Nhân lực công tác xã hội ở Việt Nam - Ai dùng?
Các Website khác - 30/12/2008
 Đến nay, chúng ta đã có hàng trăm người được đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ngành công tác xã hội ở nước ngoài và hàng ngàn cử nhân ngành này được đào tạo trong nước. Nhưng nguồn nhân lực quý báu ấy vẫn chưa được... công nhận chính thức và chưa được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả.

Mỗi năm có hàng nghìn người được đào tạo

Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, người có nhiều năm làm công tác bảo trợ xã hội ở Bộ Lao động, thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng: “Ở nước ta, tuy công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, nhưng từ năm 2000 tới nay cũng đã có hàng trăm người được đào tạo cơ bản về công tác xã hội ở bậc đại học và thạc sỹ ở nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quý báu làm nòng cốt cho việc phát triển nguồn nhân lực trong hiện tại.
 
Từ năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã đào tạo ngành công tác xã hội trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ và Trung học chuyên nghiệp. Hiện đã có trên 30 trường ĐH, CĐ tham gia đào tạo ngành công tác xã hội. Ước tính hàng năm có ít nhất 1.200 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng ngành công tác xã hội và hàng trăm người tốt nghiệp trung cấp ngành công tác xã hội”. Câu hỏi đặt ra là số sinh viên tốt nghiệp này ra trường đi về đâu, họ sẽ làm gì cho phù hợp với chuyên ngành được đào tạo?
 
Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại làng Hòa Bình (Hà Nội). Ảnh CH.

Những năm qua, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, với sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, đã triển khai các chiến dịch truyền thông và xây dựng đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.

Tận dụng thế nào?

Việc sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào cho hiệu quả hiện là vấn đề cấp thiết. TS. Nguyễn Hải Hữu cho biết: “Ở nước ta hiện nay số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già ở các gia đình, bệnh viện theo dạng thuê mướn tạm thời cũng lên tới gần chục nghìn người; số cộng tác viên làm công tác dân số và bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các thôn, bản lên tới 162.000 người. Trừ số cán bộ được đào tạo ở trình độ ĐH, CĐ, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản, họ chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kỹ năng và hiểu biết về công tác xã hội. Bởi vậy, hiệu quả công tác xã hội còn nhiều hạn chế”.

Để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hoá một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; một số chức danh ở các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, một số tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải đạt trình độ đào tạo ĐH hoặc CĐ về công tác xã hội. Phải ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về công tác xã hội vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, ngành, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác.

Tiếp theo là tạo khung pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội kể cả khu vực nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút được những người qua đào tạo cơ bản về công tác xã hội vào làm việc, khắc phục tình trạng học một nghề ra làm nghề khác, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực quý giá này. Việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ công tác xã hội với tư cách là nhà tham vấn, tác nhân phát triển cộng đồng, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả... cũng cần có hành lang pháp lý rõ ràng.
 
Theo Giadinhnet