Làng cổ mang hồn phố
Các Website khác - 16/09/2008
 
Cổng làng Cự Đà.
                                                 
Cự Đà nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng hơn 20km, là một ngôi làng còn giữ được khá nguyên vẹn nhiều công trình kiến trúc cổ, nhất là gần 100 ngôi nhà với tuổi đời trên dưới trăm năm...

Trong đó có hàng chục nhà biệt thự kiến trúc Pháp hồi đầu thế kỷ. Tuy nhiên, nếu không có phương án bảo tồn kịp thời, nguy cơ mất những ngôi nhà cổ này là rất lớn.

Làng - phố thị

Cự Đà thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Xưa kia, làng được xếp vào hàng cự phú, do có điều kiện thuận lợi cho giao thương. Với vị trí ven sông Nhuệ, Cự Đà trở thành trung tâm buôn bán, trao đổi, cung cấp hàng hóa cho cả vùng. Những mặt hàng chủ yếu thời đó là mía, đỗ, lạc, vải vóc, thóc gạo, muối… Do giao lưu buôn bán với người từ nhiều vùng khác nhau nên Cự Đà sớm tiếp thu được nếp sống văn minh.

Ngay từ rất sớm, khoảng những năm đầu thế kỷ 20, Cự Đà là làng đầu tiên của Hà Đông có điện, dù chỉ là điện thắp sáng ngoài đường. Theo nghiên cứu của anh Vũ Văn Bằng, Trưởng ban văn hóa xã, thời kỳ này ngay cả dinh tổng đốc Hà Đông cũng chưa có điện. Đường làng chạy men bờ sông, được lát gạch nghiêng, có cả đường thoát nước cho từng nhà, các xóm được quy hoạch đều tăm tắp dọc theo con đường. Tất cả các xóm đều có biển tên, từng nhà đều được đánh số không khác gì một khu phố của Hà Nội. Mỗi xóm, mỗi nhà đều có các cổng vòm, đến nay phần lớn vẫn còn và giữ được khá nhiều chi tiết trang trí. Những ngôi nhà cổ cũng được xây dựng nhiều nhất chính trong thời kỳ này.

Người Cự Đà xưa kia đi làm ăn xa ở nhiều nơi, đến đâu cũng lấy chữ Cự tên làng làm tên hiệu, thể hiện tấm lòng hướng về quê hương. Có thể kể đến những nhà cự phú của Hà Nội, như cụ Cự Gioanh, và bà Cự Chân con gái cụ, những người đầu tiên mở xưởng dệt và làm nên phố Hàng Quạt, Hà Nội. Ngôi nhà của cụ Cự Gioanh hiện nay vẫn còn ở đầu xóm Đồng Nhân Cát.

Nhà cổ làng Cự Đà.

Nhà cổ, kho báu của làng

Sự văn minh cũng thể hiện  rõ nét nhất trong những nếp nhà của người dân. Những ngôi nhà trong làng, theo lối kiến trúc nhà thuần Việt hoặc nhà kiểu Pháp, hoặc kết hợp cả hai kiểu kiến trúc này. Anh Bằng cho biết, theo thống kê trước năm 1975, trong làng còn khoảng 100 ngôi nhà cổ, trong đó có 25 nhà theo kiến trúc Pháp, xây hai tầng. Số còn lại là nhà kết hợp Á – Âu và nhà mang nét kiến trúc đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, còn gọi là nhà Đại khoa. Một trong những căn nhà tiêu biểu còn giữ được khá nguyên vẹn kiểu kiến trúc này là căn nhà của gia đình ông Trịnh Thế Sủng, số 11 xóm Đồng Nhân Cát.

Căn nhà được cụ nội ông Sủng xây dựng vào năm 1874, theo lối kiến trúc thời Nguyễn. Nhà làm phần lớn bằng gỗ, không có tường, chỉ có những cánh cửa bức bàn, mùa đông hạ xuống, mùa hè dựng lên cho mát. Các chi tiết trên cột nhà, xà nhà được chạm khắc rất tinh xảo và đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhà có kết cấu ba gian, gian giữa dùng để thờ, với bộ bàn thờ tổ tiên tuổi đời hàng trăm năm vẫn được gia đình giữ gìn. Hai gian bên dùng cho sinh hoạt. Lòng nhà sâu, nên mùa hè trong nhà rất mát mẻ, còn mùa đông lại ấm áp. Kiểu cửa bức bàn này ngày nay ở Cự Đà không nhiều nhà còn giữ được, bởi lý do an ninh và không còn thuận tiện, phù hợp với cuộc sống ngày nay.

