Boston, một trong những thành phố cổ xưa nhất ở bờ Đông Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hình thành vào năm 1629, khi những người Anh đầu tiên thiết lập nền thuộc địa ở đây. Những người Thanh giáo đầu tiên di cư sang miền New England (1) - Đông Bắc nước Mỹ để trốn tránh những cuộc truy bắt tôn giáo nhưng vẫn thiết lập một định chế thuộc địa gắn bó với mẫu quốc Anh.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 1730, khi mẫu quốc Anh gia tăng thuế suất đánh vào những thương vụ nổi tiếng của Boston, mà điển hình là đạo luật trà ban hành năm 1793. Cục diện đến đỉnh điểm, khi những chiến thuyền Anh cập cảng Boston để bắt giữ những lãnh tụ ly khai của Boston thời ấy. Cách mạng Mỹ bùng nổ, và một trong những lãnh tụ quân sự của Boston thời bấy giờ là George Washington, sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Truyền thống Boston
Mang trong mình tính chất kinh viện hàn lâm của những người Thanh giáo đầu tiên, và sự đa chủng, pha trộn văn hóa của một thương cảng sầm uất, không ngạc nhiên khi truyền thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học lâu đời của Boston được xem là tốt nhất nước Mỹ. Boston có Đại học Harvard, nơi mài đũng quần của bao nhiêu đời tổng thống Mỹ. “Phi Harvard bất thành tổng thống!”. Nghe đồn rằng, trong thư viện đồ sộ của Harvard có một bộ kinh Phật tối cổ viết trên lá bối, là tài liệu tham khảo bằng tiếng Sankrit cho những nghiên cứu về Phật học của các tiến sĩ Harvard. Cổ xưa là thế, nhưng khi thấy tượng John Harvard, người sáng lập ra đại học danh tiếng này, bị lũ sinh viên rắn mắt chụp cho một quả bí ngô trên đầu mới hiểu được rằng: Sự hàn lâm và tinh nghịch của tuổi trẻ vẫn có thể song hành (?).
Cambridge, Trường Âm nhạc Berkeley, hai bối cảnh của cuốn tiểu thuyết lừng danh Love Story của Eric Segal cũng là địa danh không thể bỏ qua của du khách, và vẫn là niềm mơ ước của bao nhiêu thế hệ sinh viên. Các giảng đường của Harvard, Cambridge với màu gạch đỏ truyền thống của kiến trúc thuộc địa, vẫn đổ bóng xuống sân trường mênh mông ngập lá phong vàng, như những lâu đài tri thức ẩn khuất trong rừng lá. Tòa nhà cũ kỹ của Hiệp hội Y học Massachusetts, nơi ra lò của Tạp chí New England Journal Medicine (2) và loạt bài giảng trên phố Shattuck lừng danh, vẫn nép mình trong một góc phố yên ả. Tôi đến, lặng lẽ hồi lâu, lòng thầm ước ao y khoa nước Việt có một biểu tượng đáng khâm phục và đầy vinh dự như vậy.
Các tòa nhà chọc trời của Boston đã xuất hiện trước cả tòa nhà Empire State Building của New York. Thật khá khen cho những nhà quy hoạch của Boston, “cắm” những tòa nhà chót vót, hiện đại xen lẫn trong một không gian cổ xưa như vậy mà không hề thấy chướng mắt. Các dinh thự, nguyện đường của Boston cùng với mây xanh, lá vàng vẫn in bóng lên những mảng kính xanh tráng lệ của các dinh thự cao vút, như soi rọi thì quá khứ vào hiện tại. Một kiểu “present perfect” trong kiến trúc thật đẹp và hài hòa!
