Seoul mới mẻ và truyền thống
Các Website khác - 14/12/2005
Cung điện Kyong bok
Tôi đến Seoul vào giữa thu, khi những lá cây phong đã chuyển sang màu đỏ, những quả táo, lê vàng quả tròn bắt đầu xuất hiện nhiều ở các chợ, những bà nội trợ đang chuẩn bị món kimyang (một loại kim chi được làm để dự trữ cho mùa đông giá lạnh)...

Thời tiết Seoul mùa thu thật dễ chịu, không quá lạnh cũng không quá nóng đối với một người đến từ xứ sở nóng quanh năm như tôi.

Một góc nhìn khác ở Cung điện Kyong bok

Cô Jane Han, một người bạn đang công tác trong ngành du lịch của tôi nói: “Nếu bạn đến Seoul lần thứ hai hay thứ ba thì không cần đến Viện Bảo tàng Quốc gia hay Cung điện Kyong bok như lần đầu mà nên đến những khu Cheonggye - con đường nước mới của Seoul hay chợ Myeong-dong... để thấy những đổi thay của thành phố.

Du khách có thể tha hồ mặc cả giá tại chợ Cửa Nam (Namdeamun) hay chợ Cửa Đông (Dongdeamun)... Nơi đây bày bán đủ các loại hàng hóa, từ ảnh của diễn viên nổi tiếng Bae Yong Joon (khán giả Việt Nam biết đến

Chợ thời trang Myeong-dong vào buổi tối

qua bộ phim Chuyện tình mùa Đông) đến những củ sâm Cao Ly tươi.

Ngày tiếp theo của tôi là một ngày cuối tuần, tôi quyết định đi tham quan chợ thời trang Myeong-dong. Điều gây ấn tượng đầu tiên là khách hàng đến với chợ đa phần là giới trẻ (theo thống kê, độ tuổi 15 - 64 chiếm 72% dân số Hàn Quốc).

Tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào một khu trung tâm nào đó ở Tokyo hay Hồng Kông. Khắp chợ, giới trẻ đi dạo chợ với những bộ quần áo mốt nhất, tay không rời những chiếc điện thoại di động nhỏ nhắn xinh xinh (Hàn Quốc có đến 39,6 triệu thuê bao điện thoại di động/48 triệu dân). Ở đây có đầy đủ các cửa hàng của các nhà thời trang và các hãng thể thao nổi tiếng như Levi's, Puma, Nike... xen lẫn các cửa hàng có tên tuổi của Hàn Quốc.

Đông đúc, nhộn nhịp chợ cửa Nam Namdeamun

Tôi chọn một quán cà phê gần đấy để ngắm phố phường. Người Hàn Quốc cũng nghiện cà phê không kém gì dân Việt Nam mình. Có thể dễ dàng tìm thấy các quán cà phê tự động. Một ly cà phê sữa nhỏ mua từ các máy này khoảng 300 won (tương đương với 5.000 đồng). Ngồi cạnh tôi là hai cô cậu tóc vàng hoe, đeo đủ thứ các loại dây trang sức trên người và mặc đồ rất giống nhau. Nhìn kỹ lại, một áo có dòng chữ “Đây là bạn trai của tôi” và mũi tên chỉ vào người bên cạnh và chiếc áo kia là dòng chữ “Đây là bạn gái của tôi”!

Đêm cuối trước khi về lại Việt Nam, tôi chọn một “quán lều” để lai rai, đây là những căn nhà làm bằng vải bạt che tạm trên vỉa hè dùng để bán thức ăn và rượu vào ban đêm. Cô bạn Việt Nam đang công tác tại Công ty Samsung nói: “Đến Hàn Quốc, phải thử rượu sôchu mới thật sự biết Hàn Quốc!”. Sôchu là một loại rượu gạo có nồng độ cồn khoảng 20% - 25%, rất nổi tiếng ở Triều Tiên.

Người Hàn Quốc uống rượu khi vui, khi buồn, khi bị stress trong công việc... Không hề quá khi nói rằng rượu đóng vai trò lớn trong đời sống thường nhật của người Hàn. Người Hàn Quốc không có thói quen tự rót cho chính mình, khi cần thêm rượu, họ có thể nói vui “Bây giờ mấy giờ rồi nhỉ?” hay “Ai đã mưu sát Tổng thống Park vậy?”. Người lớn tuổi hay có chức vụ cao thường dùng một tay để rót rượu, người nhận phải dùng hai tay để nâng ly và rót rượu lại cho sếp của mình.

Theo DNSG cuối tuần