“Hòn ngọc viễn đông” trong cơn suy thoái 1929 – 1933
Các Website khác - 29/12/2008

Thế giới đang rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế “trăm năm mới có một lần”. Người ta nhắc đến cuộc khủng hoảng 1929 – 1933 trong hệ thống các nước tư bản, mà cũng xuất phát từ Hoa Kỳ. Việt Nam thời đó là thuộc địa của Pháp cũng không khỏi ảnh hưởng. Từ tư liệu cũ của báo Phụ nữ tân văn (PNTV), SGTT giới thiệu cùng bạn đọc góc nhìn về Sài Gòn trong cơn suy giảm kinh tế cách đây gần một thế kỷ

Chuyện một người tây làm phu xe kéo xảy ra vào khoảng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 ở Sài Gòn được báo mô tả. Cuộc khủng hoảng đã gây ra nhiều biến động và xáo trộn dữ dội trong xã hội ở thành thị cũng như ở nông thôn. Địa bàn khảo sát là Sài Gòn, Chợ Lớn. (Thỉnh thoảng mới có vài chi tiết ở vùng phụ cận, nay được kể vào mấy quận nội thành TP.HCM).

Phá sản hay hoạt động cầm chừng

Ở Sài Gòn, nhiều người trong giới sản xuất, kinh doanh làm ăn thua lỗ bị dồn đến mức cùng cực là phải khánh tận: 43 vụ. “Nhà buôn bị khánh tận bằng ba năm ngoái”. (PNTV, số 89, 2.7.1931, trang 24)

Trường hợp người làm ăn có vay vốn ở ngân hàng hoặc của “Chà xã tri” (chỉ Ấn kiều làm nghề cho vay) mà không có khả năng hoàn trải đúng hạn sẽ bị kiện phát mãi tài sản.

“Cựu đốc phủ sứ Nguyễn Văn Dõng ở Khánh Hội nợ Chà 3.3000$ không trả nổi, bị kiện. Toà cho phát mãi một bất động sản ở Sài Gòn trước kia giá 40.000$ nay bán được có 7.000$. Sở đất này đã cầm, người Chà không lãnh được một xu nào.

“Kiện lần nữa, phát mãi mười mẫu đất ở Nhà Bè. Ba năm trước, trị giá 300.000$ là ít, toà ra giá 1.000$, bán được 10.700$”. (Số 227, 7.12.1933, trang 26).

Có người mất mát thua lỗ nhiều như chủ nhà buôn Pierrot có cả vườn cao su ở Tây Ninh đau buồn đến mức phải tự chấm dứt cuộc đời. Tờ PNTV đưa tin: “Vì kinh tế khuẩn bách, một người tây uống thuốc độc mà chết” (số 94, 6.8.1931, trang 23).

Trong tình thế bế tắc đó, thử hỏi có mấy ai dám ra vốn để làm ăn mua bán. Những người Ấn kiều chuyên làm nghề cho vay cũng bị ảnh hưởng. Năm 1930 có tám người trả ba tăng. “Đầu năm 1931 tới giờ, lớp bị Nhà nước buộc làm sổ sách chữ tây, lớp bị kinh tế khuẩn bách, có thêm 21 người xã tri ở Sài Gòn trả ba tăng” (số 105, 22.10.1931, trang 23).

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 nói riêng ở Sài Gòn đã dẫn đến sự phá sản của một số nhà sản xuất kinh doanh, mua bán. Toàn bộ thầy thợ ở những nơi này không phân biệt tây, ta phải lâm vào cảnh thất nghiệp. Đó là chưa nói đến những người làm ngày nào ăn ngày nấy.

Thất nghiệp tràn lan

Trong sáu tháng đầu năm 1931, những người Pháp thất nghiệp “phải dắt vợ bồng con về tây nhiều lắm” (số 90, 9.7.1931).

Tây về tây, Hoa kiều về nước. “Hai năm nay, vì kinh tế khủng hoảng, buôn thua bán lỗ, nên khách Hoa kiều ở Nam Kỳ lần lần kéo về nước hết bộn. Coi như dân Hoa kiều ở Chợ Lớn trước kia là 6.000 người mà nay còn có 1.200 người, còn ở Sài Gòn cũng chỉ còn có 500 người mà thôi” (số 217, 21.9.1933, trang 26). Với người Việt, ở lại thành phố là những tư chức, thầy thợ còn giữ được chỗ làm của mình. Họ phải cắn răng chịu đựng mấy phen sụt lương, giảm phụ cấp. Dù muốn dù không, cũng bị đẩy vào cái thế phải thắt lưng buộc bụng.

Vì kinh tế khủng hoảng, ngân sách thu không bù chi nên nghị định ngày 22.7.1931 của Toàn quyền bớt 20% “phụ cấp việc quan” của viên chức Tây, Nam.

“Nhơn vì năm nay kinh tế nguy nan, công nho khiếm khuyết, nên bữa 22.Septembre trước, chánh phủ đã ký nghị định bớt 20% về tiền phụ cấp việc quan của viên chức Tây, Nam, rồi ngày 6 Octobre lại ký nghị định bớt tiền phụ cấp cho vợ con”(số 105, 22.10.1931, trang 23).

“Đông Dương ngân hàng đi sau người ta trong việc sụt lương nên muốn bắt kịp, “mới bớt lương thình lình 21% cho tới 50%!”(số 240, 15.6.1933, trang 24).

