thì đến với Nikko để đi... đạp vịt kiểu Nhật Bản. "Vịt Nhật Bản" đạp nhàn hơn vịt Việt Nam nhiều, bởi đây toàn là các cỗ máy có gắn động cơ cả. Còn có cả canô, không biết là canô cứu hộ hay canô cho du khách thuê. Tôi còn chu đáo chụp sẵn bảng giá cho các bạn tham khảo trước.
Trên đường "hạ sơn", tại cây cầu thiêng Shinkyo, tình cờ tôi được chứng kiến một đám cưới truyền thống của Nhật Bản đang quay phim chụp ảnh. Nói là đám cưới, vì mọi người bảo thế, chứ tôi thấy lèo tèo người, mà cái áo trắng cái bà béo béo kia mặc có phần giống áo tang hơn áo cưới nhỉ! Nếu bạn nào biết rõ đây là đám gì, xin để lại comment.
Theo Ngoisao.net
▪ Seoul những ngày cuối thu (18/11/2008)
▪ Đến La Habana, lên rừng xuống biển (18/11/2008)
▪ Du ngoạn thác Voi (17/11/2008)
▪ "Kinh ngạc Ấn Độ" (17/11/2008)
▪ Trăng mật ở Hội An (15/11/2008)
▪ Darwin mùa khám phá (15/11/2008)
▪ Bãi Tràm và những giấc mơ xưa (15/11/2008)
▪ Thư giãn cuối tuần ở Santo Domingo (14/11/2008)
▪ Những điều chưa biết về đậu phụ (14/11/2008)
▪ Lệ Giang thành cổ quyến rũ (14/11/2008)