Đồng Nhân Cát là xóm còn giữ được khá nhiều nhà cổ, khoảng 30 ngôi. Đầu xóm, còn căn nhà của ông Trịnh Văn Cơ, xây từ năm 1900, có năm gian. Ba gian giữa dùng để thờ hai bên nội ngoại và Thổ công, gian nhà khách còn gọi là nhà Tây được bố trí đẹp nhất, dùng làm nơi tiếp khách, còn nhà ngang là nơi gia đình sinh hoạt.  Hiện nay, trải qua chiến tranh và do ảnh hưởng của thời gian, căn nhà chỉ còn gian nhà ngang hai tầng. Ông Cơ cho biết, hiện nay trong làng chỉ còn một số nhà như thế này, một số nhà xây hình chữ môn kết hợp với nhà tầng, đặc biệt có ngôi nhà được lợp bằng ngói Hưng Ký, chính là loại ngói lợp chùa Hưng Ký ở Minh Khai (Hà Nội). Tương truyền, khi lợp xong, có người đã chạy thử trên mái ngói này mà mái vẫn không hề hấn gì.

Những năm 1929, khi điện bắt đầu về làng, cùng với sự giao lưu với người Pháp, những ngôi biệt thự theo kiểu Pháp cũng bắt đầu xuất hiện ở đây. Phổ biến nhất là kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ, với những phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà lát gạch hoa.

Một trong những căn nhà có kiến trúc tiêu biểu này ngôi biệt thự của ông Đinh Văn Tường, nằm ở ngay đầu xóm An Lạc. Căn nhà đến nay đã có hơn trăm năm tuổi đời, với nhiều hoạ tiết trang trí trên tường và toàn bộ tầng 1 vẫn còn khá nguyên vẹn. Một nửa tầng hai đã đổ nát, nhưng vẫn còn bốn chữ “Thanh phong minh nguyệt” (Gió mát trăng thanh) trên bức tường áp mái được khảm bằng sứ. Đây cũng là một di tích lịch sử thời kháng chiến chống Pháp. Tấm bia đặt bên tường nhà ghi rõ, năm 1947, tại căn nhà này, năm chiến sĩ tự vệ Hà Nội đã chiến đấu quyết tử chống lại 200 lính lê dương Pháp, tiêu diệt 57 tên, ba chiến sĩ hy sinh. Hiện nay căn nhà đã hư hại nhiều, nửa tầng trên đã đổ nát.

Bên cạnh những di sản nhà cổ, đình chùa, miếu… Cự Đà còn giữ được một số hiện vật lịch sử có giá trị, như đôi kiệu có niên đại khoảng 200 năm, tương truyền là vật báu của vua Lê Cảnh Hưng…

Khi nhà mái bằng lấn dần nhà cổ

Những ngôi nhà mái bằng đã dần thay thế những nhà cổ ở làng Cự Đà.

Những ngày này, nhiều ngôi nhà cổ đang biến mất dần ở làng Cự Đà. Trong đó, đáng tiếc nhất là ngôi nhà có tuổi đời khoảng 300 năm của bà Hai Chiếu, ước tính được xây dựng vào thời Lê. Do một vài nguyên nhân, giờ đây ngôi nhà đã bị phá để xây nhà hiện đại. Trong làng, những ngôi nhà mới hai ba tầng, nhà mái bằng xen kẽ với những ngôi nhà cổ đã phá vỡ sự hài hòa của không gian kiến trúc truyền thống.

Anh Vũ Văn Bằng cho biết, khoảng thời gian từ những năm 1980 đến gần đây, nhà cổ bị phá nhiều, do nhu cầu về mặt bằng sản xuất. Cự Đà có nghề làm miến, cần nhiều chỗ phơi, nên người dân Cự Đà dù không muốn nhưng vẫn phải phá những căn nhà mái ngói để xây nhà mái bằng lấy chỗ phơi miến. Thế nhưng thời gian gần đây, do ý thức của người dân được nâng cao và nhu cầu mặt bằng sản xuất không còn quá căng thẳng nữa nên việc phá nhà cổ cũng giảm đi nhiều.