Công tư chức bị bớt lương, giảm phụ cấp vẫn còn sống được tuy có eo hẹp. Trong số dân thất nghiệp, có người cựa quậy, chuyển nghề. Cố nén sự mặc cảm, họ chọn một “nghề” không đòi hỏi vốn liếng hay chuyên môn, coi như là một giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi cơn giông bão đi qua. Một người mới hôm qua còn ngồi ở bàn giấy, hôm nay đã bợ tràng chuối chiên đi bán dạo qua các phố.

“Báo Impartial có thuật chuyện một người cựu học sinh trường cao đẳng Hà Nội đi kéo xe ở Chợ Lớn, làm cho các báo quốc ngữ xôn xao.

Cuộc khủng hoảng lan tràn và sâu xa trong xã hội An Nam làm cho người tri thức “vô sản hoá” mỗi ngày mỗi đông thêm.

Có người có lẽ vì chuyển nghề không được hay không muốn chuyển nghề đã đăng một quảng cáo tưởng như đùa. “Báo Đồng Nai kỳ rồi có đăng một cái quảng cáo của một người thất nghiệp, muốn nhường vợ cho người nào khác có tư cách và xu hướng tốt”! (số 229, 21.12.1933, trang 4).

Trên đây là vài nét về tình cảnh bi đát của những người thất nghiệp còn trụ lại ở thành phố. Phần khác hoặc tản ra vùng ven hướng tây bắc thuộc tỉnh Gia Định như Phú Nhuận, Gò Vấp… hoặc lui về làng quê ở Lục Tỉnh nếu còn thân bằng quyến thuộc nội ngoại ở đây. “Lúc này ở dưới tỉnh, tình hình mùa lúa năm nay coi nguy ngập lắm. Nhứt là ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng. (…)

“Vùng này không đủ gạo mà ăn, nấu cháo lỏng ăn đỡ tốn, có khi luộc rau nhai đỡ đói” (số 210, 3.8.1933, trang 25).

Chợ Lớn: “ Thành phố chết”

Nói chung, những người thất nghiệp về quê cũng chưa hẳn thoát được cảnh ngặt nghèo. Những người còn giữ được chỗ làm ở thành phố, ít người cũng có nỗi buồn riêng. Thất nghiệp không tiền mua sắm. Không thất nghiệp thì hạn chế mua sắm. Quang cảnh chợ tết tiêu điều là vì vậy.

“Năm nay Tết nhất vắng teo teo,
Thiên hạ ai ai cũng nói nghèo…
Chén rượu mừng xuân chưa kịp nguội,
Những người đòi nợ đã đi theo!”

Sầm Cương, Tết gặp kinh tế khủng hoảng – PNTV, số 119, 18.1932, trang 23).

Sài Gòn thời ấy không còn là một từ trường thu hút người từ xứ đến làm ăn sinh sống. Thế nhưng khoảng hai năm sau kể từ khi cơn khủng hoảng kinh tế bắt đầu, một cuộc điều tra dân số cho biết Sài Gòn có 118.956 dân, ít hơn tới 23.000 người so với năm 1920 (PNTV, số 93, 30.7.1931, trang 24).

“Từ hai năm trở lại đây, ở Sài Gòn, Chợ Lớn và luôn các châu thành lục tỉnh, đi đến đường lớn đường nhỏ nào cũng thấy treo đầy những bảng “Phố cho mướn” , “Nhà cho mướn”, nhứt là trong mấy tháng gần đây, phố nhà lại càng bỏ hoang để trống nhiều hơn.

“Có nhiều con đường, phố đóng cửa gần hết. Phố để buôn bán cũng đóng cửa, mà nhà và phố để ở cũng bỏ hoang!” (…) (số 213, 24.8.1933, trang 4)

Nhà hoang, phố trống, đường vắng, chợ thưa. Ở Sài Gòn mọi mặt sinh hoạt vẫn tiếp tục uể oải, yếu ớt như một hơi thở tàn. Báo PNTV nhận xét “Chợ Lớn là một cái thành phố đã chết”.

Tình cảnh sa sút của cư dân hiện rõ qua trang phục ngày thường: hàng lụa lần hồi nhường chỗ cho vải vóc.

“Trước đây vài năm, người Trung Bắc vào Nam đều lấy làm lạ về sự người Nam phần nhiều chỉ dùng đồ hàng lụa, cho tới đầy tớ những nhà trung sản cũng mặc đồ hàng.

“Quang cảnh áo vải đầy đường ngày nay làm cho người ta hiểu rằng khủng hoảng ở trong Nam dữ dội lắm. Nhìn gương mặt khách đi đường, ta có thể thấy lộ vẻ lo âu: Người dân trong Nam kỳ kém sút về sự sinh hoạt hơn xưa xa lắm” (số 230, 4.1.1934, trang 3-4).

“Tết tây năm nay, Sài Gòn bày ra một quang cảnh buồn.

Hiệu buôn đóng cửa, người thất nghiệp đầy đường vì vậy mà trừ ra một thiểu số lợi dụng còn thì mọi người đều rất khổ.

“Sài Gòn đã rất buồn, mà Chợ Lớn thì mất hẳn quang cảnh một thành phố lớn. Mọi người đi đường đều có vẻ lo sợ, con ma đói rét chực ở ngạch cửa năm 1931”.

Theo SGTT