Boston còn có MIT, Học viện Kỹ thuật Massachusetts, cái nôi của bao nhiêu ứng viên Nobel. MIT bao la và rợp bóng cây xanh, với sân trường và ký túc xá đường ngang lối dọc. Điều thú vị là trong khuôn viên MIT, đa số sinh viên đều “đầu đen da vàng”, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... Quả như ai đó nhận định không sai, châu Á đã dần dần trở thành một lực lượng khoa học vào hàng “chiếu trên” của thế giới. Nhưng hình như vẫn chưa thỏa mãn với MIT, người ta vẫn xây dựng hối hả một tòa nhà đồ sộ cạnh đó, Viện Nghiên cứu về nhận thức não bộ con người (Institute of Human Brain Recognition Research). Tôi đi qua, giữa ngổn ngang sắt thép, lòng ngấm ngầm kinh sợ nỗi khao khát tri thức của nhân loại. Tự hỏi: Trong những mái đầu đen hối hả lướt qua hôm nay, những neurone nào sẽ tỏa rực ánh sáng trí tuệ trong lâu đài khoa học mai sau?
Vàng thu mênh mông
Boston không chỉ có trường đại học hay kiến trúc cổ xưa kiểu châu Âu, thiên nhiên còn ban tặng cho Boston một thảm lá phong mênh mông trải dài lên vượt biên giới Canada. Mùa thu Boston, là một cảnh tượng ngoạn mục và đáng chiêm ngưỡng ngay cả đối với dân Mỹ. Đến độ thu về, làn sóng du khách khắp nơi đổ về Boston nườm nượp. Đến Boston vào một ngày cuối thu, ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi là sự phong phú và giàu có của sắc màu, nhất là gam vàng. Vàng úa của lá rơi trên nền cỏ xanh mươn mướt, vàng tươi của lá trên cành đang đùa với gió thu, ánh vàng lấp lánh của mặt nước hồ thu soi bóng lá, rực rỡ tia vàng của mặt trời ôn đới đang tán xạ qua muôn ngàn cây lá sang thu, màu vàng đất trầm lặng của những dinh thự, nguyện đường mang nét kiến trúc Ireland, màu gạch đỏ của những công sở Anh Quốc xa xưa, trên nền xanh biếc của bầu trời phương Bắc, tinh khiết và thừa sức làm mềm lòng bất cứ nhà nhiếp ảnh khó tính nhất. Dường như, con người đã xây dựng nên Boston với màu gạch đỏ của dinh thự, còn tạo hóa, trong một cơn cuồng hứng đậm chất Paul Gauguin, đã hào phóng đổ lên mặt đất, bầu trời xanh thẳm của Boston một palette vàng hảo hạng với nhiều sắc độ tinh tế tuyệt diệu.
Người Boston thanh lịch và hiếu khách. Điều đó biểu hiện rất rõ qua kiến trúc Âu châu kiểu Anh, Pháp, Ireland; qua những đám đông hiền hòa ngồi tán gẫu trong những quán cà phê vỉa hè kiểu Paris, nhưng mang biểu tượng chiếc ấm đồng của cà phê Starbuck lừng danh Mỹ Quốc. Cũng hơn một lần, khi tôi loay hoay với tấm bản đồ trên đường phố, thì bất chợt một Bostonian sà tới, “May I help you?”(3) với một nụ cười thân thiện toét đến tận mang tai. Tôi nhớ mãi nụ cười của Jean, anh chàng gác dan khách sạn có cái tên Pháp nhưng thân hình hộ pháp như Mỹ. Một nụ cười bạn bè chờ đón ta về mỗi chiều, đưa tiễn ta mỗi sáng. Không tả được, nhưng chắc chắn nó khác hẳn những nụ cười thân-thiện-đã-được-luyện-tập mà tôi đã thấy trong nhiều khách sạn khác trên đất Mỹ.
Cái đẹp của tri thức
Trung tâm hội nghị của Boston là một tòa nhà cũ kỹ kiểu thuộc địa với những hành lanh dài hun hút, cầu thang cong cong đối xứng với những ô cửa kính dày cộp để chống lạnh. Tuy nhiên, những giảng đường của nó đủ sức chứa được 5.000 con người từ khắp thế giới đổ về để tham dự cuộc họp thường niên của Hội Nghiên cứu Bệnh lý gan mật Hoa Kỳ. Bạn đã bao giờ chứng kiến một lớp học đến 5.000 con người lần nào chưa? Trong cái ấn tượng của một đám đông khổng lồ bên trong một giảng đường mờ tối, sự uyên bác của người nói, lẫn sự chăm chú tập trung cao độ của người nghe làm dậy lên một cảm giác lạ lùng. Nó làm ta liên tưởng đến sự trang nghiêm trên bờ sông Vệ khi thầy Khổng Khâu giảng dạy đám môn sinh, hay cái không khí suy tưởng kinh viện của Aristotes xưa kia bên cổ thành Hy Lạp. Tri thức nguyên vẹn và hàn lâm, tự bản thân nó đã ẩn chứa cái đẹp đầy mê hoặc, thì ra là vậy!
