1. Vượt qua lạm phát, gặp suy giảm kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam chào năm 2008 bằng cú sốc đột ngột: Lạm phát cao trong quý I (lên mức 16,37%). Chính phủ đã đưa ra gói 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đặt trọng tâm vào thắt chặt tiền tệ và tài khóa, kiểm soát đầu tư công.
Hệ quả là lãi suất tăng phi mã (lãi suất cho vay có lúc lên 21%/năm), khiến hầu hết các doanh nghiệp đã gặp khó khăn về xuất khẩu, về bán sản phẩm trong nước, về vốn và lãi suất cũng như các chi phí đầu vào. Gói giải pháp của Chính phủ đã đạt kết quả bước đầu quan trọng, duy trì mức tăng trưởng GDP khá, khoảng 6,23% , tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 20%, cao nhất trong 10 năm qua, và những tháng cuối năm nền kinh tế ở trong tình trạng giảm phát (ba tháng 10, 11 và 12 lạm phát đã ở mức âm).
Trong 4 tháng cuối năm, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tràn qua đã đẩy kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ giảm phát: Hàng loạt DN thua lỗ, cắt giảm sản lượng và sa thải nhân công, nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng. Trong khi chứng khoán tuột dốc không phanh, bất động sản trầm lắng bất chấp mọi nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiện nỗi lo chính của nền kinh tế là giảm phát. Chính phủ đã phải bàn đến gói kích lên tới 6 tỷ USD cho năm 2009. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, đặt ra cho Chính phủ một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Vừa giảm tốc lại vừa phải tăng tốc.
2. Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư (khóa X) ra 3 nghị quyết quan trọng về công tác thanh niên, “tam nông” và trí thức
Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa - hiện đại hóa chỉ rõ: Thanh niên là rường cột của nước nhà, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Những năm tới, phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho thanh niên học tập, nghiên cứu. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Trọng dụng nhân tài trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong việc sử dụng, bố trí cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực…
Nghị quyết mới về “tam nông” có mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ đất nước…
Đảng cũng xác định: Trong thời đại ngày nay, tri thức ngày càng giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trí thức Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn và cả những thách thức gay gắt. Từ nhu cầu cấp thiết phải phát triển đội ngũ trí thức, BCH T.Ư Đảng đã ra Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.
3. Đội tuyển bóng đá nam vô địch Đông Nam Á sau 49 năm
Đội tuyển bóng đá nam vô địch Đông Nam Á - sự kiện nức lòng người hâm mộ Ảnh: Phạm Yên |
Hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam vỡ òa cảm xúc khi đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan trong trận chung kết lượt về cúp AFF Suzuki Cup đêm 28/12/2008 trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Một chiến thắng ngọt ngào đã đến như một giấc mơ, sau hàng chục năm khắc khoải đợi chờ.
Các tuyển thủ bằng tinh thần, ý chí Việt đã làm nên điều kỳ diệu: Lần đầu tiên, Việt Nam giành cúp vô địch AFF Suzuki Cup, lên ngôi vương bóng đá Đông Nam Á sau 49 năm.
4. Mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội
Từ ngày 1/8/2008, thủ đô Hà Nội được mở rộng theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, Hà Nội mới với 29 đơn vị hành chính, bao gồm toàn bộ Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), có diện tích tự nhiên 3.345km2, dân số trên 6,23 triệu người.
Với quyết định mang tính lịch sử này, thủ đô của Việt Nam đã được mở rộng gấp gần 4 lần, với diện tích trên 3.000 km2, lọt vào danh sách những thủ đô lớn nhất thế giới.
5. Việt Nam đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; Tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak tại Việt Nam
Lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam hoàn thành tốt chức trách của mình và cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 7/2008, thể hiện và bảo vệ quan điểm, lập trường mang tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.
Trước đó, Đại lễ Vesak-2008 diễn ra tại Hà Nội từ 14-17/5/2008, với sự tham dự của đại diện hơn 70 nước và vùng lãnh thổ cũng đã thành công tốt đẹp.
6. Việt Nam xác định chủ quyền trên không gian vũ trụ bằng vệ tinh thông tin
Việt Nam đã chính thức xác định chủ quyền trên không gian vũ trụ bằng việc sở hữu vệ tinh VINASAT 1-vệ tinh thông tin đầu tiên của Việt Nam- được phóng thành công lên quỹ đạo vào 17 giờ 17 phút ngày 19/4 giờ địa phương (19 giờ 17 phút ngày 18/4/2008 giờ Việt Nam) từ đảo Guiana thuộc Pháp.
Việc đưa VINASAT 1 vào sử dụng giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc -truyền thông của Việt Nam, nâng cao năng lực và độ an toàn cho mạng truyền dẫn viễn thông quốc gia.