Về chuyện tăng dân số và nhu cầu chỗ ở, anh Bằng cho biết, ở làng đất đai cũng vẫn còn rộng rãi, vả lại ở nông thôn nhu cầu chỗ ở cũng không căng thẳng và cấp bách như ở Hà Nội. Hiện nay, xã chưa có thống kê cụ thể về số nhà cổ đã bị mất, nhưng hoạt động mới nhất mà chính quyền xã vừa làm để góp phần gìn giữ nhà cổ là xây dựng trang web www.langcuda.vn , quảng bá hình ảnh và các thông tin về làng.

Tuy nhiên, ai khẳng định trước trong tương lai nhu cầu về mặt bằng sản xuất và nhà ở sẽ không tăng trở lại, và đến lúc đó, sẽ phải làm thế nào? Anh Vũ Văn Bằng cho hay, hiện tại xã cũng đang bắt tay vào chuẩn bị tư liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích làng cổ - lịch sử văn hóa. Chỉ khi nào Cự Đà được công nhận di tích, việc trùng tu, bảo tồn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, do khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí. Anh Bằng đưa ra thí dụ, chỉ riêng đối với nhà Đại khoa, việc các vì kèo, rường cột bằng gỗ đã cực kỳ tốn kém, chưa nói đến nội thất như giường tủ, bàn ghế, tủ thờ…

Hiện nay, ý thức bảo vệ, giữ gìn nhà cổ của người dân Cự Đà đã được nâng lên rất nhiều. Nhiều gia đình vẫn sửa chữa theo quy mô nhỏ như chống dột, chống thấm, đảo ngói… Tuy nhiên để sửa chữa, tu bổ hoàn chỉnh thì ngoài khả năng của họ. Ông Trịnh Văn Cơ bùi ngùi: “Nhà tôi hư hại, dột nát đã bao lâu nay rồi, cũng chỉ sửa chữa theo kiểu rách đâu vá đấy thôi. Cũng muốn sửa lại cả căn nhà lắm, nhưng không đủ tiền”.

Ông Đặng Bằng, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Hà Tây: Chúng tôi đã xếp Cự Đà vào diện ưu tiên sau Đường Lâm để làm hồ sơ xin công nhận Di tích văn hóa làng Việt cổ. Cùng là làng cổ, nhưng Cự Đà có nét khác biệt với Đường Lâm, vẫn giữ nguyên được những nét đặc trưng của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại mang dáng dấp quý phái của thành thị.

- Xin ông cho biết hiện nay công việc này đang được triển khai thế nào?

- Chúng tôi đã xếp hạng được một số di tích đình chùa, đền miếu, trong đó có Đình Vật được xếp hạng di tích cấp quốc gia, bản thân làng Cự Đà cũng được tỉnh cấp bằng công nhận Làng nghề truyền thống với các nghề làm miến, làm tương. Hiện nay chúng tôi cũng đang bắt đầu khảo sát số nhà cổ ở Cự Đà.

- Đã có những phương án bảo tồn nào được tính đến, thưa ông?

- Trong quá trình bảo tồn làng cổ Đường Lâm, thành phố Sơn Tây đã đưa ra một phương án rất hay, là nhà nào giữ được nhà cổ sẽ được ưu tiên mua một suất đất ở khu giãn dân. Điều này vừa khuyến khích được người dân giữ được nhà cổ, vừa đáp ứng nhu cầu về nhà khi dân số tăng. Tuy nhiên, Cự Đà lại có đặc thù về nghề thủ công, và quỹ đất đai cũng hạn hẹp hơn so với Đường Lâm, nên phải tính đến một phương án quy hoạch tổng thể, giải quyết cả nhu cầu sản xuất lẫn nhà ở mới đáp ứng được. Việc này cần đến sự vào cuộc của nhiều bên: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương và cả người dân.

Nếu được quan tâm gìn giữ và bảo tồn thỏa đáng, Cự Đà sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước: Có vị trí thuận lợi, gần trung tâm thủ đô, có nghề thủ công ấn tượng, hệ thống di tích phong phú, người dân rất có ý thức và tôn trọng những di tích cổ.

Chúng tôi cũng hy vọng những thành công từ việc bảo tồn Đường Lâm sẽ đem lại những kinh nghiệm quý báu cho quá trình gìn giữ, tu tạo nhà cổ ở Cự Đà.

- Xin cảm ơn ông.

(Nhân Dân)