Thật dễ nể nếu như trong một hội thảo tấm cỡ thế giới như vậy, người Việt là tôi được mục kích bao nhiêu bài giảng uyên thâm, mà diễn giả là người châu Á đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông... Tiếng Anh trôi chảy và sang trọng, phong thái lịch lãm, kiến thức uyên bác... của các vị da vàng này làm bật ra một niềm tự hào rất đỗi AQ, pha lẫn tam đoạn luận ba trợn biến hóa từ Descartes: “Nó” bảnh thiệt, mà “nó” da vàng, mình cũng da vàng. Vậy là mình cũng bảnh như “nó” chứ chẳng chơi (?)! Đành học theo Lỗ Tấn vậy, còn hơn là bật ra một tiếng thở dài phải không?
Cắm cúi ghi ghi chép chép cả ngày, tài liệu tha về một đống, tối về giở lại trong ánh đèn vàng ấm áp của khách sạn, bên khung cửa sổ xa xa là Boston về đêm với muôn vạn sắc màu, mới vỡ vạc nhiều điều về y lý thâm sâu. Nhưng vượt lên trên tất cả, tôi đây, kẻ mang laptop đi học ngày nay, xin lĩnh ý và sẻ chia với tiền nhân đất Việt, những người đọc thiên kinh vạn quyển trên thanh tre gióng trúc ngày xưa, cái cảm giác thân thuộc và thư thái của một đêm với “Cảo thơm lần giở trước đèn...”. Tôi chưa biết thế nào là lời văn tốt, câu thơ hay. Nhưng thỉnh thoảng trong đời, tôi biết được rằng được thỏa mãn lòng hiếu tri bằng uống nước tri thức đến tận nguồn một cách thấu đáo, thỏa thuê, trong những dịp hiếm hoi như thế này, quả là một sự khinh khoái tinh thần không gì sánh nổi. Vậy thôi!
. Thư Boston: Mùa thu Boston tuyệt vời sắc màu. Màu vàng của lá úa trên nền cỏ xanh mươn mướt, màu vàng của ánh nắng mặt trời, màu vàng của đất... Tất cả tạo nên một gam vàng tinh khiết của đất trời. |
----------------
(1) Boston là thủ phủ của Massachusetts, một trong 6 tiểu bang của vùng New England, gồm 6 tiểu bang Đông Bắc Mỹ: Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Rhode Island và Vermont.
(2) Tạp chí Y học danh tiếng và uy tín vào bậc nhất của nước Mỹ, có tòa soạn ở số 10, phố Shattuck, Boston.
(3) “Tôi có thể giúp đỡ gì không?”.
Bút ký của bác sĩ Lê Đình Phượng (Bệnh viện Pháp Việt)
▪ Thể thao truyền hình cuối tuần (20/08/2005)
▪ Những điều kỳ diệu từ Hoa hồng tình yêu (19/08/2005)
▪ Nhìn Ashley Judd, nhớ Marilyn Monroe (18/08/2005)
▪ Lâm Thanh Hà lần đầu hé lộ chuyện tình tay ba (18/08/2005)
▪ Triệu Vy ném 30 triệu NDT để gia nhập CLB giàu có (18/08/2005)
▪ Huyền thoại người dơi (18/08/2005)
▪ Madonna từ chối 80 triệu USD? (17/08/2005)
▪ 600 người làm một vụ tắm hơi khổng lồ (17/08/2005)
▪ Demi Moore và Jude Law lại khổ sở vì hình sex (17/08/2005)
▪ Eminem cho Mariah Carey "lên thớt" (17/08/2005)