7. Nghi án hối lộ PCI và những hệ lụy
Từ việc báo chí Nhật Bản đưa tin Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của nước này đã khai nhận việc đưa hối lộ 820.000 USD cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ - Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông- Tây của TPHCM để nhận được hợp đồng tư vấn cho dự án này từ vốn ODA. Viện KSND tối cao đã yêu cầu Bộ Công an điều tra.
Ban Chuyên án đã được thành lập. Ngày 19/11, ông Sĩ bị đình chỉ chức Phó Giám đốc Sở GTVT kiêm Trưởng ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây. Vụ việc đã chính thức được phía Việt Nam khởi tố ngày 9/12. Nhưng hệ lụy đầu tiên của vụ bê bối PCI đã bắt đầu với việc Chính phủ Nhật Bản tạm dừng các khoản vốn cho vay ưu đãi bổ sung hơn 700 triệu USD trong năm tài khóa 2008 và không cấp mới ODA trong năm 2009.
8. Phanh phui hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; “bão” melamine và hệ lụy
Năm 2008 có thể được coi là năm mà ô nhiễm môi trường trở thành điểm nóng bức bối. Bắt đầu từ vụ Vedan, hàng loạt các vụ DN đầu độc sông hồ và môi trường xung quanh được đưa ra ánh sáng. Trong suốt 14 năm, nhà máy bột ngọt Vedan tại Đồng Nai đã xả thẳng ra sông Thị Vải một lượng nước thải khổng lồ chưa qua xử lý, trung bình 105.600m³ nước thải/tháng, thông qua một hệ thống đường ống bí mật.
Ngay cả khi việc làm sai trái này bị phanh phui, Vedan đã tỏ ra bất hợp tác trong quá trình điều tra và chịu phạt. Dư luận phẫn nộ, diễn đàn Quốc hội “sôi sục” vì vụ Vedan. Năm 2009, lần đầu tiên, chỉ tiêu về môi trường được đưa vào kế hoạch 5 năm.
Vụ bê bối sữa nhiễm melamine gây bệnh sạn thận ở trẻ em của Trung Quốc đã lan rộng thành cơn khủng hoảng mang tính toàn cầu. Cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn bị động, phải mở cuộc truy lùng sữa độc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và “bão” melamine đã khiến đời sống người dân bị xáo trộn, nhất là đối với những người có con nhỏ và nông dân nuôi bò sữa.
9. Điều hành giá xăng dầu hoàn toàn theo tín hiệu thị trường
Trong năm quá, giá xăng luôn có sự biến động |
Giá xăng dầu năm 2008 có một cú sốc tăng lên 19.500 đồng/lít xăng A95 vào ngày 21/7 sau gần nửa năm Nhà nước cố chịu lỗ để giữ giá xăng. Giá xăng thời điểm này đã gần bám sát giá thị trường quốc tế.
Đến ngày 16/9, Chính phủ đã quyết định chấm dứt bù lỗ đối với tất cả mọi loại xăng dầu-đầu vào quan trọng với rất nghiều ngành sản xuất kinh doanh - để thực thi giá cả theo tín hiệu thị trường. DN được tự quyết định giá với điều kiện thông báo cho cơ quan quản lý biết và nếu được chấp thuận thì thực hiện.
10. Đợt mưa ngập lịch sử tại Hà Nội
Mưa bất thường từ đêm 31/10 đến sáng 3/11 tại Hà Nội, lớn nhất trong vòng 24 năm qua, gây ra cơn “đại hồng thủy” kéo dài suốt nhiều ngày khiến các nẻo đường biến thành những con sông. Nước tràn cả vào nhà, có những nơi ngập sâu đến hơn 1m và kéo dài cả tuần có 21 người thiệt mạng và thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng.
▪ Thu nhập trên 1.000 USD/người, Việt Nam vẫn ở ngưỡng nghèo (31/12/2008)
▪ Hành khách “dễ thở” (31/12/2008)
▪ Tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuât... (31/12/2008)
▪ Tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuât... (31/12/2008)
▪ Nhân lực công tác xã hội ở Việt Nam - Ai dùng? (30/12/2008)
▪ Yêu cầu làm rõ các vụ bóc lột sức lao động trẻ em (30/12/2008)
▪ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường 9 - 11, quận 11 (30/12/2008)
▪ Thưởng tết 2009: Vấn đề “nhạy cảm”! (30/12/2008)
▪ “Hòn ngọc viễn đông” trong cơn suy thoái 1929 – 1933 (29/12/2008)
▪ Sợ không mua được vé xe tết! (29/12/2008)